Trẻ nổi tiếng sớm: Lợi hay hại?

Hồng Hạnh| 04/12/2014 04:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sự xuất hiện của hàng loạt gameshow ăn khách trên truyền hình đang sản sinh ra những thế hệ sao nhí tài năng xuất chúng đầy hứa hẹn. Thế nhưng, bước ra ngoài ánh đèn sân khấu với sự nổi tiếng quá sớm, liệu có bao nhiêu ngôi sao giữ được hào quang lâu dài?

Những ngôi sao chưa kịp lớn

Mới xuất hiện ở Việt Nam không lâu nhưng các chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em nhanh chóng làm mưa làm gió, phủ sóng trên truyền hình, thu hút lượng khán giả theo dõi đông và hình thành nên cộng đồng fan hâm mộ không hề thua kém các ngôi sao nổi tiếng. Những tên tuổi như Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Thiện Nhân, Mai Chí Công… sau một cuộc thi bỗng chốc trở thành cái tên nóng trên các mặt báo, được dư luận và truyền thông quan tâm đặc biệt.

Thế nhưng, bước vào thế giới showbiz, ngay cả những nghệ sĩ tên tuổi cũng khó có thể thoát khỏi những rắc rối, thì những ngôi sao nhí với tuổi đời còn quá trẻ, chưa có đủ sự chín chắn và hiểu biết để đối mặt với xã hội phức tạp, khó tránh khỏi việc dính vào những scandal có ảnh hưởng không tốt đến tên tuổi và sự phát triển của trẻ.

Mới đây nhất là trường hợp của Mai Chí Công – giọng hát được yêu thích từ chương trình Giọng hát Việt nhí. Do vướng phải những mâu thuẫn với công ty đào tạo của ca sỹ Thái Thùy Linh, Chí Công đã vắng mặt trong liveshow 5 Cặp đôi hoàn hảo.

Theo như chia sẻ của anh Mai Như Quyện, bố của Mai Chí Công trên trang cá nhân, mặc dù rất mong muốn tham gia Cặp đôi hoàn hảo trong đêm diễn nhưng do vướng phải vấn đề liên quan đến hợp đồng, nên Chí Công đã không thể vào TP.HCM được.

Những mâu thuẫn giữa gia đình với phía công ty quản lý vô tình đã đưa tên tuổi Mai Chí Công bất đắc dĩ xuất hiện trên mặt báo, mặc dù bản thân em không tự sắp xếp lịch trình hoạt động cho chính mình.

Trước đó, câu chuyện về cô bé 10 tuổi Phương Mỹ Chi – Á quân cuộc thi Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên cũng gây xôn xao dư luận vì một loạt scandal liên tiếp. Đưa thể loại nhạc dân ca lên sân khấu với chất giọng ngọt ngào, Mỹ Chi nhanh chóng chiếm được cảm tình từ phía khán giả hâm mộ.

Những ca khúc như “Quê em mùa nước lũ” thu hút hàng triệu lượt nghe đưa tên tuổi cô bé phủ khắp các trang mạng. Tuy nhiên không lâu sau đó, Mỹ Chi vướng phải tin đồn hét giá cát-xê khủng lên đến mức 600 triệu đồng cho 10 ca khúc, 5000 USD cho một sự kiện và 30 triệu đồng cho một chương trình. Thông tin này khiến ai cũng phải bàng hoàng vì nó quá cao, sánh ngang với cát-xê của những ca sĩ lâu năm trong nghề.

Trẻ nổi tiếng sớm: Lợi hay hại?

Phương Mỹ Chi - á quân Giọng hát Việt nhí năm 2013

Tin đồn trước vừa qua, tin đồn sau lại đến khi thông tin về việc Mỹ Chi được một đại gia nhận làm con nuôi, mua cho một căn nhà gần ngôi nhà cũ. Liên tiếp sau đó là những tin đồn bỏ học, miệt mài chạy show kiếm tiền, nhận lời đóng phim, bị dọa đuổi học..., cái tên Mỹ Chi một lần nữa lại được “truyền thông” ưu ái khi tiếp tục lộ thông tin bỏ diễn với Psy nhí trong Vũ điệu Giangnam Style vì đại diện của Chi hét giá 100 triệu đồng, trong khi phía ban tổ chức chỉ chấp nhận chi trả ở mức 50 triệu đồng.

Cũng giống Mỹ Chi, được khán giả biết tới qua Giọng hát Việt nhí, ngôi vị quán quân đem đến cho Quang Anh sự nổi tiếng bất ngờ. Tuy nhiên niềm vui sướng của cậu bé chưa được bao lâu đã bị dập tắt vì những lời đồn đoán từ dư luận khi nhiều người cho rằng Quang Anh biết trước kết quả. Tuy chưa rõ thực hư nhưng những tin đồn này đã vô tình xóa đi thiện cảm mà rất nhiều khán giả hâm mộ dành cho cậu bé tài năng.

Trẻ nổi tiếng sớm: Lợi hay hại?

Quang Anh - quán quân Giọng hát Việt nhí 2013

Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP HCM) nhận định: “Ở lứa tuổi thiếu nhi, các em còn quá nhỏ để có thể đương đầu với những mặt trái của sự nổi tiếng. Sự quan tâm thái quá của dư luận, sự ngưỡng mộ bên cạnh sự dò xét chế giễu của bạn bè, những hội fan và anti… đều khiến các em phân tâm, và các em không đáng bị như vậy”.

Ươm mầm chứ đừng vội khai thác

Chia sẻ về cách ứng xử khi trẻ nổi tiếng sớm, anh Hoàng Dương (Chuyên gia đào tạo hàng đầu của khóa học: “Tôi tài giỏi – Bạn cũng thế” khu vực miền Bắc) cho rằng: “Việc các bạn nhỏ nổi tiếng từ sớm, có được những thành công trong một lĩnh vực nào đó là một hoàn cảnh, một tình huống xảy ra trong cuộc đời. Không phải ai cũng có may mắn được phát lộ tài năng sớm. Bên cạnh đó nổi tiếng sớm cũng tiềm ẩn những nguy cơ, nhưng nó có ảnh hưởng tốt hay xấu còn tùy thuộc vào cách ứng xử trong mỗi hoàn cảnh.

Bất cứ một đứa trẻ nào đều cần được chuẩn bị sẵn sàng, không chỉ sẵn sàng về mặt tài năng, nuôi dưỡng tài năng đó phát triển bền vững, mà còn phải bổ trợ cho tài năng đó một phông nền kiến thức văn hóa để phát triển hài hòa, đồng thời hệ thống kỹ năng để có thể xử lý được các tình huống và giao tiếp, hòa nhập với xã hội”.

Cụ thể như trường hợp của U19 Việt Nam, các em là những tài năng được phát hiện và nuôi dưỡng từ nhỏ, được học văn hóa đầy đủ, nói được 2 ngoại ngữ, được rèn luyện thể thao trong một môi trường an toàn, đào tạo bài bản và định hướng học đại học nghiêm túc để có bằng cấp và trình độ đủ để có thể sống ngoài môi trường bóng đá. Đó là sự quan tâm đúng nghĩa với sự phát triển của con người, không dựa trên sự vụ lợi.

Hay trường hợp thần đồng Đỗ Nhật Nam – một cậu bé từng bị dư luận ném đá rất nhiều vì…quá giỏi. Câu chuyện về cậu bé còn đang ở độ tuổi ham chơi lại tự tin phát biểu: “Em không đọc truyện tranh vì mẹ em nói truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” đã làm “điên đảo” cộng đồng mạng một thời.

Bỏ qua những lời phán xét, hồ nghi, cậu bé thông minh vẫn âm thầm học tập, trau dồi kiến thức dưới sự định hướng của cha mẹ, tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tích “khủng” hơn nữa. Với khả năng ngoại ngữ vượt trội, kỹ năng thuyết trình tốt, dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam Đỗ Nhật Nam khiến nhiều người nể phục với IELTS 8.0 khi mới học lớp 5, 2 lần ghi tên mình vào kỷ lục Việt Nam, hàng loạt các giải thưởng trong các cuộc thi tiếng Anh, trở thành tổng biên tập, và gần đây nhất còn đại diện châu Á phát biểu tại Hội nghị Khoa học Giáo dục TED&KID với chủ đề khoa học về nụ cười.

Trẻ nổi tiếng sớm: Lợi hay hại?

Thần đồng Đỗ Nhật Nam

Ngay cả những bạn nhỏ được phát hiện tài năng sau các cuộc thi âm nhạc như trường hợp của bộ 3 Song Vũ, Hữu Đại, Ngọc Duy, người đỡ đầu là nhạc sĩ Thanh Bùi chỉ tập trung đào tạo sâu về mặt thanh nhạc, rèn giũa giọng hát, nuôi dưỡng nhân cách chứ không đặt nặng vấn đề chạy show hay ra mắt album cho các em.

Trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam, những ngôi sao “sớm nở tối tàn” không còn là chuyện lạ. Chính sự tiếp cận quá sớm với danh tiếng, tiền bạc và thiếu đi sự chăm lo, giáo dục của người lớn đã khiến nhiều sao nhí vừa tỏa sáng đã vội vụt tắt vì tài năng thui chột, không vượt qua được những cám dỗ của xã hội và không bước qua được những khó khăn, rào cản để nuôi dưỡng, hun đúc tài năng phát triển lâu bền.

Khẳng định tầm quan trọng của việc định hướng trong giáo dục trẻ tài năng, chuyên gia đào tạo Hoàng Dương nhấn mạnh: “Đối với phụ huynh, khi phát hiện được những năng lực tiềm ẩn đặc biệt của con, hãy tìm đến các chuyên gia uy tín, các tổ chức để được tư vấn đánh giá. Sau đó có thể tìm đến những nơi để nuôi dưỡng như các câu lạc bộ, nhóm, trung tâm để con được phát triển tài năng, trau dồi kiến thức kỹ năng.

Nếu con nổi tiếng cần phải bảo vệ con trước sự nổi tiếng đó, giúp con tránh xa áp lực của truyền thông, giúp con giữ được sự thăng bằng trong cuộc sống. Cái đích quan trọng nhất của giáo dục và nuôi dạy con cái là tạo ra những con người tự do, được sống với những tố chất của mình, được phát triển đầy đủ và không là bản sao của một ai khác”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trẻ nổi tiếng sớm: Lợi hay hại?