Những điểm mới trong xét tuyển của Học viện Báo chí và tuyên truyền năm 2017

Quảng Đỗ| 14/03/2017 09:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Điểm môn Vật lý dùng xét tuyển vào chuyên ngành Quay phim truyền hình và tổ chức thi năng khiếu là những điểm mới căn bản trong tuyển sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2017.

Theo đó, tổ hợp xét tuyển vào chuyên ngành Báo chí được quy định như sau: Đối với Khoa Báo chí chuyên ngành Quay phim truyền hình, tổ hợp xét tuyển gồm các môn Ngữ văn, Năng khiếu báo chí và Vật lý.

Còn lại đối với Khoa Báo chí chuyên ngành Báo in, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Báo mạng điện tử, tổ hợp xét tuyển gồm các môn Ngữ văn, Năng khiếu báo chí và Lịch sử. Báo chí chuyên ngành Ảnh báo chí, tổ hợp xét tuyển gồm các môn Ngữ văn, Năng khiếu báo chí và Tiếng Anh.

Ngoài ra, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đưa ra yêu cầu về chiều cao thí sinh đối với chuyên ngành Quay phim truyền hình, cụ thể nam cao 165cm và nữ cao 160cm trở lên.

Những điểm mới trong xét tuyển của Học viện Báo chí và tuyên truyền năm 2017

Thí sinh xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ thi thêm năng khiếu. Nguồn ảnh: Internet

Trong 6 chuyên ngành đào tạo tuyển sinh trong năm 2017 bao gồm: Báo Phát thanh, Truyền hình, Báo in, Báo điện tử, quay phim và Báo ảnh, ngoài việc xét tuyển Học viện sẽ tổ chức thêm phần thi năng khiếu đối với ngành Báo chí.

Các thí sinh dự thi ngành Báo chí sẽ phải làm bài thi trắc nghiệm gồm 30 câu hỏi, thời gian làm bài 30 phút: Kiểm tra kiến thức chung, nội dung đề thi nằm trong các môn học: Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn của chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.

Phần thứ hai (7 điểm), phần này có yêu cầu riêng đối với các chuyên ngành cụ thể. Đối với thí sinh dự thi chuyên ngành Quay phim truyền hình, Ảnh báo chí như sau: 

Câu 1: Xem hình ảnh (ảnh chụp, video clip) và viết bình luận không quá 500 chữ về hình thức, kỹ thuật, nội dung hình ảnh được xem, thời gian làm bài 30 phút (3 điểm).  

Câu 2: Trả lời phỏng vấn trực tiếp để thể hiện hiểu biết về lĩnh vực quay phim truyền hình, ảnh báo chí; kiến thức về tạo hình và bố cục, tư duy hình ảnh;ý tưởng sáng tạo; khả năng giao tiếp… (4 điểm).

Yêu cầu đối với thí sinh dự tuyển các chuyên ngành khác của ngành Báo chí: Làm bài thi tự luận gồm 2 câu hỏi, thời gian làm bài 120 phút.

Câu 1 (3 điểm): Đánh giá năng lực xử lý, biểu đạt thông tin và sử dụng ngôn ngữ trong xây dựng, hoàn thiện văn bản. Dạng thức đề thi có thể là: Cung cấp một văn bản báo chí có lỗi sai (về quan điểm chính trị, cấu trúc văn bản, về tính logic, về văn phong, về cách sử dụng ngôn từ…) yêu cầu thí sinh sửa chữa và hoàn thiện văn bản theo cách của mình.

Câu 2 (4 điểm): Đánh giá năng lực phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân. Dạng thức đề thi có thể là: Cung cấp thông tin về một vấn đề, một sự kiện, yêu cầu thí sinh viết một bài luận tối đa là 500 từ.

Những điểm mới trong xét tuyển của Học viện Báo chí và tuyên truyền năm 2017

Phóng viên được xem là nghề nghiệp ngày càng hấp dẫn. Nguồn ảnh: Internet

TS. Vũ Thị Kim Hoa, Phó trưởng Ban Quản lý đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền lý giải về việc đưa môn Vật lý vào xét tuyển: "Đối với chuyên ngành Báo chí, ngoài các kiến thức về Khoa học xã hội, các em cũng rất cần có kiến thức cơ bản về Khoa học tự nhiên để có thể thu thập thông tin, phân tích thông tin, xử lý thông tin, đặc biệt là để giải quyết các vấn đề có liên quan đến các lĩnh vực Khoa học tự nhiên. Thực tế cho thấy, những học sinh giỏi về Toán, Vật lý vào học ngành Báo chí đều có tư duy logic rất tốt và điều này cũng rất cần thiết đối với người làm báo hiện nay".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điểm mới trong xét tuyển của Học viện Báo chí và tuyên truyền năm 2017