Phải xử lý đến cùng đối với vụ gian lận thi cử

Đỗ Văn Nhân| 20/04/2019 09:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như vậy, thí sinh từ hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La được xác định liên quan gian lận điểm thi đã và đang bị xử lý. Các trường khối công an, quân đội và một số trường khác cũng đã trả các sinh viên được nâng điểm về 2 tỉnh này.

Vụ gian lận điểm có thể nói là đặc biệt nghiêm trọng, người gian lận điểm bị phát hiện và xử lý sẽ mất tất cả, mất danh dự, mất tương lai, kể cả các bậc phụ huynh hiện là cán bộ, công chức nhà nước có thể mất luôn sự nghiệp khi cơ quan điều tra xác định có liên quan đến việc chạy điểm.

Một cái mất nữa cũng cần phải nói đến, đó là mất đi cơ hội của những thí sinh chân chính chỉ vì thiếu 0,05 hoặc 0,25 điểm…mà không thể bước chân vào giảng đường đại học vì những thí sinh được nâng điểm chen vào. Đây là sự mất mát không chỉ riêng của những thí sinh học thật, thi thật mà cả gia đình, dòng họ đã đặt niềm tin vào các thí sinh này.

Sau khi các trường đại học xử lý thí sinh liên quan gian lận điểm thi, nhiều ý kiến cho rằng nên tuyển thay thế số sinh viên bị loại, tạo điều kiện cho các em trượt oan có thể bước vào giảng đường đại học, để đảm bảo quyền lợi cũng như tạo ra sự công bằng trong thi cử.

Phải xử lý đến cùng đối với vụ gian lận thi cử

Công an làm việc với bà Nguyễn Thanh Nhàn (Phó trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) - người có liên quan trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh cơ quan công an cung cấp

Tuy nhiên, tuyển bổ sung các trường hợp trượt oan khó có thể thực hiện, bởi hiện nay các trường đại học đã triển khai chương trình giáo dục được 01 năm hoặc một số em bị trượt oan hiện cũng đã theo học tại trường đại học khác khi xét tuyển nguyện vọng 2, 3, do đó, nếu xét tuyển bổ sung sẽ tạo nên xáo trộn, cũng như tốn kém thời gian, công sức và các chi phí có liên quan của các thi sinh trượt oan.

Để đảm bảo sự công bằng đối với những thí sinh bị trượt oan, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chỉ đạo các trường rà soát lại các trường hợp trượt oan để nắm rõ nguyện vọng, đồng thời, xem xét cho cơ chế bảo lưu điểm thi năm 2018 để xét tuyển vào các trường đại học năm 2019.

Vụ gian lận điểm thi tại tỉnh Hòa Bình và Sơn La làm một bài học kinh nghiệm sâu sắc cho công tác quản lý giáo dục, nhất là bảo mật quy trình chấm thi, để không còn xảy ra những vụ việc nâng điểm, chạy điểm gây mất lòng tin, cướp đi cơ hội học tập của người khác; không thể đào tạo ra những cử nhân có hành vi gian lận trong thi cử; để công bằng với những thí sinh học thật, thi thật.

Một vấn đề khác mà dư luận rất quan tâm hiện nay, đó là phải xử lý đến cùng đối với các trường hợp gian lận điểm thi. Các cán bộ, công chức có liên quan đến việc nâng điểm đã bị khởi tố và một số phụ huynh có con được nâng điểm đang dần hé lộ. Nhưng nhiều phụ huynh không thừa nhận đã giúp con mình chạy điểm, trong số này có rất nhiều cán bộ, công chức đang công tác trong các cơ quan nhà nước, kể cả những người có chức vụ, quyền hạn. Do đó, cần phải điều tra, xác minh làm rõ và xử lý đến cùng, nghiêm minh trước pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải xử lý đến cùng đối với vụ gian lận thi cử