Chuyện những gia đình tứ đại đồng đường thời hiện đại (kỳ 2)

Huy Hùng| 17/11/2014 05:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tùy theo khả năng của mỗi người lại được phân chia công việc phù hợp. Dù làm ở vị trí nào nhưng mọi người đều được thụ hưởng theo nguyên tắc công bằng, minh bạch.

Gia đình nổi tiếng giàu có

Gia đình “tứ đại đồng đường” với 24 người sống cùng nhau trong 5 căn biệt thự liền kề ở Yên Mỹ- Hưng Yên không chỉ nổi tiếng về giàu có mà còn đặc biệt bởi cách sống “không giống ai” của dòng họ này.

Đó là cuộc sống của đại gia đình ông Nguyễn Văn Giáo (75 tuổi) ở xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Khu nhà của gia đình ông Giáo có thể xem là lớn nhất ở xã Yên Phú bởi nó trải rộng trên hơn 2.500m².

Nhìn từ xa, 5 ngôi biệt thự giống y chang nhau trên cùng một mảnh đất trông khá đồ sộ. Nếu không để ý dễ khiến người khác lầm tưởng là một khu chung cư hay một khu biệt thự nhà vườn mọc giữa làng quê.

Chuyện những gia đình tứ đại đồng đường thời hiện đại (kỳ 2)

Ông Giáo và hàng chục giấy khen của các thành viên đại gia đình được treo tại gian thờ tổ tiên. (Ảnh Ngọc Khánh)

Cả 5 biệt thự trên khu đất rộng hơn 2.500m2 được gia đình ông xây dựng từ năm 2006 đến 2009 mới xong. Đặc biệt thiết kế của 5 căn biệt thự này đều giống nhau hoàn toàn từ trong nhà cho đến gian bếp.

Theo như dụng ý của ông Giáo thì giữa các ngôi nhà không được có bất cứ một cái gờ nào vì điều đó thể hiện sự đoàn kết của gia đình, chỉ cần xây một hàng gạch ngăn cách giữa các ngôi nhà thôi cũng cho thấy sự xa cách anh em. Ngôi nhà của người con trai trưởng được đặt ở giữa biểu trưng cho vai trò “thủ lĩnh” che chở, dẫn dắt các em.

Phía trước ngôi nhà là khoảng sân rộng trưng một rừng cây cảnh đủ loại tạo ra một không gian thoáng đãng và trong lành. Đồng thời đó cũng là sân chơi chung của tất cả các thành viên trong gia đình. Cứ chiều đến ai nấy đi làm về đều ra sân vui vẻ chơi đùa, quây quần bên nhau.

Tiền về một túi, cơm chung một nồi

Gia đình 4 thế hệ của ông Nguyễn Văn Giáo gồm 24 người vẫn ngày ngày ăn chung, tiêu tiền chung nhưng vẫn giữ được không khí đầm ấm, hòa thuận. Ông bà Giáo có 7 người con (5 trai, 1 gái và một anh con nuôi), 13 cháu nội ngoại và 3 chắt.

Nguồn thu nhập của đại gia đình ông Giáo trông vào một xưởng mộc, một cửa hàng bán quần áo và đồ dùng thể thao, vài sào ruộng và mới đây gia đình cũng mở thêm một cửa hàng bán vật liệu xây dựng mang tên Công ty sản xuất và kinh doanh Thành Đạt.

Các thành viên của đại gia đình đều làm chung việc với nhau. Nhưng điều đặc biệt nhất chính là toàn bộ số tiền thu được của mọi người lại rót về một túi. Ông phân chia theo cách “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.

Tùy theo khả năng của mỗi người mà ông có cách phân chia công việc phù hợp. Dù làm ở vị trí nào nhưng mọi người đều được quán triệt tinh thần làm việc và thụ hưởng theo nguyên tắc công bằng, minh bạch. Do đó, đã mấy chục năm qua với 24 nhân khẩu của 4 thế hệ con cháu trong nhà không bao giờ có chuyện tị nạnh, to tiếng tranh phần hay phàn nàn về việc chia chác tài sản trong nhà.

Ông kể: “Dạo trước, có người con muốn ra ở riêng tôi liền cầm cả nắm đũa bẻ trước mặt các con nhưng không được. Sau đó tôi đặt nắm đũa xuống mâm rồi bẻ gãy từng cái một cách dễ dàng. Sau lần ấy, không ai muốn ra ở riêng nữa. “Chỉ có tình đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau mới có thể vượt qua được những cản trở, khó khăn trong đời sống thôi. Ông bà, bố mẹ như cái gốc, con cháu như cái cành. Gốc có chắc, cành lá mới xanh”.

Không chỉ ở chung, tiêu tiền chung, gia đình ông Giáo còn có truyền thống "ăn cơm một nồi”. Mặc dù cuộc sống có nhiều thay đổi, những gia đình có 3 - 4 thế hệ cùng chung sống ít dần đi. Nhiều người trẻ thích tách ra ăn riêng, ở riêng nhưng ở gia đình ông Giáo thì những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam vẫn được gìn giữ.

Truyền thống ăn cơm chung này đã có từ thời bố ông Giáo. Ông đã gây dựng thành nếp nhà và dày công gìn giữ, vun đắp. Đến giờ những giá trị ấy vẫn được gìn giữ. Hằng ngày, cứ đến chiều tối là các con, cháu chắt lại về nhà tụ tập ở bếp ăn tập thể để dùng bữa. Đồ ăn đã được chuẩn bị sẵn, ai đến trước ăn trước, ai đến sau ăn sau.

Hiện tại việc nội trợ thường ngày đều được giao cho vợ ông Giáo và các con dâu trong nhà. Cứ trưa đến mọi người sắp xếp công việc để về nấu cơm, ai về trước thì nấu trước, ai về sau nấu sau, nếu về muộn quá chỉ việc xếp hàng cùng mọi người vào ăn sau đó sẽ tự giác đi rửa bát chứ không ai tỵ nạnh ai.

Các thành viên trong gia đình chia sẻ: "Gia đình đông thế hệ trong sinh hoạt đôi lúc không tránh khỏi va chạm, nhưng vì danh dự gia phong, vì bố mẹ, con cháu nên ai nấy đều biết ý, làm tấm gương mẫu mực để con cháu noi theo nên mọi chuyện trong nhà đều giải quyết ổn thỏa… ít xảy ra những điều to tát”.

Duy chỉ có anh trai cả làm trong quân đội hằng ngày anh sáng đi tối về nên chỉ ăn cơm cùng mọi người trong gia đình bữa tối, còn thường ngày tất cả các thành viên trong gia đình cứ đến giờ là xếp hàng dài quây quần cùng nhau ăn cơm. Bữa cơm luôn vui vẻ và đầy ắp tiếng cười.

Vì được thừa hưởng nề nếp, gia phong của gia đình nên tất cả thành viên trong “đại gia đình” luôn biết sống đoàn kết, cư xử đúng mực, hòa thuận trong tình nghĩa anh em, trong ấm ngoài êm.

Từ những năm 1990, gia đình ông đã được UBND tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Yên Mỹ tặng danh hiệu "Gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”. 

Đây là một “nếp nhà” đáng được lưu giữ khi những gia đình theo mô hình truyền thống như này đang ngày càng mai một và biến mất trong thời buổi kinh tế thị trường ngày nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện những gia đình tứ đại đồng đường thời hiện đại (kỳ 2)