Vụ Trưởng Công an xã đá hàng hóa của dân: Vượt quá giới hạn công vụ

Đỗ Việt| 05/10/2017 06:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các chuyên gia pháp lý khẳng định hàng hóa mang bày bán là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người dân.

Việc cán bộ “đá hàng hóa” của người dân là vượt giới hạn công vụ và vi phạm pháp luật, làm xấu đi hình ảnh người cán bộ, công chức trước nhân dân.

Nhiều vụ người bán hàng rong vi phạm bị “đối xử tệ”

Sáng 3/10, hình ảnh người đàn ông mặc thường phục là Trưởng Công an xã đã có hành động đá văng hàng hóa của người dân bày bán ở lề đường xã Quảng Điền, huyện Krông, Ana (Đắk Lắk) được chia sẻ trên mạng xã hội gây sự chú ý của nhiều người. Hành động đá văng các hàng hóa, đồ đạc của người dân đã khiến nhiều người có mặt tại đây bức xúc nên đã dùng điện thoại ghi lại.

Vụ Trưởng Công an xã đá hàng hóa của dân: Vượt quá giới hạn công vụ

Trưởng Công an xã Quảng Điền quát tháo, đá văng hàng hóa của người dân khi đi dẹp lấn chiếm lề đường

Được biết, nhóm Công an xã Quảng Điền thực hiện việc dọn dẹp lòng lề đường đoạn qua chợ trung tâm xã theo chỉ đạo của UBND xã.

Trả lời báo chí, ông Võ Vinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Điền cho biết, việc dọn dẹp lòng, lề đường tại địa phương là việc làm thường xuyên. Tuy nhiên, sau khi dọn dẹp người dân lại lấn chiếm trở lại khiến Trưởng công an xã bức xúc. Ông Vinh cũng thừa nhận chủ trương dẹp lòng lề đường là đúng nhưng cách ứng xử của cán bộ như thế là chưa hợp lý.

Đây không phải là trường hợp cá biệt, trước đó đã từng xảy ra nhiều sự việc người bán hàng xong bị “đối xử tệ”, thậm chí bị đánh đến mức phải nhập viện. Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Đình Mẫn (trú thôn Bầu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà, TP Hội An) bị đánh gãy xương, dập môi hàm.

Cụ thể, vào khoảng 20h ngày 10/6, khi vợ chồng ông Nguyễn Đình Mẫn (trú thôn Bầu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà, TP Hội An) đang bán chè trên vỉa hè đường Lê Lợi thì bị Đội trật tự đô thị phường Minh An, TP Hội An đến xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè buôn bán.

Lúc này giữa hai bên phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến xô xát. Chưa dừng lại ở đó, khoảng 21h cùng ngày, khi ông Mẫn điều khiển xe máy đi mua đá cho vợ trên đường Phan Châu Trinh, đến địa điểm cách trụ sở Công an phường Minh An 50m thì tiếp tục bị 3 cán bộ thuộc đội trật tự đô thị phục đánh.

Hậu quả, ông Mẫn bị gãy cung sau xương sườn số 10, dập môi hàm và gãy ngón chân cái của bàn chân trái. Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ việc, cuối tháng 9 vừa qua, Viện KSND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án.

Hay sự việc mới đây, một cán bộ trong Đội tự quản của phường Khương Đình, (Thanh Xuân, Hà Nội) có hành động phản cảm khi ném chiếc cân đồng hồ của người phụ nữ bán hàng rong xuống sông Tô Lịch khiến nhiều người phê phán. Và còn rất nhiều những vụ việc tương tự đã xảy khiến dư luận vô cùng bức xúc, làm xấu hình ảnh người cán bộ, công chức với nhân dân.

Mặc dù, việc người dân bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán kinh doanh là vi phạm pháp luật gây cản trở, ách tắc giao thông, tuy nhiên, chuẩn mực ứng xử của cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân đã được Bộ trưởng Bộ Công an cụ thể hóa tại Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10/4/2012 quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân. Cụ thể tại điều Điều 41: “Ứng xử khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật” , “Khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực; không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm”.

Vượt quá giới hạn công vụ

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, luật sư Nguyễn Ngọc Anh, (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết việc “giằng co hàng hóa” hay “đá hàng hóa” của người dân là hành động xấu, có tác hại nhiều mặt trong đời sống xã hội.

Ông Anh phân tích, buôn bán rong là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong. Phạm vi của hoạt động này được quy định tại Chương II Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 16/03/2007 của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng kí kinh doanh.

Tại khoản Khoản 1 Điều 125 luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 nêu rõ, việc tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm chỉ được thực hiện “trong trường hợp thật cần thiết”. Đặc biệt, Khoản 9 Điều 125 nhấn mạnh: “Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản”.

“Đối với người thi hành công vụ cần thực thi đúng quy trình, đúng chuẩn mực mà pháp luật cho phép những gì được làm. Nếu lạm quyền gây ra hậu quả thì phải chịu trách nhiệm về sự lạm quyền đó. Ngoài ra, việc lực lượng thiết lập trật tự không lập biên bản tạm giữ mà chỉ “hốt hàng, ném hàng, đá hàng” của người dân là vượt giới hạn công vụ công vụ và vi phạm pháp luật”, luật sư Anh nhấn mạnh.

Có phải người "từ nhân dân mà ra"?

Đánh giá về hành động của vị Trưởng Công an xã Quảng Điền, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đá bay hàng hóa của người bán hàng rong khi đi dẹp lấn chiếm lòng lề đường, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết những người này hành động thiếu chuẩn mực, không đúng tác phong của người thi hành công vụ và có dấu hiệu vượt quá giới hạn công vụ.

Luật sư Đặng Văn Cường nêu khẳng định, hàng hóa mang bày bán là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người dân – người bán hàng. Nếu hành vi họp chợ không đúng nơi quy định, cản trở giao thông đường bộ thì chính quyền có quyền tạm giữ tài sản nhưng phải lập biên bản và ban hành quyết định hành chính, quyết định này có thể bị khiếu kiện theo quy định pháp luật.

Vụ Trưởng Công an xã đá hàng hóa của dân: Vượt quá giới hạn công vụ

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường

Nếu trong quá trình tạm giữ tài sản mà làm mất mát, hư hỏng thì cơ quan giữ tài sản phải bồi thường cho người chủ sở hữu tài sản. Tài sản đó có bị thu hồi, tiêu hủy hay chỉ bị tạm giữ để xử lý vi phạm hành chính thì phải được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Nếu cán bộ nào được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự, xử lý vi phạm hành chính mà không thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm theo trình tự, thủ tục luật định, gây thiệt hại tới tài sản của công dân thì phải bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm.

“Trong vụ việc nêu trên nếu kết luận của cơ quan có thẩm quyền xác định người có hành vi, thái độ ứng xử không đúng mực gây thiệt hại tài sản của công dân, gây dư luận xấu về hình ảnh của cán bộ, công chức là ông Trưởng công an xã thì vi cán bộ này sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định”, Luật sư Cường cho biết.

Cũng theo Luật sư Cường, tất cả những vụ việc việc “hốt hàng” hay “đá hàng hóa” đều thể hiện thái độ ứng xử, tác phong của cán bộ chưa đúng mực, chưa phù hợp với đạo đức, tác phong của người chiến sĩ Công an nhân dân, đạo đức, tác phong của cán bộ, công chức trước nhân dân. Những hành vi đó thể hiện sự yếu kém trong trình độ, ý thức, tác phong của những người có biểu hiện hành vi đó. Những thái độ, hành vi ứng xử như vậy cần được dư luận lên án và cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức đó kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm để giữ gìn uy tín của các cấp chính quyền, gây dựng, giữ gìn lòng tin trong nhân dân.

Về nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật thì phải công bằng, bình đẳng, ai sai phạm tới đâu thì cần phải xử lý tới đó, gây thiệt hại thì phải bồi thường, lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì phải bị xử lý để đảm bảo tính răn đe và công bằng trong xã hội. Những cán bộ không đủ đạo đức, phẩm chất, không thể giáo dục, cải tạo thì cần phát hiện, loại bỏ ngay khỏi bộ máy nhà nước để đảm bảo trong sạch bộ máy công quyền, giữ gìn uy tín của Đảng và Nhà nước trước nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Trưởng Công an xã đá hàng hóa của dân: Vượt quá giới hạn công vụ