Quyền tự do báo chí: Tự do trong khuôn khổ pháp luật

Bạch Dương| 05/10/2016 18:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bên cạnh trách nhiệm của một nhà hoạt động xã hội, mỗi nhà báo chân chính còn là công dân của một quốc gia, được hưởng đầy đủ các quyền cũng như phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mỗi công dân...

1. Tự do, theo cách hiểu thông thường của nhiều người, đó là quyền (của một cá nhân) được làm điều mình muốn mà không phải chịu một sự cưỡng ép hay bị ràng buộc bởi một mệnh lệnh nào. Tự do, ấy là một giá trị mà con người luôn hằng kiếm tìm, chinh phục. Giá trị sống mang tên Tự do vô cùng quý giá, quan trọng, và có ý nghĩa đối với cuộc sống mỗi người, là động lực để con người nỗ lực phấn đấu để đạt được. Song mỗi người lại là một cá thể riêng biệt, và vì thế giá trị sống cũng mang tính cá nhân. Các cá thể khác nhau không mang giá trị sống giống nhau.

Trong tác phẩm triết học nổi tiếng Bàn về tự do (On Liberty), nhà triết học thực chứng người Anh John Stuart Mill đã đưa ra quan điểm đáng suy ngẫm về hai chữ “tự do”. Theo ông, con người cần những điều kiện khác nhau cho sự phát triển tinh thần nên họ cần sự tự do cá nhân để phát huy hết tiềm năng của mình, và được hoàn toàn tự do trong những việc tác động lên riêng cá nhân mình. Và như vậy, chiếu theo quan điểm của J.S. Mill, tự do của cá nhân này không có nghĩa là được phép/có quyền có hành vi xâm phạm (chà đạp lên, gây tổn thương cho) tự do của cá nhân khác.

Quyền tự do báo chí: Tự do trong khuôn khổ pháp luật

Quyền tự do báo chí: Tự do trong khuôn khổ pháp luật. (Ảnh minh họa)

2. Một trong những quyền căn bản nhất của con người được hầu hết các quốc gia công nhận bằng văn bản luật là quyền tự do báo chí hay tự do thông tin, chẳng hạn như bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền - văn bản nền tảng của Cách mạng Pháp (1789), hay Tuyên ngôn Nhân quyền của Hoa Kỳ (1791). Tuy nhiên, quyền tự do, trong đó có tự do báo chí, theo lý giải của J.S. Mill ở trên, “được giới hạn” trong phạm vi những việc chỉ tác động lên quyền lợi của chính cá nhân. Đó không phải là tự do vô hạn dẫn đến việc xâm phạm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, nhà nước; và những hành vi vượt ngoài ranh giới (cá nhân) thì cần phải được hoặc bị chính quyền quản lý bằng pháp luật, hay xã hội gây sức ép bằng công luận.

Tại Điều 29 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền - bản Tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 10/12/1948 tại Paris, Pháp và đã được dịch ra ít nhất 375 ngôn ngữ, thừa nhận: “Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”.

Ngay một quốc gia vốn được coi là địa hạt của tự do báo chí - mà trong suy nghĩ của nhiều người là “không giới hạn” - như nước Mỹ thì báo chí tự do cũng được đặt trong một khuôn khổ quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 2385, Chương 115 Bộ luật Hình sự nước Mỹ đã ghi rõ: “Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá và mọi hình thức vận động, xúi giục lật đổ, tiêu diệt chính quyền bất kỳ cấp nào”. Và theo Đạo luật “Phản loạn” được quốc hội Mỹ thông qua năm 1798, “việc viết, in, phát biểu sai sự thật, cố ý chống chính quyền sẽ bị truy cứu hình sự”. Hay nước Pháp, mặc dù trong tiến trình Cách mạng 1789, quyền tự do báo chí được công nhận tại Điều 11 Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, thì sau đó Đạo luật về Tự do báo chí năm 1881 cũng đã xác lập “giới hạn” trong tự do báo chí, bằng việc đưa ra các định nghĩa về tội phạm báo chí.

3. Nhắc đến vấn đề tự do báo chí trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố gây ra mối đe dọa trên quy mô toàn cầu như hiện nay, cộng đồng quốc tế yêu tự do, hòa bình hẳn không thể quên cuộc bạo động trên xảy ra tại hàng chục quốc gia Hồi giáo trên thế giới cách đây vài năm mà nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ bộ phim “Sự ngây thơ của các tín đồ Hồi giáo” ra đời năm 2012 ở Mỹ có nội dung… “báng bổ” đạo Hồi.

Có lẽ cũng khó ai có thể quên một nước Pháp từng bàng hoàng bởi tiếng súng của những kẻ Hồi giáo cực đoan đã cướp đi mạng sống của các thành viên Tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo vào ngày 7/1/2015 - ngày được xem là đen tối nhất trong lịch sử báo chí Pháp. Trong khi Charlie Hebdo khẳng định họ sống tại Pháp và có quyền tự do báo chí theo luật pháp nước Pháp chứ không theo luật của đạo Hồi, thì cũng ngay tại nước Pháp, có tới gần 50% người dân phản đối hành động Ban biên tập tờ báo châm biếm này khi vẫn tiếp tục vẽ những bức hình biếm họa Nhà tiên tri Mohammed - mà với các tín đồ Hồi giáo, đó là sự “nhạo báng” đấng tối cao của chính họ.

Nếu không lầm, ngay trước khi xảy ra sự kiện thảm sát tại Tòa soạn báo Charlie Hebdo, Giáo hoàng Francis cũng đã khẳng định: “Tự do báo chí không phải vô giới hạn khi tự do đó xúc phạm tới tín ngưỡng tôn giáo”. Và, một lần nói chuyện với nhà báo Dương Xuân Nam về câu chuyện liên quan đến Charlie Hebdo, khi bàn về cái gọi là “vùng cấm” trong tự do báo chí, ông chia sẻ, ở mỗi đất nước, vùng quê, cộng đồng đều có những nhân vật được tôn thờ, đó có thể là một con người kiệt xuất hay một vị thánh. Họ là niềm tin làm nên sức mạnh gắn kết cộng đồng, gắn kết người dân trong đất nước đó. Và vì thế, đó là “vùng thiêng” mà các nhà báo cần cân nhắc kỹ mỗi khi đề cập.

Quyền tự do báo chí: Tự do trong khuôn khổ pháp luật

Phóng viên tác nghiệp tại Đại hội Đảng lần thứ XII.  (Ảnh: TL)

4. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, với sự hỗ trợ của rất nhiều mạng xã hội, tốc độ và khả năng tương tác của mỗi tác phẩm báo chí đối với độc giả và toàn xã hội không chỉ tăng nhanh và còn vô cùng mạnh mẽ, thậm chí bản thân tác giả cũng không thể lường trước được. Trong khi đó, người làm báo lại cũng chính là một người hoạt động xã hội, tuyên truyền, định hướng thông tin, tư tưởng bằng chính tác phẩm báo chí của mình. Với những nhà báo nổi tiếng trong cộng đồng mạng thì bất kỳ phát ngôn nào của họ cũng được để ý, thậm chí nhận được nhiều bình luận, ý kiến trái chiều ngay sau đó, nhất là khi nhà báo ấy lại bàn về một vấn đề đang vô cùng nóng bỏng và nhận được sự quan tâm của công chúng.

Nhưng bên cạnh trách nhiệm của một nhà hoạt động xã hội, mỗi nhà báo chân chính còn là công dân của một quốc gia, được hưởng đầy đủ các quyền cũng như phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mỗi công dân. Và với tư cách là một người hoạt động xã hội, có tầm ảnh hưởng nhất định đối với một tổ chức, một nhóm người, một cộng đồng, nhà báo không chỉ cần thực hiện đầy đủ mà còn cần phải thực hiện tốt trách nhiệm - nghĩa vụ công dân của mình.

Có lẽ chẳng phải mất quá nhiều thời gian để ghi nhớ 4 câu hỏi trong bài học vỡ lòng của những người định bước chân vào con đường cầm bút đầy gian nan rằng Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Tuy nhiên, đứng trước mỗi vấn đề, để trả lời chính xác và đúng đắn 4 câu hỏi này, người làm báo không chỉ cần thời gian mà còn cần có 3 chữ Tài - Tâm - Tầm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền tự do báo chí: Tự do trong khuôn khổ pháp luật