Phòng chống tệ nạn xã hội: Cuộc chiến còn gian nan

22/08/2012 08:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, Bộ LĐ-TB &XH tổ chức Hội nghị giao ban công tác phòng chống tệ nạn xã hội khu vực phía Bắc 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012. Hội nghị cho thấy, dù có nhiều kết quả nhưng cuộc chiến trong tệ nạn xã hội còn cam go, phức tạp

Chiều hướng gia tăng

Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người vẫn diễn biễn phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Việc mua bán, tàng trữ, sử dụng, sản xuất trái phép ma túy đặc biệt là ma túy tổng hợp gia tăng nhanh. Số người nghiện tăng cao; công tác quản lý cai nghiện, sau cai nghiện hiệu quả thấp. Hoạt động mại dâm ngày càng kín đáo, tinh vi, hình thành các tụ điểm nhỏ gần với cơ sở kinh doanh dịch vụ các khu du lịch như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vũng Tàu, Đồ Sơn (Hải Phòng), Cửa Lò (Nghệ An)… ước tính đến nay cả nước có khoảng 30.000 người bán dâm. 

 

Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán phụ nữ và bắt cóc trẻ em cũng rất nghiêm trọng ở khu vực cửa khẩu, biên giới.

 

Trước đó, trong Hội nghị phía Nam, bà Lê Thị Hà - Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2012, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức đoàn thể và địa phương đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng chống mại dâm và đạt được một số kết quả nhất định như: Hoàn thành 45% các chỉ tiêu đề ra, cụ thể: đã giáo dục, chữa trị cho 1.440 người bán dâm;  có 50 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng thí điểm mô hình về phòng chống mại dâm và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, trong đó có 7 địa phương thực hiện duy trì điểm đã xây dựng năm 2011;  3.892 xã phường đăng ký mới không có tệ nạn mại dâm; 33 tỉnh, thành phố lập đội tình nguyện với 14.824 tình nguyện viên tham gia; 15.110 lượt tuyên truyền, giáo dục về phòng chống mại dâm trong nội bộ cơ quan, cộng đồng tại 60/63 tỉnh, thành phố thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng triệu người. 

 

Về công tác cai nghiện, trong 6 tháng đầu năm 2012 cả nước đã có 14.331/35.000 lượt người được cai nghiện (đạt 40,9% so với kế hoạch), trong đó cai tại trung tâm 12.175 lượt người ( chiếm 84,9%), cai tại gia đình, cộng đồng 2156 lượt người (đạt 15,1%). Quản lý sau cai 10.020/20.000 người (bằng 50,1% so với kế hoạch năm), trong đó quản lý sau cai tại trung tâm là 6.145 (chiếm 61,3%), tại cộng đồng là 2.156 người (38,7%). Dạy nghề cho 3575/10.000 người (đạt 35,7% so với kế hoạch). Xây dựng mới 483/1.000 xã phường lành mạnh không có mại dâm, ma túy (đạt 48,35 so với chỉ tiêu). Duy trì 1.662 đội hoạt động xã hội tình nguyện với 11.393 tình nguyện viên tham gia hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội.

 

Ông Nguyễn Văn Minh - Cục trưởng Cục phòng Chống tệ nạn xã hội cho rằng, tuy đã đạt được một số kết quả, song công tác phòng chống tệ nạn xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Hoạt động tuyên truyền, giáo dục còn chưa đáp ứng yêu cầu. Khả năng dự báo về diễn biến tình hình mại dâm, ma túy, nắm bắt thông tin và thu thập số liệu còn hạn chế, trong khi đó hoạt động mại dâm, ma túy hết sức tinh vi, xảo quyệt. Đội ngũ cán bộ chuyên trách về phòng, chống mại dâm, ma túy ở cấp cơ sở thiếu và kiêm nhiệm nhiều việc; các chính sách, chế độ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm, người sau cai nghiện còn bất cập. Tỷ lệ tái nghiện còn khá cao, số người nghiện ngày càng gia tăng…

 

Lấy công tác phòng ngừa làm trọng tâm

 

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã nêu ra 3 vấn đề mà Chính phủ đã đề cập là: Cần phải tập trung đẩy mạnh, trấn áp tội phạm ma túy, mại dâm và công tác cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai một cách hiệu quả. Trong công tác cai nghiện, Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng Đề án “đổi mới công tác cai nghiện”, duy trì hoạt động tại các trung tâm, mở rộng các mô hình cai nghiện hiệu quả. Vì vậy, các địa phương cần có kế hoạch, bước đi cụ thể, đưa ra các mô hình, biện pháp đổi mới hoạt động của các trung tâm tại địa phương. 

 

Phòng chống tệ nạn xã hội: Cuộc chiến còn gian nan

 

Gái mại dâm bị bắt giữ (Ảnh minh họa)

 

Về công tác phòng chống mại dâm, phải có phương pháp giáo dục, quản lý đối tượng vi phạm như thế nào cho hiệu quả, vì sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được Quốc hội khóa III thông qua và có hiệu lực, các đối tượng vi phạm chỉ bị phạt hành chính, không bị giam giữ, do đó cần phải có biện pháp quản lý, giáo dục đối tượng tại cộng đồng. Xây dựng kế hoạch, tổ chức phối hợp với các cơ quan liên ngành trong xử lý các đối tượng vi phạm một cách bài bản và hiệu quả. Đồng thời, các địa phương cần cập nhật, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu chính xác về đối tượng địa phương đang quản lý, cũng như tình trạng tăng giảm, biến động hàng năm để định kỳ báo cáo về Bộ thật chính xác.

 

Chính vì vậy, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2012 là, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 – 2015 theo Quyết định 687/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, lấy công tác phòng ngừa làm trọng tâm, tập trung giải quyết tệ nạn xã hội tại những tỉnh, địa bàn trọng điểm. 

 

Về công tác cai nghiện ma túy, trình Chính phủ ban hành Đề án “ Đổi mới công tác cai nghiện”, nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định chi tiết về biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2012. Phối hợp với Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tư pháp khảo sát, đánh giá, phân tích kết quả công tác cai nghiện thời gian qua để nghiên cứu đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội xem xét đưa vào chương trình để xây dựng Luật Cai nghiện ma túy. Phối hợp với các Bộ, ngành giải quyết một số tồn tại, hạn chế trong công tác cai nghiện. Đồng thời, chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương xây dựng các mô hình cai nghiện hiệu quả tại gia đình, cộng đồng và quản lý người sau cai gắn kết với các chương trình an sinh xã hội tại địa phương, xây dựng một số mô hình cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

 

Tại khu vực cửa khẩu giáp ranh với Trung Quốc, 6 tháng đầu năm, lực lượng Biên phòng đã bắt giữ và xử lý 133 vụ với 158 đối tượng, giải cứu 177 nạn nhân trong đó có 16 trẻ em. Còn tại khu vực biên giới Tây Nam giáp ranh với Campuchia, có khoảng 200 phụ nữ Việt Nam liên quan đến hoạt động mại dâm ở 47 casino và 35 trường gà khu vực ngoại biên.

Trần Đức

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống tệ nạn xã hội: Cuộc chiến còn gian nan