Thi THPT quốc gia duy trì đến 2020?

Thảo Nguyên| 13/04/2017 15:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông), trong tương lai học sinh sẽ không phải thi THPT Quốc gia như hiện nay. Việc xét tốt nghiệp sẽ giao cho các cấp trường căn cứ vào đánh giá định kỳ năng lực học sinh.

Đổi mới hình thức đánh giá kết quả giáo dục, tiến tới bỏ kỳ thi THPT Quốc gia là điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT vừa công bố chiều 12/4.

Theo đó, việc xét cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ được giao cho cấp trường. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá năng lực theo quy định của Bộ GD&ĐT được cấp bằng tốt nghiệp mà không phải trải qua kỳ thi THPT Quốc gia như hiện nay.

Thi THPT quốc gia duy trì đến 2020?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, với chương trình mới, chúng ta sẽ tiến tới bỏ kỳ thi THPT Quốc gia, giao việc xét tốt nghiệp cho cấp trường.

Tại buổi họp báo, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã phân công Vụ Giáo dục trung học chủ trì, phối hợp với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Ban Phát triển chương trình nghiên cứu, đề xuất lộ trình đổi mới đánh giá kết quả giáo dục và xét tốt nghiệp khi cấp THPT triển khai chương trình mới.

“Tuy nhiên, Bộ trưởng GD&ĐT cũng khẳng định từ nay đến năm 2020 sẽ giữ ổn định hình thức thi THPT Quốc gia và xét tốt nghiệp”, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết.

Theo ông Thuyết, nếu chúng ta không đổi mới thi cử thì rất khó tạo điều kiện buộc người giáo viên đổi mới cách dạy, người học đổi mới cách học.

Dự thảo chương trình tổng thể đã nêu ra 3 hình thức đánh giá: Đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, phụ huynh, bản thân HS và của các HS khác trong tổ, trong lớp.

Hình thức thứ hai là đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. HS hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT được cấp bằng tốt nghiệp.

Hình thức thứ ba là đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương, do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi THPT quốc gia duy trì đến 2020?