"Phố nghệ sĩ"- nơi gặp gỡ của những người yêu Quan họ

Huy Hùng| 23/04/2015 05:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tìm về trung tâm TP Bắc Ninh, trên đường Nguyễn Trãi có một góc phố mà mọi người vẫn gọi vui là phố “hâm”. Có lẽ không ít người ngỡ ngàng khi biết rằng phố “hâm” ấy chính là nơi các gia đình nghệ sĩ gạo cội của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh đang sống.

Đến với nhau bằng cái “duyên” sống với nhau bằng chữ “tình”

Con phố nghệ sỹ nằm ngay cạnh cột đồng hồ trung tâm của Tp Bắc Ninh, hàng ngày dòng người tấp nập qua lại, kim đồng hồ vẫn lặng lẽ chuyển động theo guồng quay của cuộc sống. Thế nhưng, đối lập với sự ồn ào của chốn thành thị, những người nghệ sỹ dường như tách biệt hẳn, họ say đắm trong những làn điệu dân ca, miệt mài cống hiến lời ca, tiếng hát cho đời.

Con phố nghệ sỹ này trước đây khu là khu tập thể của đoàn chèo, sau đó đoàn chèo bị tách về Bắc Giang thì chuyển khu này thành Nhà hát Quan họ. Các nghệ sỹ hiện thân là những người sinh hoạt ở đoàn chèo, những người đầu tiên hoạt động trong đoàn nên được phân về khu phố này ở, họ đã không ngần ngại xa quê hương, dời đến đây lao động nghệ thuật hăng say. Hơn 40 năm gắn bó với nhau trong cùng một xóm-phố, đến nay những người nghệ sỹ coi nhau như người một nhà.

Nghệ sỹ Thúy Tình và nghệ sỹ Minh Phức trong một buổi tập văn nghệ

Phố nghệ sĩ hiện có hơn mười gia đình sinh sống, chủ yếu đều là những liền anh, liền chị Quan họ “vang bóng một thời” mà mãi tận bây giờ tên tuổi của họ vẫn còn nức tiếng như: Thúy Tình, Tự Lẫm, Minh Phức, Lệ Ngải, Khánh Hạ…Những người đều đã có tuổi nhưng duyên nợ với nghệ thuật còn nặng trĩu.

Quan họ đối với các họ không chỉ là nghệ thuật hát mà còn là văn hóa, là “ứng xử”, “mỗi khi khách đến chơi nhà”, không chỉ “rót nước pha trà” mời khách, mà cùng với đó, là những câu hát thắm đượm nghĩa tình.

Những người xung quanh khu phố vẫn thường gọi vui là phố “hâm”, bởi lẽ đây không chỉ là nơi sinh sống của các gia đình nghệ sĩ mà còn là một địa chỉ quần anh tụ hội. Nếu không bận thì cứ vào buổi chiều cuối ngày, cuối tuần mọi người lại bắt đầu "mang đàn, vác trống" ra quây quần bên nhau và hát lên những điệu quan họ vang vọng khắp cả khu phố. "Người dân quanh đây cứ nói vui với chúng tôi đây là con phố hâm cũng chính vì thế đấy" - Nghệ sỹ Minh Phức cười nói.

Nhà văn Đỗ Chu; PGS.TS Lê Văn Toàn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Việt Nam; GS.TS Nguyễn Hùng Vĩ - Giảng viên Trường ĐHKHXH&NV hay nhà thơ Nguyễn Quang Hưng… cũng thường xuyên sang đây thưởng thức những làn điệu dân ca ngọt ngào từ những bạn hiền, đồng nghiệp và cả học trò của mình.

Những người đã và đang gắn bó với khu phố này hầu hết là những gia đình nghệ sĩ, diễn viên thuộc “thế hệ gạo cội” của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh như: Vợ chồng nghệ sĩ Vũ Tự Lẫm- Minh Phức; vợ chồng nghệ sĩ Thúy Tình-Nguyễn Hữu Luận, NSƯT Lệ Ngải, NSƯT Khánh Hạ, NSƯT Quang Vinh, NSƯT Xuân Mùi, Xuân Mãi, Bích Vạn, Phương Lan, Thanh Xuân, Đoàn Nội… và gia đình nghệ sĩ múa Ngọc Dư - vợ của cố nhà văn Xuân Hồng. Một thế hệ đã dành cả tuổi xuân cống hiến cho miền đất Quan họ ngày càng phong phú về làn điệu và tạo nên sức sống bền bỉ cho Di sản quê hương này.

Dù rằng mỗi người một quê nhưng ở đây họ đã sống như anh em một nhà, sớm tối có nhau. Họ trọng chữ tình, đùm bọc như ruột thịt. Mỗi khi gia đình nào có công việc thì cả một góc phố cũng xôn xao như một đại gia đình thực thụ. Nghệ sỹ Thuý Tình bùi ngùi nhớ về một thời khi vừa chuyển về khu phố này sinh sống: "Hồi đầu năm 70 chúng tôi ăn còn không đủ nhưng may sao cái duyên cái số, đương lúc khó khăn chúng tôi gặp được nhau, tình đồng nghiệp như keo sơn là động lực để duy trì đội ban công cho đến tận bây giờ”.

Những khó khăn mà họ đã từng trải qua ít người nghĩ tới, bởi nhiều người cho rằng đời nghệ sỹ nhàn hạ, cuộc sống chỉ xoay quanh mấy câu hát, nhưng liệu mấy ai hiểu rằng, họ vẫn phải duy trì cuộc sống vật chất, có người cũng đã từng đi làm ngoài để trang trải cho cuộc sống gia đình, họ vượt lên được chính mình, cố gắng bám trụ với nghiệp ca hát.

Sau những giờ hát, cháy hết mình cho nghệ thuật thì họ cũng có lúc bị nỗi lo cơm áo đè nặng lên đôi vai, nghệ sĩ Lệ Ngải kể lại: “Trong những năm tháng khó khăn túng bấn, chật vật vì cơm áo, sau giờ diễn, các chị em diễn viên lại tranh thủ đi buôn... rượu, còn các anh thì đi câu, bắt cua, bắt ốc để trang trải thêm cho cuộc sống. Nghĩ lại mà thấy gian nan...”

Góc phố của những tâm hồn quan họ

Những tháng đầu năm, suốt từ mồng 3 Tết cho đến hết Giêng, Hai, ở góc phố này chẳng mấy ngày vắng tiếng đàn, ca, sáo, nhị, những người bạn của họ ở khắp nơi, những người hàng xóm lại đến quây quần để thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống, từ Dân ca Quan họ cổ, Ca trù, Hát văn hay Chèo, Tuồng, Xẩm… các nghệ sỹ đều không ngần ngại biểu diễn.

Sự phóng khoáng trong những câu hát ngày xuân, hát để thay cho nói, tâm sự gửi cả vào trong câu hát, đó cũng là cái tình của người quan họ đã thấm thía, lan tỏa vào trong máu của họ.

Nghệ sỹ Minh Phức chia sẻ: “Cũng không chỉ là mùa xuân hay dịp hội hè, đình đám, lễ Tết mà cứ mỗi chiều cả xóm lại gọi nhau tập trung về một nhà, trải chiếu, kẻ đàn, người hát say sưa”. Thế rồi họ cùng ca lên những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm, thấm đượm hồn quê.

Góc phố nằm trên đường Nguyễn Trãi (Tp Bắc Ninh) nơi những nghệ sỹ đang sinh sống

Đến nay, mặc dù đã tuổi đã cao nhưng các nghệ sỹ vẫn tham gia biểu diễn trong dịp hội hè như hội Lim, hội Thổ Hà, hội Bổ Đà, hội Diềm, Thị Cầu…, họ vẫn truyền dạy văn hóa Quan họ cho lớp diễn viên trẻ của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh và một số trường văn hóa nghệ thuật khác.

Văn hóa quan họ có lẽ đã ăn sâu vào tâm hồn người nghệ sỹ. Sự cởi mở và nồng hậu khiến cho những người xung quanh cảm thấy ấm lòng và thoải mái. Nhiều người tìm đến khu phố này cũng chỉ vì muốn quên đi cuộc sống bộn bề, lo toan và tìm về những làn điệu dân ca vốn trong tiềm thức của họ đã được bà, được mẹ ru từ ngày thơ bé.

Ở góc phố này mỗi người một số phận, một cuộc sống riêng nhưng trong họ đều có một điểm chung đó là tình yêu Quan họ không bao giờ vơi. Họ hòa mình với những làn điệu dân ca một cách chân thành và nhiệt huyết nhất. Con cháu của các gia đình nghệ sỹ đến nay cũng không mấy người theo nghiệp hát, có lẽ vì họ thấm thía sự vất vả, gian nan của đời nghệ sĩ mà cha mẹ họ từng trải qua.

Chia tay những người nghệ sỹ “gạo cội”, trong đầu chúng tôi vẫn quyến luyến và nghe văng vẳng đâu đây câu hát: “Người ơi người ở đừng về/Người về em vẫn khóc thầm/Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa…”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Phố nghệ sĩ"- nơi gặp gỡ của những người yêu Quan họ