Về đất Chín Rồng “ngắm” chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long

Tuấn Anh| 13/02/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài chức năng là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa, còn là điểm tham quan độc đáo, hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến đây.

Miền núi phía Bắc có chợ tình Sapa, có các phiên chợ vùng cao một tháng họp đôi lần; hoặc các làng quê đồng bằng Bắc bộ họp chợ dưới cây đa, bến nước sân đình với phong cách sinh hoạt của cư dân không trộn lẫn vào đâu được, thì đặt chân đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ, một nét đặc sắc chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long cũng chẳng ở đâu có…

Đồng bằng sông Cửu Long hay còn gọi là miền Tây Nam Bộ là phần châu thổ sông Mê Kông, rộng lớn và trù phú, gồm 13 tỉnh, thành phố (An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long). Nơi đây được mệnh danh là vùng đất “Chín Rồng” có con nước lớn tràn bờ, nước ròng phơi bãi; có ghe thuyền sinh hoạt ngày đêm xuôi ngược trên sông... hình ảnh đó có tự ngàn xưa và đến hôm nay vẫn vậy. Tại đây, trên các sông ngòi, kênh, rạch, có phương tiện vận tải thủy với các hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa diễn ra tấp nập, người ta gọi là chợ nổi.

Chợ nổi nhóm họp cả ngày, nhưng đông nhất là vào buổi sáng, khi trời còn mát, sương giăng bảng lảng mặt sông và nắng hãy còn dìu dịu. Đi chợ nổi phải đi thật sớm. Bởi khi mặt trời lên cao, bắt đầu nắng gắt, là chợ vãn khách rồi. Chợ nổi thường nằm ở giao điểm của các con sông và hoạt động tự phát. Chợ nổi được hình thành do có sự góp phần của những thương hồ buôn bán trên sông, cùng với những người nông dân làm vườn tại địa phương và một số người buôn bán nhỏ lẻ ở địa phương mà thành. 

Về đất Chín Rồng “ngắm” chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long

Treo bẹo, cách quảng cáo sản phẩm trên ghe độc đáo ở chợ nổi

Địa điểm có chợ nổi phụ thuộc vào những yếu tố, như khúc sông họp chợ không rộng quá mà cũng không hẹp quá, không cạn quá mà cũng không sâu quá. Nếu sông sâu quá, lớn quá thì không thể neo đậu ghe, xuồng một cách dễ dàng và rất nguy hiểm cho người tham gia mua bán trên sông. Còn nếu quá hẹp thì không tiện cho việc neo đậu ghe, xuồng và lưu thông… 

Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài chức năng là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa, còn là điểm tham quan độc đáo, hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến đây. 

Các ghe bán treo hàng nông sản họ cần bán lên một cây sào gọi là cây bẹo, sản phẩm họ buộc lên đó gọi là treo bẹo. Khi cần bán hàng gì, người ta dựng một cây sào ở mũi ghe và treo sản phẩm mình muốn bán lên đó. Người cần mua chỉ việc lái xuồng, ghe quan sát từ đằng xa là tìm đến được nơi họ cần giao dịch. Có cây bẹo treo tới mười mấy món nông sản đến nỗi nó oằn xuống như bông lúa trông thật đẹp mắt và ấn tượng. 

Vào những ngày giáp Tết, chợ nổi còn có thêm một số mặt hàng không thể thiếu đó là các loại hoa và cây cảnh (kiểng). Hoa, cây cảnh ngày Tết ở chợ nổi thường là các loại hoa cúc, mai vàng… 

Để phục vụ cho hoạt động mua bán trên sông được thuận lợi, ngoài các mặt hàng nông sản, cũng có thể mua được ở chợ nổi những mặt hàng như kim, chỉ cho đến các loại thực phẩm, đồ gia dụng. Và quán xá cũng theo người nhóm họp trên sông. Có thể tìm tại đây các món ăn dân dã mang đậm chất Nam Bộ như bánh tét, bánh nếp lá dừa, bánh cam, đậu hũ, bánh phồng, bánh canh ngọt, bánh bột lọc, hủ tiếu vườn... với giá bình dân mà lạ miệng.

Thật thú vị khi ngồi thảnh thơi trên sông, thưởng thức các món ăn thơm ngon đậm đà vừa thoả sức ngắm nhìn những chiếc thuyền chở đầy cây trái đang lướt qua trước mắt... Đã đi chợ nổi đâu dễ quên tiếng ồn ào đặc trưng của chợ nổi - tiếng tành tạch của ghe xuồng đang rẽ sóng, tiếng mặc cả, tiếng mời chào, í ới gọi nhau hối hả... Qua bao đời nay, các chợ nổi nơi đây vẫn giữ nguyên nét sinh hoạt đặc trưng này. 

Là du khách phía Bắc, chắc không mấy ai lại không ước một lần đến với các chợ nổi độc đáo ở Đồng bằng sông Cửu Long. Điều đáng nói là ở Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều chợ nổi, điển hình như: chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang, chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ, chợ nổi Phụng Hiệp - Hậu Giang, chợ nổi Ngã Năm - Sóc Trăng, chợ nổi Long Xuyên - An Giang, chợ nổi Trà Ôn - Vĩnh Long…

Có lẽ nhiều người đã đặt chân đến chợ nổi Cái Bè. Chợ này thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang ở cù lao Tân Phong trên sông Tiền rộng lớn giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Chợ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa, làm trạm trung chuyển trái cây, sản vật đi khắp mọi miền và đồng thời cũng là điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh Tiền Giang.

Về đất Chín Rồng “ngắm” chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long

Chợ nổi Cái Răng

Khác với những chợ nổi bình thường chỉ họp buổi sáng, chợ nổi Cái Bè bắt đầu buôn bán từ sáng sớm đến tối khuya. Khi bình minh vừa lên cũng là lúc chợ nổi đã nhộn nhịp như một phố nhỏ trên sông. 

Còn chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ lại là khu chợ nổi tiếng của mảnh đất Tây Đô thu hút đông đảo lượng du khách ghé đến mỗi khi có dịp du lịch Cần Thơ. Chợ bắt đầu từ 5 giờ sáng, đến 6 giờ. Khi bình minh vừa rạng, ghe thuyền các nơi đã đậu tấp nập và sầm uất. Nét đặc biệt ở chợ này chính là buôn bán các loại trái cây nổi tiếng của vùng đất phương Nam từ bưởi năm roi Vĩnh Long đến quýt hồng Lai Vung hay sầu riêng Cái Mơn…

Chợ nổi Ngã Năm - Sóc Trăng là tên gọi của khu chợ nổi tiếng ở thị trấn Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, nằm ở vị trí giao nhau của năm con sông: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị và Phụng Hiệp. Đây là chợ nổi khá lâu đời và cũng nhộn nhịp nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Khác với những khu chợ nổi khác, chợ Ngã Năm bắt đầu họp từ lúc 3 giờ sáng. Chợ nổi Ngã Năm có hầu hết sản vật của Đồng bằng sông Cửu Long từ các loại gạo nổi tiếng của vựa lúa miền Tây đến các loại rau củ quả của miệt vườn Nam Bộ đến tôm, cua, cá sản vật đặc trưng của vùng sông nước. 

Đến với vùng đất An Giang, du khách lại được hòa vào sông nước với không khí nhộn nhịp của chợ nổi Long Xuyên. Chợ này không lớn như các khu chợ khác nhưng là một điểm du khách nên đến trong chuyến tham quan chợ nổi để tìm về nét bình dị, yên ả, nguyên sơ của con người và sông nước nơi đây. Chợ cách thành phố Long Xuyên khoảng 2 km, nằm dọc theo một bên của dòng sông Hậu đỏ nặng phù sa. Hàng hóa chủ yếu ở đây là các loại hoa màu như: rau, dưa, cà, cải, bí, khoai… và các món ăn vặt nổi tiếng của vùng đất An Giang như bún cá, bánh tầm, bánh da lợn… Điểm đặc biệt là hàng hóa mua bán không thách đố, trả giá. Do đó đây là nơi thích hợp cho các du khách muốn khám phá nét hoang sơ, nguyên bản trong những khu chợ nổi ở miền Tây.

Chợ nổi Trà Ôn là khu chợ nổi cuối cùng nằm trên dòng sông Hậu của huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Đây là một trong những khu chợ tồn tại lâu đời nhất cũng như gắn liền với nhiều nét sinh hoạt văn hóa của người dân trong khu vực. 

Điểm đặc biệt của chợ nổi Trà Ôn là nhóm họp theo con nước, buổi sáng chợ đông đúc nhưng tấp nập hơn là lúc con nước bắt đầu lên, nước càng lớn thì ghe, thuyền càng đông. Do đó du khách dễ dàng khám phá khu chợ này vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Đến đây du khách đừng bỏ quên món ăn đặc sản nổi tiếng là bún bò viên ăn kèm với rau chuối và nghe những điệu hát ngọt ngào của “Tình anh bán chiếu”, “Dạ cổ hoài lang” trên quê hương của nghệ sĩ lừng danh Út Trà Ôn.

Mỗi chợ một vẻ, nhưng cái chung nhất mà ta cảm nhận được, đó là sự ấm nồng, hồn hậu, chất phác của người dân Nam bộ và chính cái chất hồn hậu ấy đã làm nên vẻ đẹp của vùng quê sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần làm nên vẻ đẹp của cả đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất mang dáng hình dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về đất Chín Rồng “ngắm” chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long