Thái Nguyên: Phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc trong xây dựng nông nghiệp, nông thôn

Nguyễn Cúc| 15/12/2018 08:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong nhưng năm qua, Thái Nguyên đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, hiện đại và văn minh.

Thời gian qua, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả Cuộc vận động 'Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh', góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, đưa Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững và ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng trong các giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam; do vậy Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khoá X) đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã ban hành Chương trình hành động số 25- CTr/TU, ngày 28/10/2008 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) với quyết tâm xây dựng Thái Nguyên thành một tỉnh giàu đẹp, hiện đại và văn minh. Để thực hiện thành công nhiệm vụ đó thì phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn đặc biệt là hưởng ứng phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” là một nội dung rất quan trọng.

Thái Nguyên: Phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc trong xây dựng nông nghiệp, nông thôn

Khu công nghiệp Điềm Bình, Thái Nguyên

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chương trình hành động của Tỉnh uỷ và Kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh đến cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân, thông qua đó truyền tải kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ chế của tỉnh và từng địa phương về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phản ánh, biểu dương, nhân rộng những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết; giới thiệu những điển hình mới, hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt, tạo khí thế thi đua yêu nước sôi nổi, thu hút được sự chủ động tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Bằng việc làm cụ thể, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã nỗ lực vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí trong xây dựng đường giao thông nông thôn; vận động người dân giữ gìn cảnh quan và vệ sinh môi trường; quan tâm, coi trọng tới đánh giá sự hài lòng của người dân trong việc hoàn thiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từ đó góp phần vào mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình phối hợp đã huy động đóng góp của người dân và cộng đồng hiến được 471,8ha đất; huy động từ người dân, doanh nghiệp và các nguồn khác 10.763,1 tỷ đồng, trong đó đóng góp của cộng đồng dân cư 2.699,2 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Bên cạnh việc vận động người dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên còn phối hợp với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các địa phương quan tâm, chăm lo cho hộ nghèo. Trong những năm qua, Quỹ vì người nghèo và An sinh xã hội toàn tỉnh đã huy động được 1.015 tỷ đồng, trong đó Quỹ vì người nghèo các cấp đã huy động được 82,35 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ đã hỗ trợ xây dựng mới hàng nghìn ngôi nhà đại đoàn kết, trao tặng trên 758.000 xuất quà cho các gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội,…góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh đến năm 2017 còn 9% (giảm 8,74% so với năm 2018); tính riêng khu vực nông thôn tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,94% (năm 2008 là 17,74%).

Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp chặt chẽ với Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh hướng dẫn nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện, xã. Thông qua việc lấy ý kiến để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự gắn kết đồng bộ, hiệu quả giữa phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phối hợp thống nhất các chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới kiểu mẫu, xóm nông thôn mới kiểu mẫu và hộ gia đình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020. Đến năm 2017, toàn tỉnh có 279.255/314.122 gia đình được công nhận gia đình văn hoá, đạt 88,9%; có 2.408/3.032 xóm (thôn, làng, bản, tổ dân phố) được công nhận danh hiệu văn hoá, đạt 79,41%.

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khoá XI), hằng năm Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội; tổ chức giám sát theo kế hoạch tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có nội dung liên quan đến giám sát thực hiện chính sách giảm nghèo, thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về hoà giải, giám sát việc giáo dục cảm hoá người lầm lỗi, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội,…Đối với việc vận động nhân dân tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp hướng dẫn nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với các dự án, các nguồn vốn đầu tư, quá trình triển khai, tổ chức thực hiện để tăng hiệu quả, tránh lãng phí trong việc huy động nguồn lực, các nguồn vốn của Chương trình. Bằng các hình thức khác nhau như: giám sát trực tiếp, giám sát thông qua báo cáo, qua phiếu khảo sát, thành lập đoàn để tiến hành giám sát, giám sát qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban công tác Mặt trận khu dân cư, khu dân cư tự quản,…Sau giám sát, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã có báo cáo, kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban, ngành có liên quan có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khoá X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” trong thời gian tới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm đó là:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tham gia xây dựng nông thôn mới trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên các cấp và trong các tầng lớp nhân dân. Nâng cao nhận thức của cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội về vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng những cán bộ Mặt trận và đoàn thể cấp cơ sở có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, nhiệt tình với công tác xã hội, có trách nhiệm với quê hương để nhân điển hình, nêu gương cho quần chúng noi theo.

Tăng cường tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ Mặt trận và các đoàn thể; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc thực hiện quy hoạch xây dựng, thu chi tài chính, đền bù giải phóng mặt bằng, vận động đóng góp của nhân dân đảm bảo công khai, minh bạch. Coi trọng việc giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng theo hướng chú trọng nâng cao năng lực của các thành viên.

Phối hợp thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo hướng thực chất, cụ thể như: xây dựng các danh hiệu trong xây dựng nông thôn mới, nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, chăm lo gia đình chính sách,…xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng, lâu dài nhằm phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong tham gia công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Có thể khẳng định sau 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khoá X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, mục tiêu đầu tiên, quan trọng nhất đạt được đó là đã nâng cao nhận thức một cách sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân về ý nghĩa của công cuộc xây dựng nông thôn, vai trò của nông nghiệp và người nông dân trong tiến trình phát triển đất nước; huy động được sức mạnh, trách nhiệm và công sức của hệ thống chính trị các cấp; nhân dân đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu Nghị quyết; diện mạo nông thôn có bước phát triển mới, đời sống của nhân dân được cải thiện nâng cao, góp phần quan trọng duy trì phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng các cấp ở khu vực nông thôn, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc trong xây dựng nông nghiệp, nông thôn