Vì sao Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu “giải tán” Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị?

Ngô Chuyên| 17/12/2017 13:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phụ huynh khối khiếm thị trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu phản ánh đến Báo Công lý: Khi chưa gộp bếp ăn tiền ăn không tăng, sau khi gộp tiền ăn liên tục tăng. Khi có ý kiến, lập tức hiệu trưởng “giải tán” Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị.

Phụ huynh “sốc” khi nhà trường thông báo “giải tán” Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị

Theo như phản ánh của nhiều phụ huynh có con khiếm thị học ở trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) cho biết, Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị do chính phụ huynh học sinh khiếm thị bầu lên vào đầu mỗi năm học. Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị này đã được thành lập và hoạt động 10 năm nay. Tuy nhiên, đầu năm học 2017-2018, phụ huynh “sốc” khi nhà trường tuyên bố không cần Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị nữa với lý do “hoạt động không hiệu quả”. 

Vì sao Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu “giải tán” Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị?

Hình ảnh trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội. Ảnh Ngô Chuyên.

Không chỉ “giải tán” Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị, mà năm học 2017-2018, nhà trường còn bắt đầu tăng tiền ăn. Từ mức 35 nghìn đồng/ngày với mỗi học sinh khiếm thị lên 62 nghìn đồng/ngày đối với học sinh cấp 2; 58 nghìn đồng/ngày đối với học sinh cấp 1. Đặc biệt, Ban giám hiệu nhà trường gộp hai bếp ăn thành một bếp ăn (trong đó có một bếp ăn mà do Sở GD-ĐT dành để nấu cho học sinh khiếm thị) và cho Công ty Hương Việt Sinh vào nấu.

Nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi, hiện nay các mạnh thường quân và nhà nước, Sở GD-ĐT có nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh khiếm thị, tại sao các khoản đóng góp ngày càng tăng mà các hoạt động trải nghiệm, hòa nhập của các cháu vào cuối tuần giảm đi? Chưa kể phí đóng góp khi nhà trường kêu gọi xây ngôi nhà nghệ thuật, hay các công trình của nhà trường, các phụ huynh cũng đều đóng góp, có đợt đóng lên đến 1,5 triệu/người.

“Dù nhà trường nói không bắt buộc, nhưng khi phổ biến xuống, nói thật chúng tôi không có tiền cũng cố đóng góp, vì con cái còn phải học lâu dài ở đó”, một phụ huynh phản ánh.

Trước nội dung phản ánh, PV Báo Công lý đã tìm hiểu, gặp gỡ phụ huynh và có buổi làm việc với nhà trường để xác minh những thông tin trên.

Trả lời về vấn đề gộp bếp ăn của học sinh khiếm thị với học sinh sáng, cô Trần Thị Phương Lan – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sở GD-ĐT Hà Nội cho trường 2 biên chế nấu ăn mà trường có gần 200 học sinh khiếm thị, theo văn bản quy định thì 1 nhân viên nấu ăn chỉ phục vụ cho 50 cháu khiếm thị. Như vậy với 2 nhân viên biên chế đó thì trường vẫn thiếu”.

“Khi chúng ta sáp nhập hai bếp ăn vào làm một không chỉ phục vụ riêng những học sinh khiếm thị mà phục vụ luôn 1700 cháu mắt sáng để không bị cồng kềnh bộ máy và ban giám hiệu quản lý nguồn thực phẩm rất thuận lợi. Đồng thời chúng tôi đã báo cho Sở”, cô Lan cho biết.

Khi phóng viên hỏi lại cô Lan việc gộp bếp ăn có sự đồng ý của Sở GD-ĐT Hà Nội không? cô Lan trả lời: “Mình chỉ nghĩ mình báo về Sở là khi cho ai đó thôi việc; đình chỉ công việc hoặc điều chuyển biên chế đó và trách nhiệm của hiệu trưởng phải báo cáo với sở. Còn đây mình có điều chuyển, có cho họ thôi việc đâu. Cái này bạn phải hỏi cô hiệu trưởng”.

Tuy nhiên, khi PV Báo Công lý gọi điện liên lạc với lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội để xác minh thông tin trên thì lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội không thấy nghe máy, nhắn tin không trả lời.

Còn về việc tăng tiền ăn của học sinh khiếm thị, cô Lan nói: “Trường thu mức ăn 15 nghìn từ rất lâu rồi, đối với học sinh khiếm thị là 15 nghìn/bữa chính và 5 nghìn bữa sáng. Tuy nhiên, với thời giá như hiện nay thì 15 nghìn là quá thấp. Mức đó chỉ phù hợp với những hoàn cảnh bố mẹ làm nông, nhà xa. Trường có chủ trương tăng tiền ăn từ năm học 2017-2018 khối khiếm thị, mức tăng đầu tiên là 20 nghìn/bữa và 12 nghìn 1 bữa ăn sáng”.

Thế nhưng, sau 2 tháng công ty Hương Việt Sinh vào nấu thì nhà trường lại tiếp tục đề nghị tăng mức tiền ăn với lý do: “Công ty Hương Việt Sinh nấu suất ăn như hiện nay thì hàng tháng phải họ hỗ trợ cho học sinh khiếm thị 19.960.000 đồng/tháng. Vì vậy, công ty Hương Việt Sinh đã đưa ra phương án: 1 là không thu thêm tiền ăn thì mức ăn phải giảm xuống vì họ chỉ hỗ trợ được 10 triệu thôi chứ không hỗ trợ 19 triệu nữa. 2 là nếu muốn giữ mức ăn như hiện tại thì phụ huynh phải đóng thêm 3 nghìn ở khối Tiểu học và 5 nghìn ở khối THCS, còn họ vẫn hỗ trợ 10 triệu”.

Còn về vấn đề “giải tán” Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị, cô Phan Thị Kim Nga – Hiệu trưởng giải thích: “Trong một nhà trường không thể có hai Ban phụ huynh (BPH). Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị tổ chức cồng kềnh, hiệu quả hoạt động không cao, không huy động được hết vai trò của phụ huynh trong đó. Có những phụ huynh đóng tiền ở BPH trên lớp rồi lại còn phải đóng cả quỹ ở Ban đại diện cha mẹ học sinh khiếm thị. Mà quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị chỉ phục vụ cho sinh nhật các con thì tôi nghĩ nhà trường sẽ đảm nhận được để giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ”.

Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị không hề biết đến đơn đồng ý “sáp nhập”

Trước những thông tin phản hồi của ban giám hiệu, PV đã trực tiếp tìm đến một số phụ huynh có con khiếm thị đang theo học ở trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).

Khi PV hỏi về việc nhà trường có tổ chức họp Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị để hỏi ý kiến về việc “giải tán” Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị không? Một phụ huynh cho biết: “Nhà trường có gọi các thành viên trong Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị đến, khi chúng tôi đến thì nhà trường đưa cho một giờ giấy trắng, nói rằng những ai đi họp thì ký tên điểm danh vào tờ giấy đó. Ký xong rồi nhà trưởng bảo giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị, không hề hỏi ý kiến chúng tôi có đồng ý hay không?”.

“Cô Nga còn nói thêm trong các cuộc họp hầu như phụ huynh không đến đầy đủ, nên những ai đi họp ngày hôm nay thì viết tên và ký vào đây. Lúc tôi và một số phụ huynh có mặt viết tên thì tờ giấy đó hoàn toàn không ghi nội dung gì liên quan đến sáp nhập hay giải tán ban phụ huynh cả, mà chỉ là tờ giấy trắng”, vị phụ huynh khẳng định.

Vì sao Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu “giải tán” Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị?

Hình ảnh chiếc bánh mì bữa sáng  giá 12 nghìn đồng của học sinh khiếm thị ăn tại bếp ăn của trường. Ảnh PHCC.

Đồng thời, một phụ huynh khác cũng cho biết: “Phụ huynh của học sinh khiếm thị không phải đóng thêm khoản tiền quỹ nào cả, ngoài 200 nghìn đồng/năm này để duy trì các hoạt động như: Tổ chức sinh nhật, làm lễ ra trường cho học sinh khối 9, tổ chức các hoạt động ngày khuyết tật, thăm hỏi các con ốm…. và các mẹ trong Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị là người trực tiếp mua tổ chức và mua quà tặng các con”, một phụ huynh nói.

Cũng theo nhiều phụ huynh có con khiếm thị học tại trường, trước đây bếp ăn mà Sở GD-ĐT dành cho học sinh khiếm thị nấu với mức ăn 15 nghìn vẫn đủ, các cô vẫn chăm sóc được, tại sao khi gộp bếp ăn, tiền ăn cũng tăng lên rồi mà nhà trường báo vẫn phải tăng?

Trước đó, cũng tại buổi làm việc với đại diện nhà trường, khi phóng viên đề nghị nhà trường có thể công khai tất cả khoản tài trợ của mạnh thường quân, nhà hảo tâm, tổ chức… để phụ huynh nắm được, các mạnh thường quân yên tâm. Đại diện nhà trường đã khóc và cho rằng bị nghi ngờ lòng tốt. Tất cả những khoản tài trợ đều do kho bạc quản lý, gọi là quỹ từ thiện có kiểm toán nhà nước xuống kiểm tra, sẽ có trách nhiệm giải trình với cơ quan chức năng.

Báo Công lý sẽ tiếp tục cập nhật thông tin sự việc trên.

Bài tiếp theo: Nhiều khoản thu của trường không rõ ràng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu “giải tán” Ban đại diện cha mẹ học sinh khối khiếm thị?