Chữ quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt

Ngô Chuyên| 26/11/2017 19:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy có đề xuất cải tiến chữ viết từ 38 ký tự xuống còn 31 ký tự khiến dư luận phản ứng không mấy tích cực, cho rằng ý tưởng đó không thiết thực và có nhiều lời lẽ nặng nề.

Tuy nhiên, theo PSG TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thì nói: “Đề xuất cải tiến chữ viết của PGS TS Bùi Hiền là quá lạ, quá khó và không khả thi, nhưng chúng ta không nên thấy lạ mà vội vã phản bác”.

Được biết, ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ có từ những năm đầu tiên của thế kỉ 20, ngay từ Hội nghị Quốc tế khảo cứu về Viễn Đông đã có người đề xuất phương án thay một số con chữ (K thay cho C, Q; D thay cho Đ, Z thay cho D, J thay cho GI...).

Chữ quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt

PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. NVCC.

Năm 1919, trên tờ Trung Bắc tân văn, nhiều tác giả (Phó Đức Thành, Dương Tự Nguyên, Nguyễn Văn Vĩnh...) cũng có nhiều đề xuất gây phản ứng, vì nếu sử dụng sẽ là "kì quặc" (viết AA thay cho Â, EE thay cho Ê, OO thay cho Ô; HỮU viết thành HUUUZZ, NHƯỠNG viết thành NHUUOONGZZ...).

Sau Cách mạng Tháng Tám, có người đề nghị viết theo kiểu đánh Telex (dùng con chữ biểu thị một số âm vị, trong có có thanh điệu, HUYỀN = F, SẮC = S, HỎI = R, NGÃ = X, NẶNG = J...).

Chính GS Hoàng Phê cũng từng đệ trình một Dự thảo Phương án cải tiến chữ Quốc ngữ từ những năm 60 thế kỉ 20 (dài tới 56 trang) trong đó nếu thực hiện chắc chắn sẽ gây phản ứng (Mặc dù Phương án của ông đưa ra dựa trên cơ sở khoa học có cân nhắc). Chẳng hạn "qua quýt" sẽ viết là "kwa kwít", "quyền lợi" viết thành "cwiền lợi"...

Những năm sau này, nhiều nhà Việt ngữ học cũng đưa ra một số đề xuất mà nếu công bố thì cũng gây "sốc" chẳng kém phương án của PGS.TS Bùi Hiền hôm nay (vì nếu đem ra sử dụng thì sẽ phá vỡ hệ thống kí hiệu đã dùng hàng trăm năm trước đó).

Theo chia sẻ của PSG TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, ông đã đọc bài nghiên cứu về đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền từ tháng 9/2017 tại hội thảo “Ngôn ngữ ở VN: Hội nhập và Phát triển” (do Hội Ngôn ngữ học VN và Trường đại học Quy Nhơn tổ chức). Đồng thời, ông cũng là người biên tập chính cho cuốn kỷ yếu và đã đồng ý cho in bài tham luận của PGS TS Bùi Hiền vì tôn trọng ý kiến cá nhân.

“Một hội thảo khoa học, càng nhiều ý kiến khác nhau càng phong phú. Nhưng tôi phải khẳng định, ý tưởng cải tiến chữ tiếng Việt mới chỉ dừng lại là ý kiến của một nhà ngữ học, trình bày về một ý tưởng đã từng có. Đây chỉ là ý kiến cá nhân, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước đem áp dụng cho tiếng Việt hiện nay”, PSG TS Phạm Văn Tình cho hay.

Chữ quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt

PGS.TS Bùi Hiền. 

Hình như mọi người đang quan trọng hóa vấn đề, thấy phương án của PGS.TS Bùi Hiền đưa ra là quá lạ, quá khó, nên ra sức chỉ trích.

“Tôi nhớ lại mấy năm trước đây, khi TS Quách Tuấn Ngọc có đề xuất đưa thêm 4 chữ cái (F, J, F, W) vào Bảng chữ cái tiếng Việt cũng nhận được phản ứng rất gay gắt từ phía dư luận. Đấy chỉ là một ý kiến tham khảo thôi mà. Ông Bùi Hiền có luận cứ  riêng của ông, chúng ta nên ghi nhận tinh thần, thái độ của ông đối với tiếng Việt”, PGS TS Phạm Văn Tình nhấn mạnh.

Trước làn sóng dư luận về ý tưởng của PGS.TS Bùi Hiền, PGS TS Phạm Văn Tình chia sẻ: “Sự kiện vừa qua làm xới lại một vấn đề, chữ Quốc ngữ rõ ràng còn tồn tại nhiều bất hợp lí. Chúng ta cần nhìn nhận lại sao cho thấu đáo dưới góc độ ngôn ngữ học. Nhưng mọi người cứ yên tâm, chưa có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Chữ Quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt và không dễ dàng thay đổi được nó, mặc dù nó còn bộc lộ những bất hợp lý. Tuy nhiên những bất hợp lý này cũng giống như những bất hợp lý của nhiều ngôn ngữ khác”.

“Việc ta trao đổi cứ trao đổi, vì khoa học chấp nhận điều này. Tôi nhắc lại, trong Kỉ yếu (NXB Dân Trí, 2017) vừa rồi, có in 264 báo cáo mà trong đó, nhiều vấn đề hay và "nóng" hơn nhiều. Mong dư luận tập trung quan tâm tới những vấn đề đó. Chẳng hạn việc sử dụng tiếng nước ngoài, ngôn ngữ giới trẻ, ngôn ngữ công nghệ số...” , PGS.TS Phạm Văn Tình chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chữ quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt