Vô tư trồng cần sa

congly.com.vn| 13/04/2012 11:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gần đây, nhiều mảnh vườn trồng cần sa liên tục bị phát hiện ở các tỉnh Tây Nguyên. Người dân vô tư trồng bởi tưởng đây chỉ là cây dược liệu.

Hơn 2.300 kg cần sa thu giữ tại trụ sở Công an huyện Đăk Song

Làm chuyện phạm pháp mà không biết!

Từ đầu năm 2011 đến nay, Công an 2 hai tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông phát hiện hàng chục vụ tàng trữ và trồng trái phép cần sa - loại cây có chứa chất ma túy gây nghiện, với quy mô lớn. Qua quá trình điều tra, đã thu giữ hàng nghìn kg cần sa tươi và khô, nhiều đối tượng bị khởi tố. Trong số đó, Nguyễn Văn Chương, 34 tuổi, trú thôn 2, xã Đăk R’la, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông đã phải nhận mức án 18 năm tù giam vì đã dụ dỗ, lôi kéo hàng chục hộ dân trồng cần sa trong thời gian dài để thu mua với số lượng lớn, tuồn cho “thị trường đen” tiêu thụ.

Mới đây, ngày 3-8, nhận được tin báo của người dân, Công an huyện Ea H’leo, Đăk Lăk phát hiện hơn 2.000 cây cần sa cao khoảng 2m được trồng trên diện tích 2.500m2 ở thôn 9, xã Ea Khanh. Chủ vườn tên thường gọi là Bảy Nhồng, ở Đồng Nai lên Đăk Lăk làm ăn, đã thuê lại đất của một người dân địa phương với giá 4 triệu đồng. Nhưng Bảy Nhồng không trồng cây nông nghiệp mà lại trồng cần sa để làm giàu nhanh chóng. Bảy Nhồng đã bỏ trốn khỏi địa phương. Theo nhiều người nhận định, nếu số cần sa này được tẩu tán ra ngoài thì giá trị của nó có thể lên tới vài trăm triệu đồng.

Trước đó, chiều 29-7, Bộ đội biên phòng Đồn 763 phối hợp với Công an huyện Đăk Song và UBND xã biên giới Thuận Hạnh, tỉnh Đăk Nông phục kích và thu giữ hơn 2.300 kg cây cần sa đang lên xanh tại rẫy bắp của ông Bùi Xuân Lực, 47 tuổi, trú thôn Thuận Hải và ông Nguyễn Văn Bình, 36 tuổi, trú thôn Thuận Bắc, xã Thuận Hạnh. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm tại nhà ở của đối tượng Nguyễn Văn Bình hàng trăm cây cần sa non, thu gom hơn 4 kg. Năm 2010, các đối tượng đã trồng cây cần sa ở đây và bán được hơn 10 triệu đồng, nhưng người dân cũng như chính quyền địa phương không biết đó là cây cần sa.

Đại úy Lê Mạnh Nam, Phó Trưởng Công an huyện Đăk Song cho biết: “Sau khi có kết quả giám định ở Tp. Hồ Chí Minh, biết chắc đó là cây cần sa, chúng tôi mới phối hợp chính quyền địa phương thu giữ cây và bắt giữ các đối tượng. Bước đầu, các đối tượng khai nhận tưởng đó là cây “cao ích mẫu” nên trồng để bán cho người ta làm thuốc.

Cán bộ cũng không biết!

Xung quanh vụ phát hiện hơn 2,3 tấn cần sa ở huyện Đăk Song (Đăk Nông), ông Nghiêm Xuân Dưng, Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh cho biết: “Vì lâu nay chưa có đợt tuyên truyền nào về cây cần sa nên cả cán bộ và nhân dân đều không hề biết cây cần sa như thế nào. Trước khi vụ việc được phát hiện, Trưởng thôn Thuận Hải - ông Đoàn Văn Vụ đã đến tận rẫy, nghe người ta nói đó là cây thuốc nam cao ích mẫu. Chiều 29-7, địa phương đã huy động 70 người gồm cán bộ, nhân viên của xã đi nhổ cây cần sa, đồng thời xem kỹ cây lá để tuyên truyền lại cho người dân”.

Thượng tá Lâm Xuân Trung, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm ma túy Công an tỉnh Đăk Lăk cho biết: “Dù lý do gì đi nữa, việc trồng cây cần sa là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý. Ở Tây Nguyên, do địa hình cách trở, đồi núi vắng người qua lại, dân trí còn thấp và một số người hám lợi nên bị các đối tượng xấu ở các tỉnh khác đến dụ dỗ trồng cây cần sa”.

Một số cơ quan Công an cho biết, việc xác định nguồn cung cấp hạt giống và các “đầu nậu” thu mua cần sa gặp không ít khó khăn do chúng hoạt động hết sức tinh vi. Mặt khác, trước khi kiểm tra, thu giữ thì cần phải đưa đi Tp. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội giám định nên tốn khá nhiều thời gian trong khi các vụ việc trồng cây cần sa đang “nóng” lên từng ngày.

Lê Kiến

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vô tư trồng cần sa