Vụ nước mắm chứa thạch tín: Dư luận bức xúc đòi tẩy chay MASAN và Fivimart

Huy Hùng| 21/10/2016 17:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện dư luận đang có một cuộc tẩy chay với các sản phẩm nước mắm công nghiệp và kêu gọi mọi người nên tin dùng nước mắm truyền thống đã có từ lâu đời.

Nhiều nghi vấn quanh việc công bố nước mắm

Ngày 17/10, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố cuộc khảo sát trên 150 mẫu nước mắm tại 19 tỉnh thành, phát hiện có đến 101 mẫu (chiếm 67,33% số nước mắm được khảo sát) có hàm lượng thạch tín (Arsen) tổng vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có Arsen vượt ngưỡng đều không phát hiện Arsen vô cơ (chất gây độc).

Mặc dù đây mới chỉ là kết quả từ phía VINASTAS mà chưa có kết luận của cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, tuy nhiên thông tin trên đã tạo ra tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng lẫn các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống trên khắp cả nước.

Trả lời về vấn đề trên, các DN nước mắm bức xúc cho biết đây là lần đầu tiên nước mắm truyền thống của Việt Nam đứng trước một sự việc tai hại như thế này. Theo các DN, thông tin không rõ ràng, thiếu chính xác và thiếu căn cứ của Vinastas đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nước mắm truyền thống.

Vụ nước mắm chứa thạch tín: Dư luận bức xúc đòi tẩy chay MASAN và Fivimart

Cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng trước thông tin do Vinastas công bố (Ảnh minh họa)

Mới đây, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, cho biết hiệp hội này đang cân nhắc việc kiến nghị các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và có thể là Bộ Công an làm rõ thông tin nước mắm chứa arsen vượt ngưỡng.

“Thực tế arsen hữu cơ không gây hại vì nằm trong con cá, còn arsen vô cơ không có trong nước mắm. Hiệp hội sẽ kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ hai hoạt chất này” – Ông Tiến cho biết.

Ông Tiến chỉ rõ, quy trình sản xuất nước mắm truyền thống chỉ có nguyên liệu cơ bản là nước, muối, cá lên men khoảng 8 – 10 tháng. Arsen chứa nhiều trong cá nguyên liệu thì tất nhiên phải có trong nước mắm. Nếu nước mắm không có arsen thì không phải làm từ cá.

Theo các chuyên gia, arsen trong tự nhiên tồn tại ở hai dạng: arsen vô cơ và arsen trong hợp chất hữu cơ. Arsen vô cơ là chất gây hại, còn arsen hữu cơ thì không. Arsen hữu cơ được tìm thấy ở nhiều loại động vật và thực vật, đặc biệt có nhiều trong cá, tôm, thủy hải sản.

Việc Vinatas đánh đồng việc so sánh giữa hàm lượng arsen (tổng hợp) trong các mẫu nước mắm được khảo sát với hàm lượng arsen vô cơ được phép có trong nước chấm theo quy chuẩn, để đưa ra kết luận rằng các mẫu mắm vượt ngưỡng quy định có thể xem là chưa chính xác.

Đúng ra cơ quan này sẽ phải nêu rõ, hàm lượng arsen vô cơ có trong các mẫu nước mắm khảo sát là bao nhiêu, có vượt quy định về hàm lượng arsen vô cơ trong nước chấm mà Bộ Y tế yêu cầu hay không.

“Quy chuẩn Việt Nam QCVN 8-2:2011/BYT chỉ quy định hàm lượng của arsen vô cơ - chất cực độc, vì sao khi khảo sát, VINASTAS lại đưa arsen hữu cơ- chất vốn rất phổ biến trong nước mắm và gần như vô hại- để đánh giá? Nếu đã làm và làm có trách nhiệm, lương tâm thì phải phân tích rõ ràng từng tiêu chí để hướng dẫn cho người tiêu dùng biết chứ không phải mập mờ, lấp lửng kiểu đánh lận con đen như vậy được”, nhiều người tiêu dùng thắc mắc.

Nhiều bạn đọc cho rằng, hiện nay rất nhiều người dân và doanh nghiệp đang sống bằng việc sản xuất nước mắm truyền thống. Việc khảo sát rồi công bố thông tin kiểu này khác gì “giết” nước mắm truyền thống và gián tiếp “giết” người làm nước mắm truyền thống.

Tẩy chay MASAN và Fivimart

Theo khảo sát tại một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội, niềm tin của cả người bán và người mua về nước mắm truyền thống đang bị lung lay sau thông tin Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) phát hiện nhiều mẫu nước mắm có hàm lượng asen vượt ngưỡng.

Cụ thể, tại nhiều siêu thị Fivimart trên địa bàn Hà Nội các loại nước mắm truyền thống đã biến mất khỏi kệ siêu thị. Theo đó, tại khu vực bày bán nước mắm, nước chấm, khách hàng giờ chỉ thấy các loại nước tương, nước mắm công nghiệp chứ tuyệt nhiên không còn thấy bóng dáng của các loại nước mắm truyền thống.

Trả lời truyền thông liên quan vấn đề này, bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng Giám đốc CTCP Nhất Nam, doanh nghiệp sở hữu Fivimart- đã lý giải là "do khách hàng đến và làm ầm ĩ trong siêu thị" nên siêu thị phải ngừng bán.

Những người bảo vệ nước mắm truyền thống và quen dùng nước mắm truyền thống cho rằng Fivimart nghe lời của bên ít tiếng nói trên thị trường, quay lưng với bên kia khi mọi sự chưa rõ ràng.

“Bấy lâu nay tôi vẫn tin tưởng mua hàng của Fivimart vì cho rằng sản phẩm được bày bán ở siêu thị phải trải qua một quy trình kiểm định hết sức khắt khe. Tuy nhiên sau khi siêu thị tự động thu hồi sản phẩm của mình vì có tuyên bố về nước mắm có sức hàm lượng arsen vượt ngưỡng thì tôi cần suy nghĩ lại về quy trình kiểm định hàng hoá của siêu thị này", người tiêu dùng cho biết.

Tiếp đến, chỉ 3 ngày sau đó, 2 thương hiệu nước mắm của Masan là Chinsu và Nam Ngư lập tức được quảng cáo rộng rãi với thông điệp: "Chúng tôi luôn tin rằng nước mắm phải ngon, nhưng trước hết phải an toàn". Đồng thời, quảng cáo cũng cho biết, từ năm 2011, theo Quy định, tất cả các sản phẩm nước mắm Chin-Su, Nam ngư đã công bố và đạt chuẩn an toàn thạch tín (Arsen).

Vụ nước mắm chứa thạch tín: Dư luận bức xúc đòi tẩy chay MASAN và Fivimart

Fanpage trên mạng xã hội được lập ra kêu gọi tẩy chay những sản phẩm nước mắm công nghiệp (ảnh chụp màn hình)

Trước sự việc này, nhiều người nhận định có dấu hiệu câu kết để cố ý tạo thành một chiến dịch truyền thông. Việc này nhằm làm lợi cho doanh nghiệp này gây hại cho doanh nghiệp kia.

“Một “cuộc chiến” giữa các doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đang diễn ra. Chúng ta là người tiêu dùng không nên để bị “dắt mũi”, một độc giả bày tỏ.

Người tiêu dùng ngày càng thông thái, đã từng bước nhận ra chiêu trò của các doanh nghiệp lớn. Hiện trên mạng xã hội đang có một cuộc tẩy chay với các sản phẩm của nhà cung cấp sản phẩm nước mắm tham gia chiến dịch “truyền thông bẩn” lần này.

Những lời kêu gọi được lan truyền trên mạng xã hội với nội dung: "Chúng ta hãy tẩy chay những sản phẩm nước mắm công nghiệp vì chiêu trò bắt tay nhau dìm hàng nước mắm truyền thống bằng thủ đoạn như vậy. Hãy cho họ một bài học về sự cạnh tranh không lành mạnh". "Vinastas cần chịu trách nhiệm và phải xin lỗi trước công chúng nói chung, những nguời làm nghề mắm truyền thống bao đời nay nói riêng"...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ nước mắm chứa thạch tín: Dư luận bức xúc đòi tẩy chay MASAN và Fivimart