Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Tăng cường đào tạo tiến sĩ là hết sức cần thiết

Ngô Chuyên| 17/11/2017 08:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm qua (16/11), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi với báo chí về Đề án Đào tạo 9.000 tiến sĩ đang được dư luận quan tâm. Theo Bộ trưởng Nhạ, đề án là cơ hội để tạo điều kiện cho các nhà khoa học về các trường đại học cống hiến trí tuệ, sức lực.

Đào tạo tiến sĩ là hết sức cần thiết

Chia sẻ về đề xuất đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ, Bộ trưởng Nhạ cho biết: “Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, khi bắt đầu triển khai đề án 911, năm học 2011-2012, toàn hệ thống có hơn 8.500 giảng viên đạt trình độ tiến sĩ (chiếm 14,3%). Đến nay, số liệu này đã được nâng lên hơn 16.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ (chiếm 22,7% trong tổng số giảng viên đại học). Dù thêm 9.000 tiến sĩ theo Dự thảo Đề án mới thì tỉ lệ này cũng chỉ nâng lên được 30%. Con số này chưa đáp ứng được một nửa nhu cầu thực tế đòi hỏi để nâng cao chất lượng giảng dạy đại học. Vì thế để nâng cao chất lượng đào tạo đại học việc tăng cường đào tạo tiến sĩ là hết sức cần thiết”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Tăng cường đào tạo tiến sĩ là hết sức cần thiết

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Theo Bộ trưởng Nhạ, đây cũng là cơ hội để tạo điều kiện cho các nhà khoa học về các trường đại học để cống hiến trí tuệ, sức lực. Bộ trưởng khẳng định: “Sẽ không có chuyện đào tạo tràn lan, không tập trung vào số lượng, thay vào đó là tập trung chất lượng để làm sao đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra, làm thế nào để thu hút nghiên cứu sinh trở về nước làm việc sau khi được cấp học bổng đào tạo nước ngoài, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cốt yếu là đào tạo phải gắn với nhu cầu.

“Người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng, cử người đi học, chứ không phải cứ đào tạo ồ ạt ra rồi tiến sĩ tự đi tìm việc. Vì thế cách tiếp cận bây giờ là đào tạo phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng lao động. Làm được điều này, các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm, chủ động để quy hoạch và phát triển đội ngũ, trong đó có đội ngũ giảng viên. Căn cứ vào đó thì Bộ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, chứ không phải là cử đi học, cắt biên chế để đi đào tạo xong không về” – Bộ trưởng khẳng định.

Làm sao để kiểm soát “tiến sĩ giấy”?

Để kiểm soát chặt chất lượng đào tạo, tránh hiện tượng đào tạo “tiến sĩ giấy”, Bộ trưởng Nhạ cho hay, sẽ triển khai hàng loạt phương án khả thi. Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ với yêu cầu cao hơn (chẳng hạn phải có thời gian học tập trung, có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế…) và đang siết chặt việc này thông qua việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên.

Bên cạnh đó, cách tiếp cận của đề án này là Nhà nước định hướng và hỗ trợ chứ không làm thay. Còn các cơ sở giáo dục đào tạo và bản thân người đi học phải có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng. Nếu người đi học đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu thì sẽ được nhà nước cấp học bổng, có thể toàn phần, có thể một phần. Như vậy sẽ mở rộng đối tượng ra tất cả mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt công lập hay tư thục.

Biết rõ về lo ngại của dư luận về nguy cơ lãng phí ngân sách khi trước đây việc đào tạo tiến sĩ không đạt như ý muốn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, cơ chế quản lý đào tạo theo đề án mới sẽ khác hoàn toàn với cách làm truyền thống.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Tăng cường đào tạo tiến sĩ là hết sức cần thiết

"Vai trò của Bộ GD-ĐT là đưa ra cơ chế chính sách và đề xuất định mức, để làm sao định mức đề ra, không quá chênh với định mức chung của các nước và khuyến khích người giỏi đăng ký đi học” – Bộ trưởng Nhạ nói. Ảnh Ngô Chuyên.


Theo đó, với tổng số tiền không thay đổi, thậm chí trong số tiền đã được Quốc hội phê duyệt chi, không nhất thiết phải dùng hết mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo, nếu không tiêu hết thì trả lại nhà nước.

“Tôi nhấn mạnh lại quan trọng nhất là chất lượng đào tạo. Trong đề án này rất chú trọng đề cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo và người học. Còn vai trò của Bộ GD-ĐT là đưa ra cơ chế chính sách và đề xuất định mức, để làm sao định mức đề ra, không quá chênh với định mức chung của các nước và khuyến khích người giỏi đăng ký đi học” – Bộ trưởng Nhạ nói.

Theo Bộ trưởng Nhạ, mỗi giai đoạn lịch sử có những điều kiện, hoàn cảnh, nhiệm vụ khác nhau. “Và trách nhiệm của chúng tôi là tiếp tục cải thiện nâng cao chất lượng, quy mô đào tạo tiến sĩ để đáp ứng với nhu cầu của thực tế. Tôi khẳng định, công tác quản lý đào tạo tiến sĩ đã và đang được siết chặt hơn nữa. Vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước thể hiện thông qua kiểm định chất lượng và giám sát, đưa ra quy chế đào tạo tiến sĩ với chuẩn từng bước tiếp cận quốc tế”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết thêm, trong quy chế đào tạo tiến sĩ vừa ban hành, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu nghiên cứu sinh làm tiến sĩ phải có thời gian tập trung, phải có một bài đăng tạp chí quốc tế… đáp ứng được mới công nhận. Còn nếu cơ sở đào tạo nào không đáp ứng được quy chế đó thì không công nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Tăng cường đào tạo tiến sĩ là hết sức cần thiết