Chuyện những gia đình tứ đại đồng đường thời hiện đại (Kỳ 3)

Hồng Hạnh| 19/11/2014 08:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người dân Đội 2, thôn Huỳnh Cung (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) không ai là không biết gia đình bà Nguyễn Thị Phổng – gia đình nổi tiếng với truyền thống văn hóa, tứ đại đồng đường đã mấy chục năm nay.

Từ ngôi nhà cổ cuối làng, nhiều thế hệ con cháu bà Phổng sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi cứ thế gắn bó với mái nhà chung của gia đình. 

“Không đứa nào muốn ở riêng”

Tìm đến nhà cụ Nguyễn Thị Phổng vào một buổi chiều, đúng giờ các cháu nhỏ trong nhà mới đi học về đang ríu ra ríu rít chơi đùa, còn ông bà Soạn – vợ chồng con trai cả cụ Phổng đang cùng nhau thổi cơm, chuẩn bị thức ăn cho bữa tối của gia đình. Người khách lạ lần đầu đến thăm nhà như tôi tự nhiên cũng cảm thấy ấm cúng, xốn xang một tình cảm thân thương đến lạ, thứ cảm giác chỉ có khi người ta đi xa được trở về nhà vào bữa cơm chiều.  

Đón khách, cụ Nguyễn Thị Phổng đưa khách vào trong một căn phòng ngay chính giữa căn nhà ba gian, nơi là phòng thờ, cũng là phòng tiếp khách, sum họp của cả gia đình. Năm nay 87 tuổi, cụ Phổng vẫn nhanh nhẹn, ánh mắt vẫn sáng và nụ cười tươi hiền hậu, nói chuyện với khách rất nhiệt tình dù tai cụ đã không còn nghe rõ. Cụ bảo, có gì muốn hỏi cứ hỏi con trai và con dâu, cụ già rồi tai điếc, chỉ góp vui thôi chứ không nghe được gì.

Gia đình cụ Phổng ở đây đã mấy chục năm, từ ngày ông còn sống, cụ về đây làm dâu, nhà lúc nào cũng đông người. Cụ có 4 người con, 2 con gái đầu đi lấy chồng ở xa, 2 con trai lấy vợ gần, sống chung cả với bố mẹ. Gần đây, do công việc các con thay đổi, chỉ còn lại vợ chồng anh con trai cả, nhưng mỗi dịp cuối tuần, con cái vẫn tề tựu đông đủ, quây quần bên bữa cơm gia đình.

Chuyện những gia đình tứ đại đồng đường thời hiện đại (Kỳ 3)

Các cháu quây quần bên cụ Phổng nghe cụ kể chuyện

Mỗi bữa bà Soạn phải thổi hai nồi cơm. Một nồi dành cho các cháu nhỏ, ông bà thay nhau cho các cháu ăn xong xuôi rồi người lớn mới ăn. Bà Soạn bảo: “Nhà đông người, nếu nấu một nồi cơm thường không ngon vì không chín đều, lúc thì nhão. Tôi cứ phải chia ra hai nồi, vơi hơn nhưng cơm ngon, các con các cháu bữa nào cũng ăn hết sạch”.

Ngày cụ ông còn sống, mọi công việc trong nhà do cụ bà quán xuyến. Từ khi cụ ông mất, toàn bộ việc nhà được giao lại cho ông bà. Ông Soạn chăm lo dạy dỗ con cái, chỉ bảo học hành, bà Soạn lo đi chợ, quản lý chi tiêu trong gia đình. Mỗi tháng, các con đi làm về đóng 3 triệu tiền ăn nên hàng ngày việc chợ búa do một tay bà đảm nhiệm, cân đối, con cái chỉ tập trung công việc, hết giờ làm về phụ giúp bố mẹ một số việc vặt trong nhà.

Căn nhà của gia đình cụ Phổng là sự kết hợp của truyền thống và hiện đại, có cả nhà gỗ ba gian từ đời xưa cùng với nhà ống ba tầng lối kiến trúc mới. Ông bà Soạn và cụ ở nhà giữa, vợ chồng anh cả ở nhà xây bên cạnh, còn bên trái đầu nhà là phòng dành riêng cho các cháu học tập. Bếp nấu được đặt ở góc sân, ở giữa là khoảng sân rộng cho các cháu vui đùa, chơi bóng rổ, chạy đuổi nhau vòng quanh nhà. Căn nhà tuy không khang trang lộng lẫy nhưng rộng rãi, thoáng mát và có đủ phòng cho tất cả các con, là nơi hội họp và trở về, xum vầy đầm ấm.

Tâm sự về sự lựa chọn của con cái khi lập gia đình, bà Soạn bảo rằng, ngày các con lấy vợ, lấy chồng, bà không ép buộc nhưng đứa nào cũng thích được ở cùng bố mẹ, không muốn ra ở riêng. Kể cả con dâu về nhà chồng, một thời gian sau có bảo  ra riêng chúng nó cũng không chịu.

Quan trọng nhất là cha mẹ luôn mẫu mực

Ở một số làng quê hiện nay, không giống như thành phố, lối sống tập thể, nhiều thế hệ cùng chung sống một nhà không phải là một điều quá đặc biệt, nhưng không phải gia đình nào cũng có được sự hòa thuận, êm ấm, con cháu học hành thành đạt, được bà con lối xóm yêu quý, tin tưởng như gia đình cụ Phổng. Nhiều năm nay, gia đình cụ luôn được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương.

Chuyện những gia đình tứ đại đồng đường thời hiện đại (Kỳ 3)

5 năm liền gia đình ông Soạn được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa"

Chia sẻ về bí quyết gìn giữ truyền thống văn hóa trong gia đình, ông Soạn cho rằng, điều quan trọng nhất là cha mẹ luôn phải mẫu mực. Vợ chồng sống với nhau thuận hòa, coi trọng chữ Đức, chữ Hiếu, tránh xa cờ bạc rượu chè, tệ nạn xã hội, như vậy mình nói gì, làm gì con cái cũng nghe và làm theo. Quan điểm của ông là không có sự giáo dục nào hiệu quả bằng việc giáo dục từ ý thức, bởi nếu không có sự nhận thức đúng thì có đánh mắng cũng khó dạy được con. Bởi vậy, sống với nhau đã hơn nửa cuộc đời nhưng vợ chồng ông bà Soạn chưa một lần xảy ra xích mích, lúc nào cũng ân cần quan tâm chăm sóc nhau, là tấm gương sáng cho tất cả các con.

Mỗi khi con cái, anh chị em trong nhà có xảy ra mâu thuẫn, ông Soạn luôn là người ở giữa là cầu nối, cầm cân nảy mực. Có chuyện gì chưa thỏa đáng ông sẽ trực tiếp đứng ra xem xét, phân tích, hòa giải, phê bình thẳng thắn nếu ai có lỗi, không thiên vị ai hơn. Khi thấy con cái có biểu hiện không tốt, cần phải nhắc nhở, ông chọn cách khéo léo, tế nhị là gọi con ra uống trà, rồi bố con cùng tâm sự riêng tư, nhắc nhở con thay đổi, sửa chữa để không mắc phải sai lầm. Ở ngoài đời, cuộc sống dạy con bằng những thất bại, va vấp, còn ở nhà, ông dạy con qua những câu chuyện bên chén trà, nhẹ nhàng nhưng thấm thía.

Cũng chính bởi vậy, các con ông Soạn ai cũng sợ nhất là khi được bố gọi… uống trà, đó là lúc ai cũng tự giật mình kiểm điểm lại bản thân xem mình có điều gì chưa tốt để bố nhắc nhở.

Còn bà Soạn, người phụ nữ có vị trí trung tâm trong nhà, vừa là con dâu, nhưng cũng là mẹ chồng của hai nàng dâu. Để giữ không khí gia đình luôn vui vẻ đoàn kết, theo bà không cần thiết phải có những phép tắc cứng nhắc. Trong gia đình, bà luôn bảo con cháu, phải yêu thương, tin tưởng, tôn trọng nhau, có gì không phải hãy trực tiếp bày tỏ để không xảy ra hiềm khích thì mọi người mới giữ được sự hòa thuận, đoàn kết với nhau. Không thể tránh khỏi những lúc mâu thuẫn nhưng theo bà, có những lúc chưa hiểu nhau để rồi sau đó mọi người sẽ tìm ra được tiếng nói chung, chứ không thể lúc nào cũng đẹp như viên ngọc không tì vết được.

Đối với mỗi thành viên trong nhà, bữa cơm gia đình trong suy nghĩ của họ luôn được coi trọng và có ý nghĩa đặc biệt. Mọi người dù có bận rộn đến mấy vẫn luôn duy trì thói quen dành thời gian gần gũi bên nhau, cùng thư giãn, giải trí, thỉnh thoảng cả nhà còn thuê ô tô đi chơi xa để các cháu có thêm những trải nghiệm thú vị bên người thân trong gia đình. Đó tưởng chừng như là những việc quá đỗi đơn giản, bình thường, nhưng khá nhiều gia đình hiện đại ngày nay đã vô tình bỏ quên, hoặc chưa có đủ thời gian để nhận ra những yếu tố then chốt để duy trì hạnh phúc gia đình. 

Chuyện những gia đình tứ đại đồng đường thời hiện đại (Kỳ 3)

Đại gia đình cụ Nguyễn Thị Phổng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện những gia đình tứ đại đồng đường thời hiện đại (Kỳ 3)