Sĩ tử thời công nghệ cao

Tạ Duy Anh (Công lý và xã hội)| 12/07/2013 15:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một sĩ tử suốt từ khi vào cho đến lúc bước ra khỏi phòng thi chỉ cắm cúi làm bài, với một thái độ nghiêm túc không còn gì để chê trách.

Nhưng đó lại là thí sinh gian dối và thiếu tự trọng nhất của cái phòng thi đó khi “nguyên khí quốc gia” này gắn một chiếc máy ghi âm cực nhỏ trong lần áo lót, với thiết bị nghe không dây hình cái khuyên tai giấu kín trong mái tóc. Đó là chân dung phổ biến của sĩ tử thời nay-một thứ tác phẩm mang tính phổ thông- mà nền giáo dục-với tư cách tác giả- nên cập nhật khi đưa ra những mô tả chiến lược đào tạo của mình.

Trong tác phẩm Lều Chõng, nhà văn Ngô Tất Tố cho hậu sinh biết hình ảnh của sĩ tử thời xưa khi lai kinh ứng thí, với nào lều, chõng, ống quyển, đủ cho một gánh lôi thôi. Cũng nhờ nhà văn mà chúng ta biết cái không khí trường thi vừa náo nhiệt bởi tiếng thét lác, vừa trang nghiêm hồi hộp như thế nào. Còn Tú Xương thì gói những mô tả đó trong một câu: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ”.

Đó cũng là hình ảnh đặc sắc của một xã hội khoa cử, đi kèm với nó là cầu danh, lợi, chen vai thích cánh xếp hàng làm quan và do đó…cứ luôn thuộc hàng kém phát triển! Nhưng dù thế nào thì muốn học hành đỗ đạt thời ấy, người ta phải dùi mài kinh sử thật sự. Học lơ mơ đừng có mơ đỗ đạt. Chính Tú Xương cũng từng thi mãi không đỗ. Ngoài chuyện ông Tú hỏng thi vì ngông chữ, nó cũng gián tiếp cho thấy trường quy ngày trước nghiêm ngặt như thế nào về luật lệ. Chỉ cần phạm một lỗi nhỏ cũng bị đánh trượt, về quê học lại.

Tất nhiên chả hay ho gì cái thứ học hành cử tử ấy. Nhưng học bát nháo, thi bát nháo như ngày nay thì cũng thật khó đỡ. Cứ mỗi năm đến mùa thi, là lại có biết bao chuyện đau lòng, chuyện nực cười về cảnh thi cử để báo chí xài mãi không hết. Tình trạng phổ biến nhất là tệ mở sách, gian dối bằng quay cóp bài, làm phao, ném bài thi…mà cả thầy giám thị cũng là thủ phạm.

Tôi đã từng phải đi coi thi đại học nên những chuyện như vậy diễn ra ngay trước mắt. Sau mỗi buổi thi, từ trong sân trường đến các con đường gần đó đều trắng xoá phao thi, đủ loại, đủ kích cỡ, đủ chất liệu, như hiện thân của điều đáng xấu hổ nhất trong giáo dục hiện nay. Các sĩ tử xả chúng ra từ cạp quần, từ trong lần áo lót, từ khuỷu tay, khoeo chân, thậm chí còn từ những nơi mà nếu giám thị tự ý chạm vào là mắc tội. Một nền giáo dục, thi cử như vậy thử hỏi lấy đâu ra nhân tài, lấy đâu ra sự công bằng trong tuyển chọn và đào tạo đại học.

Ấy thế mà những trò gian lận kinh người như vừa kể ở trên sắp chỉ còn lại trong ký ức bởi nó quá “lạc hậu”. Gian lận trường thi ngày nay đã được “kỹ thuật số” ở mức tối đa bởi sự trợ giúp của phương tiện thông tin công nghệ cao.

Trước kia những phương tiện như vậy bị cấm đem vào phòng thi. Giờ đây, xuất phát từ những tiêu cực do chính phía giám thị gây ra (Như trường hợp quân hồi vô phèng ở Vân Tảo-Tường Tín-Hà Nội hay Đồi Ngô-Lục-Nam-Bắc Giang…), ngành giáo dục quyết chứng tỏ thái độ chống tiêu cực trong thi cử bằng cách cho các sĩ tử được phép đem một số phương tiện công nghệ cao vào phòng thi. Vậy là nền giáo dục Việt Nam đã cống hiến cho nhân loại một hiện thực sư phạm đặc sắc: Học trò tham gia giáo dục nhân cách cho các thầy! Theo tôi, cho dù thế nào thì động cơ đó cũng đáng nhận được sự hoan nghênh trong khi cả xã hội cứ luẩn quẩn mãi chưa tìm ra cách nào hay hơn.

Nhưng “chuột” chưa chết có thể “bình” đã vỡ, là điều rất dễ xảy ra trong trường hợp vừa nêu. Bởi vì, với nhiều sĩ tử ngày nay suốt ngày lêu têu chơi bời, học hành thì chểnh mảng, mọi loại kiến thức phổ thông cơ bản đều rỗng tuếch, thậm chí lên đến đại học vẫn không thể kể nổi tên các tỉnh của Việt Nam có biên giới chung với Trung Quốc, không mắc nổi cái bóng điện…nhưng trình độ sử dụng dụng cụ công nghệ cao thì vào hàng thượng thừa! Nói thẳng ra rằng, ở lĩnh vực đó, phần lớn các thầy giám thị chỉ đáng là học trò của rất nhiều sĩ tử! Liệu các thầy có thể kiểm soát được thí sinh một khi chúng quyết phải đỗ đại học bằng được và vì thế chúng sẽ dùng những chiêu tinh vi nhất về công nghệ để qua mặt trong quay cóp? Hậu quả là mục tiêu giảm thiểu tiêu cực phòng thi để bớt đi sự bất công trong thi cử rất có thể sẽ đạt được kết quả ngược lại. Nghĩa là gian lận không giảm, thậm chí còn tăng lên, với một tầm mức tinh vi hơn, vì thế cũng nguy hiểm hơn rất nhiều về mặt đạo đức. Khi đó những sĩ tử học thật, những sĩ tử từ các vùng nông thôn, miền núi…kém hiểu biết về công nghệ, khó lòng mà “đấu” được với những sĩ tử chỉ việc chép bài với sự trợ giúp của đủ loại máy móc!

Thế là, thay vì lều, chõng, cơm niêu nước lọ, thay vì cả gánh sách vở, sĩ tử ngày nay chỉ cần đúng một con chíp bằng cái khuy áo, hoặc một cái bút viết mực không mầu, một cái máy ghi âm dưới dạng khuyên tai, một cái đồng hồ có chức năng ảo thuật, một dụng cụ sao chép giống như cục tẩy, thậm chí chỉ là một cuộn băng dính trong suốt…Họ bước vào phòng thi và cũng bước qua luôn cả mọi quy định về kỷ luật thi cử, dù chúng có nghiêm ngặt đến đâu. Phải nói ngay rằng, không có cách nào khả dĩ loại được gian lận thi cử trong thời buổi công nghệ cao này. Càng những năm sau, khi phương tiện càng tinh vi, thì khả năng chống gian lận càng khó gấp bội! Vì thế không biết trong số những người sau đây hãnh diện bước vào cổng trường đại học, có bao nhiêu phần trăm chỉ giỏi mỗi một thứ là sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin để quay cóp!

Đó là một thực tế không thể né tránh và đừng ai tự ái.

Vậy thì vấn đề đặt ra là: thi cử, tuyển chọn nhân tài bằng ứng thí như hiện nay liệu còn có ý nghĩa gì! Nó kéo theo câu hỏi đáng phải trả lời hơn: Còn có ý nghĩa gì những lời giáo dục đạo đức về tính thật thà, sự ngay thẳng, những hành động mang tính phẩm giá… chỉ bởi vì những thứ đó đồng nghĩa với dại dột và thất bại?

Khi những người có thực tài bị loại chỉ vì họ không biết gian dối, thì lẽ công bằng giống như một thứ mỹ từ chỉ có tác dụng nhạo báng. Những tâm hồn còn chưa vẩn đục ấy sẽ khó mà không vẩn đục gấp bội để trả thù cho sự trong trắng ngu ngốc của mình. Điều đó đặt cho nền giáo dục nước nhà một câu hỏi cấp thiết: Liệu có cần một kỳ thi tuyển đại học ngày càng rơi sâu vào hình thức, là cơ hội để sự gian dối được dịp phô diễn khả năng vô tận của nó nhờ thành tựu của khoa học kỹ thuật?

Trớ trêu ở chỗ, thứ chỉ có được nhờ trí tuệ, sự nghiêm túc trong học hành lại trở thành công cụ đắc lực cho quá trình lên ngôi của dốt nát và giả trá? Không ai có lương tâm, có trách nhiệm với tương lai đất nước được quyền coi mình vô can trong vấn nạn này. Nhưng trách nhiệm đầu tiên thuộc về các chuyên gia, những nhà quản lý giáo dục.

Một việc làm chỉ còn mang tính hình thức, hiệu quả thực tế thấp, chi phí cao, tổn thất niềm tin càng ngày càng lớn thì có nên lười biếng mặc cho nó tiếp tục tồn tại để đổi lấy sự an toàn cho bản thân, hay phải dũng cảm thay đổi, tìm cách khác, cho dù phải trả giá trước mắt?

Ngành giáo dục, với nguồn chi phí khổng lồ, ngày càng khổng lồ so với tổng ngân sách, thừa sức để mua vé máy bay, cử chuyên gia sang những nước đã bỏ thi đại học và đều thuộc tốp có nền giáo dục hàng đầu, thành tâm tham khảo cách họ làm rồi đưa ra câu trả lời. Không việc gì phải sĩ diện nếu phải đóng vai học trò nhỏ của họ. Chỉ xin đừng lợi dụng tiền nhà nước đi ăn chơi, hưởng thụ rồi khi trở về, một mặt nhanh nhanh đưa con em đi du học, mặt khác tìm mọi cách nói dối, chứng minh ráo hoảnh về “tính ưu việt của nền giáo dục nước nhà” chỉ để quyết tâm thể hiện lập trường, và do đó vụ lợi trên lưng nhân dân, một cách đáng xấu hổ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sĩ tử thời công nghệ cao