Đánh giá năng lực học sinh: Không nên dựa vào điểm số, hạnh kiểm

Ngô Chuyên| 10/05/2017 06:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khi ở Việt Nam vẫn còn chú trọng đánh giá năng lực của học sinh thông qua bảng điểm, hạnh kiểm thì Phần Lan và Nhật Bản ngược lại. Vậy hai quốc gia này đánh giá năng lực học sinh như thế nào?

Nhật Bản – không đánh giá năng lực bằng hạnh kiểm

Vì lối mòn ưa thành tích mà nhiều phụ huynh quên rằng con mình cần gì? Con mình học được gì trong một năm qua? Đến trường có vui không? Con học được gì từ bạn bè, thầy cô hay chỉ là những “núi bài tập khổng lồ”? Những thời gian biểu chằng chịt với lịch học thêm Ngược lại với Việt Nam, một số quốc gia trên thế giới mục tiêu học sinh đến trường và cách đánh giá cũng hoàn toàn khác.

Theo chia sẻ của thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương – nghiên cứu sinh ĐH Kanazawa Nhật Bản, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Giáo viên ở Nhật Bản không tiến hành đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh. Đối với người Nhật Bản, chuyện đánh giá đạo đức, nhân cách người khác là nhạy cảm. Họ suy nghĩ, trường học là nơi học sinh được học tập để trở thành công dân dân chủ thì chuyện giáo viên đánh giá đạo đức học sinh là điều khó có thể tưởng tượng”. 

Đánh giá năng lực học sinh: Không nên dựa vào điểm số, hạnh kiểm

Ở Việt Nam vẫn chú trọng việc đánh giá học sinh bằng hạnh kiểm. Ảnh Hải Nam.

“Hơn nữa, giáo dục phải căn cứ vào mục tiêu giáo dục. Mục tiêu đặt ra như thế nào thì đánh giá quá trình học sinh hướng đến mục tiêu đó”, thầy Vương nhấn mạnh.

Ở nước ta, trong quá trình đánh giá học sinh, chúng ta thường chú trọng đến điểm số, thành tích về mặt trí thức nhưng lại bỏ quên đánh giá cái đích cuối cùng hướng đến là học để trở thành con người như thế nào.

Một điểm đặc biệt nữa là cách đánh giá Nhật Bản khác với Việt Nam, giáo viên đánh giá sự tiến bộ của học sinh không chỉ dựa vào điểm số thu được từ các bài kiểm tra, bài tập mà cần phải chú ý tới cả thái độ, mối quan tâm, hứng thú và kỹ năng của học sinh.

Phần Lan: không công khai đánh giá năng lực của học sinh

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung – Viện nghiên cứu phát triển giáo dục IRED: “Ở Phần Lan và Pháp họ thường đánh giá học sinh thông qua việc lập hồ sơ và giáo viên theo dõi hàng tháng, hàng tuần. Mặt khác, họ đánh giá học sinh không phải về mặt điểm số. Khi họp phụ huynh cuối kỳ hoặc cuối năm, cô giáo không đưa bảng đánh giá vào cuộc họp phụ huynh chung. Kết thúc cuộc họp phụ huynh chung là những cuộc họp phụ huynh riêng giữa học sinh, giáo viên và phụ huynh. Khi đó cả ba cùng ngồi riêng với nhau và chia sẻ, trao đổi. Giáo viên đặt một câu hỏi cho học sinh trả lời, lúc đó phụ huynh cùng giáo viên nghe câu trả lời cũng như chia sẻ suy nghĩ của mình”.

TS. Trung cho biết thêm: “Khi học sinh chia sẻ hết những suy nghĩ trong đầu của mình, giáo viên sẽ đánh giá và cho điểm. Trước lúc cho điểm giáo viên sẽ hỏi ý kiến học sinh điểm số của mình như vậy có thỏa mãn không? Nếu những đánh giá cũng như điểm số đó không thỏa mãn với năng lực của học sinh, học sinh được quyền phản biện”.

Đánh giá năng lực học sinh: Không nên dựa vào điểm số, hạnh kiểm

Học sinh tiểu học tại Việt Nam. Ảnh Hải Nam.

Việt Nam: Nên lập hồ sơ đánh giá học sinh trong một quá trình dài

Theo nhiều chuyên gia, việc đánh giá năng lực cũng như đạo đức của học sinh ở Việt Nam còn dựa nhiều vào yếu tố hạnh kiểm, điểm số hơn là nhìn vào quá trình trưởng thành và những gì đạt được của học sinh trong12 năm học phổ thông.

Theo chia sẻ của thầy Vương: “Hiện nay, Việt Nam còn đánh giá hạnh kiểm, trong khi đó trên thế giới không còn đánh giá hạnh kiểm xấu tốt, khá trung bình với học sinh. Đánh giá như thế rất khó”. 

“Bởi sự tốt, xấu của con người không thể đánh giá đơn giản vào việc vi phạm nội quy hay đi học muộn. Đó là ý thức tuân thủ nội quy của học sinh", thầy Vương nhấn mạnh.

Thầy Vương đưa ra ý kiến nghị: “Ngoài việc đáng giá bằng điểm số giáo viên nên lập hồ sơ để đánh giá, theo dõi thông qua thái độ của học sinh trong một thời gian dài để biết rõ quá trình học sinh trưởng thành về mặt con người như thế nào và cái đích cuối cùng để học sinh hướng đến”.

Một nghịch lý mà thầy Vương đưa ra trong tình trạng giáo dục hiện này là: “Một học sinh 12 năm học đạt học sinh giỏi, nhưng khi ra ngoài đời lại là một con người có thể rất “tồi”. “Tồi” ở nhiều phương diện nhất là việc quản trị cuộc sống của mình không quản trị được, không biết cách sống yêu thương, bình đẳng, khoan dung với những người xung quanh, bạn bè của mình. Hay khi gặp khúc mắc gì đó thay vì tìm kiếm biện pháp hòa bình có tính chất khoan dung thì lại sử dụng bạo lực”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá năng lực học sinh: Không nên dựa vào điểm số, hạnh kiểm