Lương hưu 1,3 triệu đồng và sự khốn cùng của nghề giáo?

Trương Khắc Trà| 02/11/2017 11:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 37 năm cống hiến cho ngành giáo dục, khi nghỉ hưu, cô giáo Trương Thị Lan ở trường mầm non Lê Duẩn, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bật khóc khi nhận lương 1,3 triệu đồng/tháng.

Thử xem chừng ấy lương một tháng có thể mua được những gì: 10 thùng mì tôm loại rẻ, 76 lít xăng, 100kg gạo loại bình thường, vài cái đám cưới… còn bao nhiêu chi phí cho gia đình như điện nước, đi lại, ốm đau bệnh tật thì sao? Nói như vậy, bởi 37 năm chuyên tâm nghề “gõ đầu trẻ”, chắc cô giáo Lan không có thời gian để kiếm thêm thu nhập. Sống thế nào với chừng ấy tiền khi tuổi già lấy đi sức lao động?.

Phải dùng từ xót xa cho mức lương hưu này, chắc chắn trong hàng vạn người hưởng lương hưu không phải chỉ mình cô Lan nhận được số tiền “bèo bọt” như thế. Thật khó tưởng tượng, chừng ấy thời gian biết bao nhiêu thế hệ học trò khôn lớn, thành đạt mà đổi lại cho “người đưa đò” là sự đãi ngộ chỉ nghe thôi đã muốn ứa nước mắt.

Lương hưu 1,3 triệu đồng và sự khốn cùng của nghề giáo?

Giáo viên không chỉ sống được nhờ lương mà phải là đối tượng đầu tiên thừa hưởng những thành quả do kinh tế tri thức mang lại. Ảnh nguồn Internet.

Chuyện tiền lương không phải đến bây giờ mới khiến dư luận quan tâm, hơn chục năm trước có vị lãnh đạo ngành giáo dục từng khẳng định chắc nịch đến năm 2010, giáo viên sẽ sống được bằng lương, nay gần gấp đôi khoảng thời gian ấy rồi mà sao ước mơ “sống bằng lương” sao khó quá! Lời nói mà…gió chưa bay để rồi thi thoảng người ta lại lôi ra đối chứng.

Những năm qua, chúng ta nói quá nhiều đến những đề án nghìn tỷ trong ngành giáo dục, nào là đổi mới sách giáo khoa, dạy và học ngoại ngữ, mô hình VNEN…kết quả chưa thấy đâu nhưng tiền thì bay theo mây khói. Nhiều ngàn tỉ như thế có thể tăng thêm vài phần trăm tiền lương cho giáo viên, tại sao không thực hiện? Hay là đề án thì “hoa hồng nở” còn tăng lương thì không?.

Bộ trưởng Nhạ đã chỉnh lại triết lý “giáo dục là con người” chứ không phải “giáo dục là trận đánh” như người tiền nhiệm. Đúng sai thế nào cần thời gian để trả lời nhưng “con người” trong giáo dục mà Bộ trưởng triết lý phải chăng chỉ có học sinh chứ không có giáo viên? “Người đưa đò” chưa no cái bụng làm sao có sức để chèo đò.

Thời buổi kinh tế tri thức lên ngôi, giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhiều quốc gia xác định vậy chứ không riêng gì Việt Nam. Giáo viên không chỉ sống được nhờ lương mà phải là đối tượng đầu tiên thừa hưởng những thành quả do kinh tế tri thức mang lại. Đơn giản vì họ là những người truyền bá, phổ biến kiến thức cho xã hội.

Người ta cấm dạy thêm nhưng có chịu nghĩ rằng vì đồng lương ít ỏi phải kiếm thêm miếng cơm ngoài giờ. Và chính từ dạy thêm mới phát sinh nhiều chuyện không hay. Giáo viên cũng phải lo cơm áo gạo tiền, cũng phải gồng ghánh con cái, gia đình chứ không phải sống bằng vài ba lời lẽ ca tụng sáo rỗng.

Mức lương hưu như vậy có bất ngờ không? Thưa rằng chẳng có gì bất ngờ, ngành Bảo hiểm xã hội không tự ý định đoạt mức lương hưu mà tất cả phải căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Theo nguyên tắc, tiền ngân sách không phải muốn chi là được nếu không có hồ sơ, chứng từ hợp lệ.

Dĩ nhiên, quy định nào chăng nữa cũng do con người đặt ra, Hiến pháp còn sửa đổi huống hồ các văn bản dưới luật. Nên chăng cần có một ngoại lệ cho cô giáo Lan và một tiền lệ sang sủa hơn cho những nhà giáo sắp nghỉ hưu? Đừng làm nản lòng những học sinh giỏi có khát vọng trở thành nhà giáo và vì vậy mới biết vì sao cử nhân sư phạm giờ chỉ còn dưới 10 điểm đầu vào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lương hưu 1,3 triệu đồng và sự khốn cùng của nghề giáo?