Tập trung thực hiện các giải pháp để tăng độ bao phủ BHYT

Lan Trần| 01/07/2017 08:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

BHYT là một chính sách xã hội đặc biệt quan trọng mang tính nhân văn sâu sắc. BHYT vừa là một trụ cột cơ bản của chính sách tài chính y tế quốc gia vừa là một trụ cột trong tổng thể chính sách an sinh xã hội.

82% dân số tham gia BHYT

Phát biểu tại Chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng" do BHXH Việt Nam và Bộ Y tế tổ chức vào tối 30/6, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nói: “Đến nay, sau 8 năm thực hiện Luật BHYT, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó là nhận thức của nhân dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành ngày càng được nâng cao; công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT có những chuyển biến rõ nét; việc mở rộng các nhóm đối tượng tham gia BHYT đã được thực hiện khá tốt; chất lượng KCB BHYT từng bước được cải thiện người dân đi KCB hài lòng hơn khi được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe từ nguồn Quỹ BHYT ngay tại cộng đồng dân cư; nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao với mức chi phí lớn đã được Quỹ BHYT chi trả".

Tập trung thực hiện các giải pháp để tăng độ bao phủ BHYT

Từ 5,6% dân số năm 1993, đến nay cả nước đã có 82% dân số tham gia BHYT

Tính đến nay, cả nước đã có trên 76 triệu người tham gia BHYT và 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã có khoảng trên 75 triệu lượt người KCB được quỹ BHYT chi trả.

Theo kế hoạch phát triển BHYT toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, cả nước sẽ có trên 90% dân số tham gia BHYT. Để đạt mục tiêu này, BHXH Việt Nam chú trọng phát triển đối tượng tham gia BHYT, đồng thời với việc mở rộng mạng lưới đại lý thu. Hiện nay, cơ quan BHXH đã ký với gần 9.900 tổ chức gồm 33.000 nhân viên tại 28.000 điểm thu trải khắp cả nước để người dân dễ dàng tiếp cận.

Phát biểu tại chương trình "Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói :“Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng BHYT nhằm giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh ”. Người đứng đầu Chính phủ cũng hoan nghênh, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của các cấp, các ngành, nhất là những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và BHXH trong thực hiện chính sách BHYT thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định chủ trương phát huy vai trò của BHYT và tiến tới BHYT toàn dân được thể hiện nhất quán trong các nghị quyết của Đảng và từng bước được thể chế hóa tập trung chỉ đạo thực hiện. Năm 2008, lần đầu tiên Luật BHYT được ban hành, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho triển khai thực hiện tiến tới BHYT toàn dân.

Nhờ sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành y tế, ngành BHXH và sự đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện chính sách BHYT đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tỉ lệ người tham gia BHYT tăng nhanh, từ 5,6% dân số năm 1993 lên 63,7% năm 2011 và đến nay là trên 82%. Phạm vi, quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hệ thống thông tin giám định đã liên thông trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong toàn quốc.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách về BHYT

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách BHYT vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Theo Thủ tướng, để phát triển chính sách BHYT bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân và xã hội, thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp tăng độ bao phủ BHYT, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 trên 90% dân số nước ta tham gia BHYT.

Cụ thể, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quán triệt sâu sắc về vai trò quan trọng của BHYT, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tham gia BHYT theo diện gia đình, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia BHYT; cơ chế quản lý Quỹ BHYT hiệu quả, phòng chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm bình đẳng việc khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân.

Cùng với việc hoàn thiện chính sách về BHYT là đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ khám chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức thực hiện; chia sẻ sử dụng thông tin hiệu quả giữa các cơ sở y tế.  Xây dựng chế tài chặt chẽ để yêu cầu các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phải đóng BHYT theo Luật BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT, các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.

Bộ Y tế cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là tại các tuyến y tế cơ sở, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tạo điều kiện để các bệnh viện tư nhân tham gia chăm sóc, khám chữa bệnh bằng BHYT, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm tình trạng lãng phí. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, mua sắm sử dụng thuốc và vật tư y tế theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, công khai, minh bạch. 

Các cấp, các ngành cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách và pháp luật của BHYT, bảo hiểm xã hội, để người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị, hiểu về lợi ích, trách nhiệm và quyền lợi để chủ động tích cực tham gia BHYT. 

Cũng tại “Chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nhiệt tình tham gia hỗ trợ, mua và tặng thẻ BHYT cho những người dân đang còn gặp khó khăn, giúp họ có được chỗ dựa khi ốm đau, bệnh tật. Đây cũng là sự thể hiện truyền thống tốt đẹp "lá lành đùm lá rách" của người Việt Nam.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung thực hiện các giải pháp để tăng độ bao phủ BHYT