Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Bỏ biên chế có chắc lương của giáo viên sẽ tăng không?

Ngô Chuyên| 16/06/2017 19:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo tôi, bỏ biên chế, các trường đại học công lập sẽ hưởng ứng không nhiều. Đồng thời, chúng ta chưa định hình được cơ sở cũng như hiệu quả của đề án này”, GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu quan điểm.

Căng thẳng dịu lại

Ngày 6/6, tại buổi họp về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho “Chương trình giáo dục phổ thông mới”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có đề cập đến vấn đề bỏ biên chế. Bộ trưởng cho biết: “Sẽ xây dựng đề án thí điểm bỏ biên chế trong giáo viên với một số trường đại học và trường THPT có đủ điều kiện. Chưa xem xét thí điểm với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và những nơi chưa đảm bảo điều kiện thí điểm triển khai. Nhất là các vùng có điều kiện khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Bỏ biên chế có chắc lương của giáo viên sẽ tăng không?

Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện thí điểm đề án ở những trường Đại học, THPT có đủ điều kiện. Ảnh TV.

Sau khi ý kiến đó được Bộ trưởng đưa ra, đã làm dịu bớt đi phần nào những lo lắng, băn khoăn trong thời gian qua của đội ngũ giáo viên, đồng thời phạm vi thí điểm đã thu hẹp lại.

Về đề án bỏ biên chế của Bộ GD-ĐT, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Minh Hạc bày tỏ: “Trước đây, khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT công bố Bình Định là nơi thí điểm cho việc bỏ biên chế trong giáo viên đã vô tình động chạm đến hơn 1,2 triệu giáo viên. Tuy nhiên, mới đây lại công bố chỉ thí điểm ở các trường đại học; THPT có điều kiện, như vậy tầm ảnh hưởng của lời tuyên bố đó đã giảm bớt đi rất nhiều, chỉ ảnh hưởng từ 10-20%”.

Thế nhưng, nguyên Bộ trưởng lại đặt một câu hỏi: “Các trường đại học, THPT có đủ điều kiện là như thế nào? Hiện nay, ở bậc đại học, Đảng và nhà nước đang khuyến kích tự chủ đại học, tuy nhiên cho đến nay cũng chưa nhiều trường thực hiện. Trong khi đó, cả nước ta có hơn 500 trường đại học, cao đẳng”.

“Hiện nay, có ba loại trường đại học đang nằm trong biên chế của nhà nước là: Các trường đại học  do Bộ GD-ĐT quản lý; các trường đại học do các ngành khác quản lý và các trường đại học do các tỉnh, thành phố quản lý (không kể tư thục). Tôi chưa hiểu việc thí điểm bỏ biên chế này sẽ diễn ra như thế nào? Tôi nghĩ, các trường đại học công lập sẽ không hưởng ứng nhiều, bởi chúng ta chưa định hình được hiệu quả của đề án này, chưa có cơ sở về đề án bỏ biên chế. Bản thân tôi cũng không đồng tình với việc bỏ biên chế giáo viên”, nguyên Bộ trưởng nói.


Thí điểm giáo dục không đơn giản

Khi đưa ra áp dụng đề án mới rộng rãi, thông thường sẽ có những thí điểm thực tế. Thí điểm thực tế đó để đánh giá mức độ thành công cũng như dự liệu được những yếu tố xấu có thể xảy ra. Thế nhưng, những đề án giáo dục khác rất nhiều so với đề án nghiên cứu khoa học tự nhiên. Đặc biệt là những đề án thí điểm ở các trường học nó quyết định gần như vận mệnh, sự phát triển của trường học, thế hệ học trò, những giáo viên, cán bộ đang làm việc, cống hiến ở đó.

Theo nguyên Bộ trưởng Hạc: “Bỏ biên chế cũng vậy, chúng ta chưa định hình được hiệu quả của đề án này, chưa có cơ sở. Ví dụ như: tế bào con người tất cả có bao nhiêu triệu tế bào trong 1 người, hình thể của người ta giống nhau hết. Nhưng thí nghiệm trong phạm vi giáo dục hay là trong xã hội thì nó có đặc điểm khác. Khi người ta thí điểm phải chọn mẫu như thế nào cũng là một vấn đề”.

Bên cạnh đó, ông Hạc cũng đề cập đến vai trò của hiệu trưởng: “Hiện nay, số lượng hiệu trưởng rất nhiều lên đến hàng nghìn người. Nếu bỏ biên chế, hiệu trưởng có quyền đứng ra ký hợp đồng hay sa thải thì rất nhiều giáo viên lo lắng, băn khoăn và không tin trưởng. Bởi cơ chế thị trường trong xã hội mạnh lắm, quyền lực cá nhân nếu không có sự kiểm soát chính đáng nó sẽ rất thiên lệch”.

Hơn nữa, vấn đề tài chính sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong việc quản lý, đây là vấn đề mà người giáo viên lo ảnh hưởng của kinh tế thị trường. “Nếu quản lý không chặt chẽ chính hiệu trưởng sẽ quyết định số phận của người giáo viên. Tuy nhiên nhà nước lại khác, nhà nước chắc chắn sẽ đảm bảo quyền lợi hơn cho người giáo viên, trách nhiệm của giáo viên cũng sẽ cao hơn”, ông Hạc phân tích.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Bỏ biên chế có chắc lương của giáo viên sẽ tăng không?

Bỏ biên chế, liệu cuộc sống của giáo viên có khá hơn như nhiều người kỳ vọng? Ảnh Hải Nam.

Thế giới vẫn duy trì giáo dục có sự quản lý của nhà nước

“Năm 1995, trên thế giới có một Ủy ban biên soạn chương trình đã có một văn kiện biên soạn tư tưởng phát triển giáo dục cũng không nói đến vấn đề là loại trừ biên chế. Tôi nghĩ là đi dạy học phải có biên chế, phải trong sự quản lý nhà nước”, ông Hạc nhấn mạnh.

Ngày nay, ở vùng miền núi, giáo viên được hưởng 80% phụ cấp; sư phạm 50% lương/tháng, trong vòng 5-7 năm nay lại có chế độ thâm niên dạy học. Ông Hạc nói: “Như vậy giáo viên trong biên chế nhà nước vẫn được bảo đảm tối thiểu điều kiện để dạy học và tất nhiên điều kiện tối thiểu của lương là đủ để sống và làm việc. Mặc dù hệ lương chúng ta còn thấp”.

Mặt khác, đặc thù nghề dạy học khác với những nghề khác, nó là dạy con người, hình thành nhân cách con người không phải chỉ đơn thuần là làm công ăn lương. “Dân ta cũng hết sức tôn trọng các thầy cô giáo. Chính vì vậy, biên chế là điều kiện duy nhất mà để người ta thực hiện một trách nhiệm của xã hội giao cho. Không đơn thuần là người làm công ăn lương như ở một số ngành khác”.

Nguyên Bộ trưởng Hạc nhấn mạnh: “Tôi đã nghiên cứu, kể cả các nước phát triển nhất như các nước tây Âu và nước Mỹ thì cũng không bao giờ có thị trường hóa giáo dục - tức là nguyên tắc thương mại hóa giáo dục không có, giáo dục vẫn có sự quản lý của nhà nước”.

Có một số giả thuyết đưa ra, bỏ biên chế thì lương và đời sống của giáo viên sẽ được cải thiện, nhưng nguyên Bộ trưởng lại băn khoăn: “Hiện nay, ở nước ta có những chuyện bất cập, những khó khăn… Chưa giải quyết được, lương giáo viên còn thấp, tuy nhiên, đó là hệ số lương chung của các ngành khác nữa không riêng gì ngành giáo dục. Nhưng chúng ta có chắc chắn rằng số tiền để chúng ta trả lương cho tổng số hơn 1,2 triệu giáo viên có thể rút xuống mấy chục vạn, liệu mấy chục vạn đó có mà tăng lương được hay không? Cái đó chưa ai giám giả định như thế cả. Chúng ta có loại trừ một số giáo viên đang hành nghề còn ít tuổi, 30 tuổi chẳng hạn mà bị ra khỏi nghề thì người ta làm gì? Còn độ thâm niên, chế độ giảng dạy nữa còn nhiều vấn đề phức tạp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Bỏ biên chế có chắc lương của giáo viên sẽ tăng không?