Tướng Tô Ký - vị Chánh án "văn võ song toàn"

Lê Hoàng| 23/01/2017 06:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỗi dịp Xuân về, lãnh đạo TANDTC đều đến thăm hỏi, chúc Tết gia đình các đồng chí nguyên là lãnh đạo TANDTC, trong đó bà Nguyễn Thị Cách, phu nhân Thiếu tướng Tô Ký (1919-1999).

Mặc dù sức khỏe yếu nhưng khi nhắc đến người bạn đời nguyên là vị tướng Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Phó Chánh án TANDTC, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, ánh mắt của bà Cách lại rạng rỡ, thể hiện sự tự hào. Trong ký ức của bà, tướng Tô Ký hiện ra thật giản dị, “văn võ song toàn".

Tuổi thanh xuân “dữ dội”

Thiếu tướng Tô Ký sinh tại quê hương “mười tám thôn vườn trầu”, làng Bình Lý, Hóc Môn, Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh) trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Nhà nghèo, học đến primaire (cấp 1) thì Tô Ký phải nghỉ để phụ việc giúp gia đình. Ông sớm nhận ra sự bóc lột tàn bạo của chế độ thực dân và giác ngộ cách mạng, học võ thuật và trở thành một người rất giỏi võ để giúp đỡ người nghèo khổ, hoạn nạn, hỗ trợ đồng chí, đồng đội.

Khi phong trào cách mạng bùng lên, Tô Ký tham gia tổ chức Thanh niên Dân chủ rồi được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 4/1937 và cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng. Trong một lần đi phân phát truyền đơn cổ động đấu tranh, Tô Ký bị mật thám Pháp bắt giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Bị địch tra tấn tàn bạo nhưng ông giữ vững khí tiết, quyết không khai báo điều gì. Bế tắc, Toà án thực dân kết án ông một năm tù và ba năm đày biệt xứ.

Bà Nguyễn Thị Cách nhớ lại: Trong hồi ức ông Tô Ký, những năm 1940 là thời khắc đáng nhớ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người chồng bà kính yêu. Khi khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, thực dân Pháp đàn áp rất dã man, thân sinh của Tô Ký là cụ Tô Nếp cùng các đồng chí bị kẻ thù giam cầm, tra tấn dã man. Lúc Tô Ký đang bị giam cầm trong nhà tù thực dân, sau một cuộc vượt ngục không thành, ông đã chứng kiến cảnh cha mình bị mật thám Pháp tra tấn dã man ở Poste Catinat. Sau đó, chúng bắt xỏ dây kẽm vào lòng bàn tay các chiến sĩ cách mạng, đẩy xuống bốn chiếc xà lan, bí mật nhấn chìm lúc nửa đêm trên sông Sài Gòn, khúc Xóm Chiếu. Thấy cha bị nhục hình và hy sinh, lòng Tô Ký đau đớn vô cùng, thề sẽ chiến đấu để giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ thực dân.

Tướng Tô Ký - vị Chánh án

Chân dung Thiếu tướng Tô Ký

Tuổi thanh xuân “dữ dội” của tướng Tô Ký trong những năm tháng ngục tù để lại nhiều sự cảm phục về sự dũng cảm, nghĩa khí khi ông luôn đứng ra hứng chịu đòn tra tấn thay cho đồng chí của mình trong các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù. Biệt danh “hùm xám” gắn với tên tuổi của Tô Ký từ đó, ông được người dân và đồng đội nhắc đến với niềm mến phục, tự hào.

Sau khi thoát khỏi ngục tù, trong giai đoạn cách mạng 1945, ông Tô Ký hăng say tham gia chiến đấu và thể hiện tố chất lãnh đạo xuất sắc của mình. Ông từng giữ nhiều chức vụ chỉ huy quan trong quân đội, khởi đầu là Chỉ huy trưởng bộ đội Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 312, Tư lệnh đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, sau đó giữ trọng trách Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Gia Định, rồi Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.

Từ năm 1957, ông Tô Ký ra Bắc tập kết và được giao chức vụ Chính ủy - Tư lệnh Sư đoàn 338, Giám đốc Học viện Chính trị Trung cao Quân đội. Năm 1961, ông Tô Ký được thăng quân hàm Thiếu tướng, đến năm 1965, ông giữ chức vụ Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Phó Chánh án TANDTC.

Người anh, người bạn chí tình của đồng đội

Người bạn đời của Thiếu tướng Tô Ký là bà Nguyễn Thị Cách, ông bà đã có 50 năm tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt. Bà Nguyễn Thị Cách sinh ra trong một gia đình Nho giáo tiểu tư sản. Ba đời ông cố, ông nội và cha của bà đều là những người làm nghề dạy chữ Nho, làm thầy thuốc Bắc. Cả gia đình bà có truyền thống sống giản dị, nhân hậu, hay làm việc thiện. Vợ chồng Thiếu tướng Tô Ký gặp nhau trong chiến khu, khi cả hai ông bà đều tham gia kháng chiến. Tháng 3/1949, ông bà đã tổ chức lễ cưới tại vườn cao su Ông Huyện Hãnh, xã Phú Mỹ Hưng, Hóc Môn.

Bà Nguyễn Thị Cách nhớ lại: “Dù ở cương vị công tác nào, trong cuộc sống thường nhật, ông luôn hòa đồng với anh em, dù họ ở cấp bậc, chức vụ nào. Sự giản dị thể hiện qua những bữa cơm, ông cũng kêu hết anh em ra ngồi ăn dưới đất cho vui. Trong thời kỳ ra Bắc tập kết, nhà tôi thường xuyên đông khách. Anh em sắp đi B thường ghé qua tâm sự, chào anh Ký. Anh em ở miền Nam ra cũng tìm tới gặp anh. Tôi mua bánh, kẹo, đồ ăn… bỏ trong tủ. Anh em tới nhà cứ vậy mà mở tủ lấy đồ ra ăn, uống tự nhiên như người nhà. Khách nhiều quá nên mỗi tháng cứ tới ngày 25 là tôi hết sạch tiền. Vậy là đi vay. Ngày 25 vay, ngày 1 tháng sau lãnh lương trả. Sau này, khi gia đình vào sống trong Nam, thường ai có việc gì khó khăn, oan ức hay lấn cấn trong lòng cũng tìm tới nhà gặp anh để nhờ giúp đỡ”. Sự có mặt của ông tại miền Bắc trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, với uy tín và bản lĩnh của một nhà chỉ huy dày dạn trận mạc, ông đã góp phần ổn định và nâng cao tinh thần cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc nóng lòng quay về giải phóng quê hương.

Tướng Tô Ký - vị Chánh án

Lãnh đạo TANDTC chúc tết gia đình bà Nguyễn Thị Cách, phu nhân tướng Tô Ký

Có những câu nói mà bà Nguyễn Thị Cách nhớ mãi, mỗi khi trăn trở điều gì, ông Tô Ký đều tâm sự cùng vợ: “Đã làm cách mạng thì ai cũng phải hy sinh. Miễn sao xây dựng được một lực lượng khỏe mạnh để chống chọi với kẻ thù. Đừng ham vật chất. Cái tình, cái nghĩa mới là quan trọng”. Theo bà, có thể ông Tô Ký sinh ra ở tầng lớp lao động nên ông luôn hiểu và có sự thông cảm sâu sắc với những người nghèo khó. “Cho tới bây giờ, nhiều chị em bán hàng ở chợ Hóc Môn vẫn còn nhắc chuyện ông mua cá của người mua đi bán lại thì anh trả giá, còn mua của người nông dân bắt cá ở đồng ruộng thì ông lại cho thêm tiền”.

Sau khi nghỉ hưu theo chế độ, tướng Tô Ký vẫn tiếp tục cống hiến, ông giữ chức Chủ tịch Hội cựu chiến binh TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam. Hàng ngày, ông vẫn lao động hăng say, gắn bó với đồng ruộng. Hằng ngày ông vẫn dầm mưa dãi nắng đi trồng tiêu, làm cỏ, đi bón phân… như một người nông dân thực thụ. Cho đến dịp Tết năm Kỷ Mão 1999, tướng Tô Ký bất ngờ ra đi vào lúc 5 giờ 30 sáng mồng 2 Tết, nhằm ngày 17/2/1999. Ai cũng tiếc nuối khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, vợ chồng ông bà kỷ niệm 50 ngày cưới, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi suốt một quãng đời gian khó. Ông được tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý như 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất...

Bà Nguyễn Thị Cách tâm sự: Từ sau khi ông mất, cứ đến 5h30 sáng, giờ ông giã từ bà, bà lại nhớ ông quay quắt. Trong tâm khảm của bà, ông là niềm tự hào. Bà kể lại: “Sau khi ông đi rồi, làm việc gì, tôi cũng ráng làm, ráng sống cho trọn vẹn tình nghĩa với anh em, bạn bè, đồng chí, để như được thấy lại nụ cười tươi tắn, cái gật đầu và lời khen ngợi của ông”. Bà tự nhận rằng, mãi mãi bà là học trò của ông, ông cũng là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Bà đã làm những bài thơ với tựa đề “Đời anh như biển cả”, thể hiện tình yêu mãnh liệt với ông: “Anh là người cách mạng -
Cống hiến cả đời
- Cho Tổ quốc non sông -
Được cấp trên tín nhiệm
- Được quần chúng mến yêu -
Đời anh là như thế…”

Thiếu tướng Tô Ký với nhiều chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, vị Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, Phó Chánh án TANDTC giản dị đã trở thành người Anh hùng đất Nam bộ, được người dân mãi yêu mến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lời nhận xét về Thiếu tướng Tô Ký như sau: Anh là Đảng viên trung kiên, dám xả thân vì nghĩa lớn, không sợ cường quyền, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, bè phái, cục bộ địa phương... với tấm lòng công minh cương trực. Anh là một người lãnh đạo và chỉ huy gương mẫu, đầy tinh thần trách nhiệm, miệng nói tay làm, sâu sát chiến sĩ, gần gũi nhân dân, không ngại gian khổ, không sợ khó khăn, đem hết tinh thần và nghị lực để làm tròn nhiệm vụ. Anh đặc biệt giàu lòng nhân ái và tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng giúp đỡ người hoạn nạn khó khăn, quan tâm đến những bất hạnh và khổ đau của người khác, đối xử trọn nghĩa vẹn tình với đồng chí và bạn bè. Đối với Tô Ký, những tháng năm hoạt động cách mạng giành độc lập dân tộc vừa là thời gian khổ, khó khăn nhưng cũng là thời oanh liệt cho một người lính, có trải qua gian nan mới biết bản lĩnh con người…

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tướng Tô Ký - vị Chánh án "văn võ song toàn"