Chúng ta đang dạy gì cho học sinh ở trường?

Vân Lam| 12/10/2016 08:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Học sinh đánh nhau, đốt trường, bôi xấu thầy cô giáo, bị xâm hại tình dục..., những hành vi phản giáo dục xuất hiện ngày càng nhiều. Thực trạng này buộc chúng ta phải đặt câu hỏi học sinh đang học những gì ở trường?

Trong đời sống xã hội, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với mọi quốc gia, dân tộc ở mọi thời đại. Trong xu thế phát triển tri thức ngày nay, giáo dục - đào tạo được xem là chính sách, biện pháp quan trọng hàng đầu để phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Và giáo dục cũng là yếu tố quan trọng để hình thành nên nhân cách con người.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, Nhà nước ta đã có 3 lần cải cách giáo dục và ít nhất 3 lần đổi mới giáo dục. Lần cải cách đầu tiên năm 1950 chuyển từ phân ban tú tài cũ sang hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm; năm 1956 chuyển từ hệ thống giáo dục 9 năm sang 10 năm.

Từ năm 1979 đến nay hệ thống giáo dục chuyển từ hệ 10 năm sang hệ 12 năm (bỏ lớp vỡ lòng), kéo theo sự đổi mới chương trình, sách giáo khoa và cải tiến chữ viết.

Bên cạnh sự cải cách đó, nhà nước cũng đã có rất nhiều chính sách đổi mới, trong đó từ 1986 thực hiện chuyển đổi từ nền giáo dục miễn phí sang giáo dục thu học phí bắt đầu hình thành mô hình trường tư thục có lợi nhuận.

Từ năm 2000 thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo NQ số 40/2000/QH10 của Quốc Hội với chủ trương một chương trình, một bộ sách giáo khoa và một loạt các Nghị quyết khác về đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa…

Sở dĩ người viết nhắc lại những mốc thời gian như trên để cho độc giả có cái nhìn toàn cảnh hơn về các đề án cải cách giáo dục. Vấn đề giáo dục được Nhà nước đặc biệt quan tâm và luôn luôn coi  “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Chúng ta đang dạy gì cho học sinh ở trường?

Đã đến lúc quên đi những bài học khô khan, vô hồn mà hãy dạy học sinh lề lối ứng xử

Không chỉ nhà nước, các bậc phụ huynh cũng dốc hết lòng, hết sức để mong con em được đến trường. Ngay từ khi 2 tuổi đến năm 18 tuổi, một đứa trẻ sinh ra chỉ có 2 năm được ở toàn thời gian với gia đình, đến tuổi phổ cập mầm non, các em đã bắt đầu có một môi trường mới với quỹ  thời gian “ở trường nhiều hơn ở nhà”.

16 năm dài đằng đẵng trong quá trình hình thành nhân cách và kiến thức, mái trường là khung ký ức không thể nào quên của mỗi con người. Cũng từ đây mà nảy sinh rất nhiều hạnh phúc hay bi kịch.

Và có lẽ, chưa khi nào trường học lại trở nên mất an toàn như lúc này, bạn bè đồng môn, đồng khóa không còn tình bằng hữu mà thay vào đó là tràn lan những hành vi bạo lực, đấm đá lẫn nhau. Những tình cảm thơ ngây, trong trắng, tình bạn giản dị sẻ chia giúp đỡ nhau trong học tập dường như không còn nữa. 

Ngày xưa, cái tuổi ô mai mười lăm, mười sáu tuổi nếu có “lỡ” thích một cô hay cậu bạn khác phái cũng chỉ dám đừng nhìn từ đằng xa, lãng mạn hơn một chút nữa thì để phong thư trong hộc bàn hay giả vờ hỏi han bài toán khó, tuyệt nhiên chẳng dám nắm tay. Chỉ cần nhìn thấy người mình thích đạt điểm cao hay chơi thể thao giỏi, trong lòng đã vô cùng hãnh diện và đôi mắt ánh lên sự trìu mến.

Những mối tình học trò cứ thế trôi đi, cùng năm tháng, cùng thời gian, cùng với sân trường và những tà áo trắng ngây thơ, thuần khiết. Thỉnh thoảng, trong lớp cũng có vài bạn không ngoan, bướng bỉnh cãi lời hoặc muốn thể hiện cái tôi của mình cũng có những hành động quậy phá đôi chút như trêu bạn nữ khóc, bắt sâu róm dọa bạn…nhưng chưa khi nào là “hạ nhục nhau”. Cùng lắm là vài cái bạt tai rồi vài ngày sau lại quên hết, lại cười lại nói với nhau.

Nhưng nay thì khác, xã hội ngày càng phát triển trường học cũng xuất hiện các nhóm trò đối nghịch nhau. Nhóm “mọt sách”, “nhóm cậu ấm cô chiêu”, “nhóm hiền lành”, nhóm “ngổ ngáo”…các nhóm này tồn tại ngay trong một lớp có gần 40 thậm chí trên 40 em, mỗi người một cá tính.

Học trò ngày nay bạo dạn hơn, mạnh mẽ hơn, thể hiển bản lĩnh hơn xưa rất nhiều. Các em sẵn sàng vì yêu bạn này mà đánh hội đồng bạn kia, sẵn sàng dùng tất cả những lời lẽ thô tục để lăng mạ, hạ nhục bạn mình…các em dùng đủ mọi chiêu trò để làm bẽ mặt “đồng môn” như lột quần áo, bắt quỳ gối, đánh hội đồng, chưa đủ các em còn quay clip để tung lên mạng xã hội facebook, youtube, để câu like, để thể hiện “số má” và thản nhiên cười cợt trên nỗi đau khổ, ê chề của người khác mà các em không mảy may cảm thấy có lỗi hay hối hận…kể cả khi bạn mình phải dùng đến cái chết để chứng minh.

Vì sao lại có sự “lạnh lùng” trong lứa tuổi thanh thiếu niên đến như vậy, vì sao học sinh bây giờ manh động, liều lĩnh, bất chấp hơn. Phải chăng đó là mặt trái của sự phát triển trong thế giới phẳng hơn và các em được tiếp xúc với các nguồn thông tin một cách nhanh nhạy, đa dạng hơn. 

Mỗi tuần 1 tiết Giáo dục công dân tại trường liệu có đủ để trang bị vững vàng cho các em những kiến thức về ứng xử, hình thành nhân cách, giao tiếp với bạn bè, đối nhân xử thế, tình thầy cô, sống yêu thương, sống tự chủ và sống có trách nhiệm…hay chỉ đủ để các em ghi cái tiêu đề vào trong vở và coi như một môn học phụ mà thôi.

Chúng ta cứ nói nhiều đến cải cách giáo dục, đến tích hợp môn học, đến thành tích, đến chỉ tiêu đăng ký thi đua ngay từ đầu năm học mà chúng ta quên mất rằng những mầm xanh của chúng ta, những đứa trẻ suốt một thời gian dài ít nhất là 16 năm đầu đời dành phần lớn thời gian ở trường đang được giáo dục nhân cách như thế nào? Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên quên những bài học khô khan, vô hồn trong sách giáo khoa mà hãy dạy học sinh nhiều hơn lề lối ứng xử từ những câu chuyện thực tế.

Tất nhiên, không thể trông cậy hết vào nhà trường, gia đình và xã hội cũng là một tác nhân quan trọng để giáo dục nhân cách cho trẻ. Tôi chỉ mong rằng cải cách gì cũng được, miễn sao không còn đứa trẻ nào vì bị bạn đánh mà phải tự tử, không còn học trò nào vì bị kích động mà phải mang xăng đốt trường, không còn cảnh bạt tai, túm tóc, lột đồ, đánh hội đồng diễn ra…bởi những hình ảnh ấy là thực sự đau xót.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chúng ta đang dạy gì cho học sinh ở trường?