"Kiểm soát ảo" trong tuyển sinh 2017: Phần mềm lọc ảo hay "yếu tố thị trường"?

Nhật Minh| 09/09/2016 10:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ GD-ĐT dự kiến sử dụng phần mềm lọc ảo vào tuyển sinh ĐH-CĐ 2017 nhằm hạn chế thí sinh ảo. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, muốn kiểm soát ảo cần phải đưa yếu tố thị trường vào công tác tuyển sinh...

Tại buổi Tọa đàm “Phương án tuyển sinh THPT Quốc gia năm 2017” tổ chức sáng 8/9, Bộ GD-ĐT đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, đồng thời sớm đưa ra phương án mới cho kỳ thi năm 2017.

Qua hai năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ (kỳ thi 2 trong 1), đánh giá một cách khách quan, kỳ thi năm 2016 diễn ra khá thành công, thí sinh được tạo điều kiện thuận lợi, tâm lý nhẹ nhàng, ít căng thẳng. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đánh giá, kỳ thi đã đảm bảo được hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, song theo ông, vẫn còn một số bất cập, chẳng hạn như tình trạng “thí sinh ảo” chưa được khắc phục.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại buổi tọa đàm

Sử dụng “yếu tố thị trường” để kiểm soát ảo

Trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ 2016, nhiều trường vẫn không đảm bảo đủ chỉ tiêu, “thí sinh ảo” vẫn tồn tại. Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho rằng, đây là một thực trạng chung, thậm chí ngay cả các trường ở Mỹ mà ông có dịp tham khảo trong chuyến đi vừa qua cũng cho biết chỉ tuyển được 60% trong số các nguyện vọng ĐKXT.

Là một trong số những trường gần như tuyển đúng và đủ chỉ tiêu tuyển sinh trong năm học 2016-2017, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho rằng, “các trường muốn kiểm soát ảo phải đưa yếu tố thị trường vào công tác tuyển sinh của mình”.

Cụ thể, theo ông, các trường hãy coi thí sinh như “khách hàng”, làm tốt công tác truyền thông, phân tích dữ liệu điểm thí sinh, nhất là thí sinh trong khu vực tuyển sinh của trường. Đặc biệt, cần coi trọng công tác đảm bảo chất lượng để làm sao các em ra trường có việc làm. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng, đặc biệt trong tình hình kinh tế thị trường hiện nay.

“Nếu coi lại dữ liệu các trường tuyển không đủ thì chỉ rơi vào số ngành và nhóm ngành mà các em ra trường khó kiếm việc làm”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.

“Tất cả những đổi mới hay cải tiến kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ đều nhằm hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, ngày càng tạo cho các em có thêm quyền lợi".

Thứ trưởng Bùi Văn Ga

Dự kiến dùng phần mềm lọc ảo thí sinh

Năm 2017, Bộ GD-ĐT dự kiến cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng hơn. Đây cũng là xu thế chung của các trường trên thế giới nhằm tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh cho các trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm, để thu hút thí sinh.

Việc cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng sẽ có lợi cho thí sinh, tuy nhiên sẽ dẫn đến tình trạng “thí sinh ảo” có thể tăng lên. Cũng như PGS.TS Đỗ Văn Dũng, TS. Sái Công Hồng - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQGHN cho rằng, đây không phải là chuyện của riêng các trường học ở Việt Nam. Ông kể: “Tôi có nhiều lần làm việc với các trường đại học ở Mỹ, họ thậm chí phải gọi tới 300% để trừ ảo, nhưng cũng chỉ đạt 60-70%, chuyện ảo là đương nhiên nếu như chúng ta tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh”.

Để giải quyết, Bộ dự kiến sẽ đưa phần mềm lọc ảo vào hỗ trợ các trường. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, phần mềm lọc ảo đã được Bộ chuẩn bị từ năm 2014, song chưa nhận được sự đồng thuận từ các trường. Tuy nhiên, đến năm 2017, khi cho phép thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng hơn, “thì dứt khoát phải sử dụng công nghệ lọc ảo để tuyển sinh được thuận lợi hơn, Thứ trưởng nhấn mạnh.

“Phương án lọc ảo duy nhất là dùng chung phần mềm chung, cá nhân tôi nghĩ nếu làm chung sẽ động tới phần tự chủ của các trường, nhưng để làm tốt việc ảo thì chắc không còn giải pháp nào ngoài việc có phần mềm chung”, TS. Sái Công Hồng nói thêm.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016 còn nặng nề do duy trì 2 loại cụm thi; việc đưa một số lượng lớn cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ về địa phương làm công tác coi thi nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc song lại gây tốn kém; Số ngày thi còn dài (thi 08 môn trong 4 ngày)…

Bên cạnh đó, dù đã huy động một số lượng lớn chuyên gia có kinh nghiệm về xây dựng ma trận đề thi để phân hóa thí sinh, song đề thi vẫn chưa bao quát tối đa chương trình, nên vẫn còn hiện tượng học tủ, học lệch. Đề thi chưa mang tính tích hợp để qua đó đánh giá tốt hơn năng lực thực sự của học sinh, dẫn đến việc thí sinh vẫn có thể nhìn bài nhau nếu công tác coi thi không nghiêm túc…

Trong năm tới, việc tổ chức kỳ thi 2017 dựa trên sự kế thừa và hoàn thiện những kết quả đạt được của 2016. Chẳng hạn, theo Thứ trưởng, dự kiến kỳ thi 2017 vẫn sẽ diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành phố, tuy nhiên Bộ sẽ giao cho các Sở chủ trì và các trường ĐH, CĐ phối hợp, giám sát; đề thi chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có một mã đề thi khác nhau, chấm bằng máy để đảm bảo công bằng, tin cậy…

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Kiểm soát ảo" trong tuyển sinh 2017: Phần mềm lọc ảo hay "yếu tố thị trường"?