Thanh Hóa: Công khai các khoản thu trong trường học để tránh lạm thu

Thanh Phương| 09/09/2019 10:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để tránh tình trạng lạm thu trong trường học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng dạy, học thêm và thu tiền trái quy định.

Ngày 9/9, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa cho biết, Giám đốc sở đã có chỉ đạo về việc tăng cường quản lý, chống tình trạng lạm thu trong các trường đầu năm học 2019-2020.

Thanh Hóa: Công khai các khoản thu trong trường học để tránh lạm thu

Sở GD&ĐT Thanh Hóa có văn bản công khai về các khoản thu, không được thu trong năm học mới

Theo đó, Sở GD&ĐT đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo các đơn vị, trường học trên địa bàn, giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm, học thêm và thu tiền trái quy định. Các Phòng GD&ĐT chủ trì, phối hợp Phòng Tài chính tiếp tục tổ chức quán triệt và hướng dẫn các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Sở GD&ĐT về triển khai thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các trường.

Trên cơ sở đề nghị của trường mầm non, tiểu học, THCS, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức thẩm định khoản thu phục vụ học sinh (thu dịch vụ tự nguyện) và khoản thu tài trợ (vận động xã hội hóa) làm cơ sở cho nhà trường triển khai, thực hiện.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu đơn vị trường học và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu.

Thanh Hóa: Công khai các khoản thu trong trường học để tránh lạm thu

Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Thắng bị xử lý kỷ luật vì để xảy ra lạm thu 

Qua thanh tra năm học 2018 - 2019, vẫn còn tình trạng “lạm thu" tại một số đơn vị, trường học (nhất là các trường Mầm non, Tiểu học và THCS) về dạy thêm, học thêm, các khoản thu phục vụ học sinh, huy động tài trợ để tăng cường cơ sở vật chất, quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, trường.

Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn về thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách năm học 2019 – 2020 nhằm tránh tình trạng lạm thu.

Các khoản thu theo quy định của Nhà nước, gồm: Bảo hiểm y tế; thu, chi học phí. Tiền trông giữ xe đạp, xe đạp điện tối đa là 15.000 đồng/HS/tháng; trông giữ xe máy tối đa là 30.000 đồng/HS/tháng; giá dịch vụ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi THPT quốc gia, hàng năm, Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn riêng.

Về tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường THCS và trường THPT tối đa không quá 17.000 đồng/buổi/HS đối với lớp dưới 30 HS; tối đa không quá 15.000 đồng/buổi/HS đối với lớp từ 30 đến 45 HS. Đối với các trường Tiểu học không được thu tiền dạy tăng buổi, bồi dưỡng nghệ thuật, thể thao của HS. Về hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa, mức thu tổ chức hoạt động theo lớp học 5.000 đồng/tiết học/HS.

Về dạy làm quen tiếng Anh cho HS lớp 1 và lớp 2, các nhà trường có đủ điều kiện về CSVC và đội ngũ giáo viên, khuyến khích tổ chức dạy trên tinh thần tự nguyện của HS và không được thu tiền. Việc tổ chức liên kết dạy làm quen tiếng Anh cho HS lớp 1, lớp 2 tại các trường trên tinh thần tự nguyện của HS và sự đồng thuận của phụ huynh. Trước khi thực hiện các nhà trường phải xây dựng kế hoạch liên kết và có văn bản đề nghị, được Phòng GD&ĐT thẩm định đồng ý. Mức thu, chi (5.000 đồng/tiết học/HS) và phải công khai, hạch toán kế toán theo quy định. Sau khi các đơn vị triển khai thực hiện, Phòng GD&ĐT báo cáo về Sở GD&ĐT.

Về tổ chức dạy tiếng Anh và dạy song ngữ (từ lớp 3 đến lớp 9), dạy làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi thực hiện nghiêm túc chương trình của Bộ GD&ĐT, không tổ chức thu tiền của HS. Khoản thu kiểm tra định kỳ đối với HS Tiểu học, THCS, THPT, các nhà trường chỉ thu tiền giấy thi phục vụ HS; không thu tiền ra đề thi, coi thi, chấm thi...

Các khoản thu của tổ chức, đoàn thể liên quan đến HS như: Qũy Đoàn, Đội, Hội chữ thập đỏ, Khuyến học, quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh, Bảo hiểm thân thể thực hiện theo quy định.

Đối với các khoản thu thỏa thuận, phục vụ trực tiếp HS theo nhu cầu tự nguyện của phụ huynh với các nhà trường và điều kiện của từng vùng, miền (không bắt buộc) như: Tiền công phục vụ và tiền ăn bán trú, tiền mua bổ sung đồ dùng và dụng cụ dùng chung phục vụ bán trú.

Tiền nước uống, trông trẻ ngoài giờ, hồ sơ HS lớp đầu cấp, sổ liên lạc điện tử; đồ dùng cá nhân trực tiếp phục vụ bán trú HS và học phẩm đối với mầm non, các nhà trường phải thống nhất với Hội cha mẹ học sinh về mẫu, màu sắc và thẩm mỹ cho phù hợp với từng độ tuổi. Kết qủa thu, chi phải quyết toán theo quy định.

Với các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT- BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ GD&ĐT.

Khoản kinh phí sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất trong các cơ sở giáo dục, các cơ sở giáo dục lập dự toán, gửi cơ quan tài chính cấp trên để xem xét, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Các khoản không được thu trong các cơ sở giáo dục như: Tiền bảo vệ cơ sở vật chất và an ninh trường học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Đồng thời, không thu đóng góp của cha mẹ học sinh để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí theo quy định như: Chi hỗ trợ hoạt động giáo dục, điện sáng, bảo vệ trường, nước sinh hoạt, hoạt động tập thể, thi đua khen thưởng, phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi. Không được thu tiền vệ sinh trường, lớp và các công trình vệ sinh; các nhà trường thống nhất với phụ huynh về mẫu, màu sắc để cha mẹ tự may đồng phục cho HS.

Các tổ chức, cá nhân thuộc Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các trường học tuyệt đối không được thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc giới thiệu, quảng bá, vận động mua, phát hành sách tham khảo tới HS, phụ huynh dưới bất kỳ hình thức nào.
Các cơ quan quản lý giáo dục tuyệt đối không chỉ đạo phát hành hoặc trực tiếp phát hành thêm các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường và giáo viên.

Địa phương nào để xảy ra tình trạng lạm thu thì Trưởng Phòng GD&ĐT phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, thị xã, thành phố và Sở GD&ĐT. Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát các khoản thu theo đúng quy định và có biện pháp xử lý đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Công khai các khoản thu trong trường học để tránh lạm thu