Bỏ biên chế giáo viên: Những vấn đề băn khoăn cần giải quyết

Ngô Chuyên| 17/06/2017 15:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bỏ biên chế giáo viên, ngành giáo dục sẽ được gì? Giáo viên sẽ được gì? Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra hiện nay. Vậy dưới góc nhìn của một chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, vấn đề này được nhìn nhận như thế nào?

Bàn về vấn đề bỏ biên chế giáo viên, Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn riêng với tiến sĩ, nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch HĐQT trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

Ngành giáo dục nên vận dụng quy luật tích cực của kinh tế thị trường

Tại sao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong ngổn ngang công việc đổi mới lại quan tâm đến vấn đề bỏ biên chế giáo viên? Vậy bỏ biên chế, ngành giáo dục cần làm gì?

Bỏ biên chế giáo viên: Những vấn đề băn khoăn cần giải quyết

TS Nguyễn Tùng Lâm: Việc đổi mới ngành giáo dục là phải đổi mới giáo dục, phải đổi mới đội ngũ giáo viên, đổi mới cách thức đào tạo; đãi ngộ tương xứng để giáo viên sống được bằng nghề. Ảnh Ngô Chuyên.

Về vấn đề đang gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều trên, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết: “Bỏ biên chế, ngành giáo dục nên sử dụng những quy luật tích cực của kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, lao động chở thành hàng hóa. Sức lao động phải được chọn lọc để đảm bảo quy luật cung cầu, quy luật tạo ra giá trị. Sản phẩm của giáo dục phải là sản phẩm có chất lượng, ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay”.

TS Tùng Lâm nhấn mạnh thêm: “Nếu áp dụng những quy luật tích cực của kinh tế thị trường vào giáo dục, chúng ta sẽ đáp ứng được 2 yêu cầu: Thứ nhất, chúng ta sẽ tuyển được những nhà giáo giỏi đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Thứ hai, tất cả các trường phổ thông các cấp hiện nay phải được tự chủ. Họ phải được tự chủ trong xây dựng chương trình giáo dục, tự chủ về tuyển chọn giáo viên và tự chủ về tài chính. Đặc biệt, họ được chủ động trả lương cho những giáo viên giỏi, những nhà sư phạm có cống hiến”.

“Chúng ta thực hiện triệt để nghị quyết 29 là đổi mới căn bản, toàn diện. Cái được lớn nhất cho con em của chúng ta chính là được hưởng thụ một nền giáo dục có chất lượng. Tuy nhiên, cần lưu ý ngành giáo dục đi trước thực hiện nghị quyết 29 nhưng cả xã hội phải thực hiện, không chỉ riêng ngành giáo dục”, TS Lâm khẳng định.

Hiệu trưởng không chỉ đơn thuần là người đứng đầu mà phải là một nhà giáo dục

Chia sẻ về vai trò của người đứng đầu một nhà trường, TS Lâm cho biết: “Hiệu trưởng không chỉ là nhà lãnh đạo, nhà quản lý một nhà trường mà hiệu trưởng phải là một nhà giáo dục. Vì sản phẩm của mỗi nhà trường là sự phát triển nhân cách của nhà trường, học sinh và thầy cô giáo. Hiệu trưởng phải là người tác động để tạo ra sự phát triển nhân cách của thầy và trò”.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, việc bỏ biên chế khi đề án chưa rõ ràng, chưa cụ thể khi Bộ trưởng chỉ mới “buông” một đề án bỏ biên chế giáo viên nhưng đã khiến rất nhiều giáo viên thắc mắc, lo lắng.

TS Lâm phân tích: “Thứ nhất, những giáo viên không có năng lực chọn nhầm nghề mà không muốn thay đổi, muốn níu giữ biên chế, chúng ta không thể nghe. Thứ hai là những giáo viên có phẩm chất, có năng lực, họ mong muốn có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, hiểu biết chung của họ còn hạn chế, chúng ta phải làm cho họ hiểu hiện nay, đề án giáo dục chưa có, chưa biết đề án sẽ phân loại, sử dụng những loại giáo viên cụ thể như thế nào để họ yên tâm công tác”.

Việc đổi mới ngành giáo dục là phải đổi mới giáo dục, phải đổi mới đội ngũ giáo viên, đổi mới cách thức đào tạo; đãi ngộ tương xứng để giáo viên sống được bằng nghề.

“Mà muốn đổi mới chúng ta phải đổi mới cách sử dụng, tuyển chọn giáo viên và cuối cùng phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng.  Như vậy, nếu chúng ta giải quyết được các vấn đề trên sẽ giải quyết hết được những tồn tại hiện nay, đồng thời tuyển chọn được đội ngũ giáo viên giỏi”, TS Lâm nhấn mạnh.

Bỏ biên chế giáo viên: Những vấn đề băn khoăn cần giải quyết

Vừa rồi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có thông báo sẽ thí điểm bỏ biên chế vào các trường THPT, đại học có đủ điều kiện. Ảnh Ngô Chuyên.

Bỏ biên chế giáo viên phải đạt được 2 mục tiêu cùng một lúc

Khi Bộ GD-ĐT bỏ biên chế giáo viên, phải đạt được 2 mục tiêu là: Thay đổi dược chất lượng giáo dục và nâng cao đời sống cho giáo viên.

TS Tùng Lâm chia sẻ: “Giáo viên nào được tuyển chọn thì họ phải sống được đàng hoàng, sung túc. Họ phải sống bằng chính nghề dạy học, không như hiện nay, giáo viên phải làm thêm rất nhiều nghề khác nhau để sống, để nuôi cái nghề dạy học mà mình tâm huyết. Chúng ta không thể giữ mãi cái nghịch lý này trong ngành giáo dục được”.

Có như vậy, chúng ta mới ổn định được tư tưởng cho giáo viên, không để giáo viên nơm nớp bất an, lo lắng.

Đối với những giáo viên mới ra trường, cần được hướng dẫn, đào tạo một cách bài bản và đánh giá, tuyển chọn đúng ngay từ đầu. Đối với những giáo viên lâu năm, những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo phải có chính sách cụ thể để sống, có cách đào tạo, bồi dưỡng đặc biệt.

“Đề án này phải được chuẩn bị rất kỹ, phải có lộ trình và gắn với sự phát triển đất nước. Lộ trình thực hiện phải áp dụng song song với cả đội ngũ lãnh đạo và giáo viên. Nhưng ưu tiên vào lãnh đạo trước”, TS Lâm góp ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ biên chế giáo viên: Những vấn đề băn khoăn cần giải quyết