Vụ "điều động giáo viên đi tiếp khách" ở Hà Tĩnh: Tại sao lại là nữ giáo viên?

Nhật Minh| 15/11/2016 20:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan đến vụ "điều động giáo viên đi tiếp khách" ở Hà Tĩnh, có ý kiến rằng, chuyện cắt cử nữ nhân viên làm lễ tân, “chúc rượu” hay “tiếp rượu”… vốn chẳng phải sự hiếm...

1. Thời gian gần đây, dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng đang nóng lên câu chuyện “điều giáo viên đi tiếp khách” xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Cụ thể, theo thông tin từ một số báo, vào đầu tháng 11/2016, một số giáo viên tham gia phục vụ lễ tân cho Liên hoan Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh phản ánh, “sau liên hoan còn phải đi cùng quan khách tới một nhà hàng ở TX. Hồng Lĩnh ăn uống, tiếp bia rượu và hát hò”. Liên quan đến vụ việc có nhiều luồng ý kiến, phần lớn phản đối, lên án hành vi này.

Vụ

Tiếp rượu, chúc rượu cũng cần có văn hóa. Ảnh minh họa

Theo báo VietNamNet, tháng 8 vừa qua, TX. Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh có huy động một lực lượng lớn cán bộ công nhân viên chức đi tiếp khách, thành phần trong đó có cả giáo viên nhằm phục vụ tổ chức các sự kiện, hội nghị xúc tiến đầu tư, Liên hoan dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh và nhiều hoạt động khác liên tiếp được tổ chức.

Cụ thể, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra từ ngày 12/8 - 14/8, UBND thị xã Hồng Lĩnh điều động 44 cán bộ viên chức, trong đó có 20 giáo viên. Liên hoan Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh huy động 21 giáo viên tham gia. Đáng chú ý, 21 nữ giáo viên được điều phục vụ liên hoan dân ca ví dặm do UBND thị xã chỉ định tên tuổi rõ trong văn bản hành chính. Một số giáo viên cho rằng việc bị điều đi tiếp khách là sai mục đích công việc của mình, ảnh hưởng cuộc sống cá nhân.

Thế nhưng, chuyện không dừng lại ở đó. Nhiều báo đưa tin, Chủ tịch UBND TX. Hồng Lĩnh đã có giải trình, cho rằng việc “điều giáo viên tiếp khách” là do… nhiệm vụ (?); và rằng sự việc xảy ra từ hồi tháng 8, tại sao gần đến ngày kỷ niệm Hiến chương Nhà giáo Việt Nam (20/11) mới bị thổi bùng trên báo chí truyền thông? Thậm chí, trong bài viết đăng tải trên báo điện tử VietNamNet, ông còn nói thêm, việc huy động giáo viên đi tiếp khách đã có từ nhiều năm qua, và đã “có chủ trương, được bàn bạc qua họp hành, hướng dẫn bằng văn bản” (!?). Theo ông, đây là việc “cần thiết”; và “những người được cử đi đều phải hãnh diện” v.v…

Chuyện một đơn vị, cơ quan, tổ chức, công ty nào đó cử một số nữ nhân viên có ngoại hình đẹp, khéo léo làm lễ tân, hay đi “chúc rượu”, “tiếp rượu” tại một vài sự kiện có quy mô, đông quan khách… vốn không phải điều mới mẻ và cũng chẳng phải chỉ ở riêng ngành Giáo dục, như câu chuyện ra ở tỉnh Hà Tĩnh vừa được báo đài phản ánh vừa qua. Cũng có những đơn vị chuyên nghiệp hơn “đầu tư” thuê hẳn một đội ngũ phục vụ, các PG có nhan sắc không cần quá xuất sắc, biết ăn nói, hiểu biết (có thể tương đối) và nhất là… tửu lượng tốt mỗi khi có event “đặc biệt” nào đó.

Và cũng có một thực tế mà theo chia sẻ của những người làm nhân sự, đó là khi tuyển dụng sẽ cần có sự “phân tầng nhan sắc”, điển hình như ở các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện. Vậy nên mới có những chuyện dở khóc dở cười như chúng ta thường thấy trong nhiều bộ phim truyền hình đó là, sếp bà lúc nào cũng “canh me” điện thoại của sếp ông xem có số điện thoại lạ nào không, có em út nào nhắn những lời nồng nàn tha thiết cho “lão chồng hám của lạ” của mình; hoặc thậm chí cắt cử, “liên kết” với chính lái xe, thân tín của sếp ông để “chỉ cần có động tĩnh gì là phải báo cáo lại ngay” cho bà biết.

2. Một số ý kiến cho rằng, dường như báo chí, truyền thông đang “phóng đại”, “quan trọng hóa vấn đề” điều giáo viên nữ đi “tiếp khách” ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu rằng trong câu chuyện liên quan đến thông tin xảy ra trên địa bàn TX. Hồng Lĩnh thời gian qua có đang bị truyền thông “làm quá” lên hay không, Nhà giáo ưu tú, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội khẳng định: “Truyền thông đang làm đúng chứ không phải họ đang “quan trọng hóa vấn đề” lên” như một số ý kiến phản ánh trên mạng xã hội. Thậm chí, về nguyên tắc điều động cán bộ, giao nhiệm vụ cho cán bộ cần theo đúng chức năng và nhiệm vụ, còn việc “điều giáo viên đi tiếp khách” - như báo chí phản ánh, ông Nguyễn Tùng Lâm khẳng định, đó không phải là nhiệm vụ của giáo viên, thậm chí là “điều sỉ nhục”. Và về mặt đạo lý, theo ông, đây là việc “vô đạo lý” không thể chấp nhận được.

Vụ

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí bên lề Quốc hội sáng 14/11. Ảnh: Q.H

Còn như lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí sáng 14/11 bên lề hành lang Quốc hội, đó chỉ là quan điểm của ông Chủ tịch UBND TX. Hồng Lĩnh. “Còn cụ thể việc này như thế nào, chúng ta phải lắng nghe phụ huynh học sinh, giáo viên rồi từ đó chỉnh sửa”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đây là việc “không chấp nhận được”, là việc “hoàn toàn không phù hợp”, và “bất cứ cái gì không phù hợp với giáo dục đều không được chấp nhận”. Đồng thời ông cho biết: “Trong Luật Giáo dục đã có một chương nói rất kỹ về giáo viên. Tất cả mọi người đều phải chấp hành về phẩm chất nhà giáo, trên cơ sở đó có hướng dẫn, chỉ thị, các thầy cô phải giữ nguyên tắc phẩm chất, khi đã giữ nguyên tắc phẩm chất mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô đã sau đó mới tính đến người ép buộc”.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ngoài chuyên môn, chính mỗi giáo viên còn là “tấm gương cho học trò noi theo”. Và “đã làm tấm gương không thể nói trong giờ hành chính chấp hành và ngoài giờ hành chính thì không chấp hành. Thầy cô nghiêm túc, chuẩn mục là một tấm gương sáng rất tốt không kém gì chuyên môn”.

“Về việc giáo viên đi tiếp khách là theo yêu cầu của địa phương, chúng ta cần phải làm rõ trách nhiệm đến đâu để xử lý đến đó. Ở đây, phải nghiêm túc rút kinh nghiệm vì đây là hành vi trong chỉ đạo, quan hệ dân sự.

Nếu thầy cô không phát huy được bản lĩnh, phẩm chất của mình lúc đó lại đổ lỗi cho người khác thì phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng phải kiến nghị. Nếu lãnh đạo địa phương cứ ép, mình phải kiến nghị chứ mình thực hiện là vi phạm”.

 (Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu trên báo VietNamNet ngày 14/11/2016)

3. Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra, tại sao lại là nữ giáo viên, tại sao lại là nữ giới mà không phải đàn ông, “trong khi báo chí ra rả bình đẳng giới nọ kia”, một chị làm nhân viên văn phòng than phiền. Và, có khi nào những người đàn ông như ông Chủ tịch UBND TX. Hồng Lĩnh nọ thử đặt vị trí những người phụ nữ đấy là con gái, là vợ của mình, các ông có chấp nhận họ bị “điều” đi “tiếp khách”, “tiếp rượu” hay không?

Cần phải thừa nhận một điều rằng, có lẽ dù xã hội đang ngày càng phát triển, nhưng ăn sâu trong tiềm thức, thực sự cánh đàn ông, ở một chừng mực nào đó, họ thường tự cho mình cái “đặc quyền” của phái mạnh. Để rồi, khi có chút chức tước, quyền lực trong tay, họ sẵn sàng thét ra lửa, ra oai với ngay cả những chị em chân yếu tay mềm?

Đáng buồn hơn, ngay cả một bộ phận chính chị em phụ nữ luôn tự nhận mình là… phái yếu, nên có những việc không thể phản đối, có những việc phải chấp nhận nghe theo sự “sai khiến” của phái mạnh, của những người đứng ở vị trí… thượng tầng. Và có lẽ cũng bởi phần đông chúng ta thường mặc định trong đầu rằng, việc “điều” nữ nhân viên chúc rượu, mời rượu khách không phải chuyện hiếm (nói cách khác khá phổ biến), nên chính người trong cuộc - như vị Chủ tịch UBND TX. Hồng Lĩnh mới cho rằng mình không làm gì sai, rằng đây là “nhiệm vụ”, và các nữ giáo viên nên coi điều đó là “vinh dự” (?).

Trả lời phỏng vấn trên VietNamNet, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho rằng: “Đừng nhìn chuyện “giáo viên tiếp khách” như một điều mà chúng ta không thể bước qua được mà phải xấu hổ, che giấu đi hay làm cho dư luận lắng xuống rồi mọi chuyện lại được ém nhẹm. Chúng ta có thể thay đổi. Tôi nghĩ không bao giờ là quá muộn”.

Liên quan đến thông tin “điều động giáo viên tiếp khách tại sự kiện, hội nghị”, Bộ GD-ĐT vừa có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong đó khẳng định việc bố trí giáo viên làm các công việc có thể ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của người giáo viên và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là “không phù hợp”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo, kiểm tra, làm rõ thông tin nêu trên, đồng thời chỉ đạo UBND TX. Hồng Lĩnh rút kinh nghiệm nếu đúng như báo chí phản ánh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ "điều động giáo viên đi tiếp khách" ở Hà Tĩnh: Tại sao lại là nữ giáo viên?