"Nóng" pháo lậu giáp Tết

Quang Thành| 25/12/2016 06:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày giáp Tết Nguyên đán được xem là thời điểm "hái ra tiền" của dân buôn bán trái phép pháo nổ. Chỉ vài trăm nghìn đồng, các đối tượng buôn pháo có thể thuê cửu vạn vận chuyển pháo nổ qua biên giới về Việt Nam để bán kiếm lời với mọi hình thức.

Pháo lậu vẫn dễ mua

Chỉ cần đăng nhập vào các trang mạng xã hội gõ cụm từ “bán pháo”, lập tức tìm thấy hàng chục tài khoản facebook rao bán pháo công khai. Trong đó, có tài khoản mang tên cá nhân, có tài khoản là nhóm công khai hoặc nhóm kín, nơi mà kẻ mua người bán bình luận rất nhộn nhịp.

Lướt qua các tài khoản buôn bán pháo người mua có thể dễ dàng mua được những loại pháo ưng ý. Các bài đăng, rao bán pháo nổ thường có dạng hình ảnh, kèm theo những thông tin về giá cả, chủng loại. Pháo bánh, pháo diêm, pháo cối, pháo tép…được bán với nhiều loại giá khác nhau. Bên dưới chủ tài khoản không quên kèm theo những lời mời hấp dẫn thu hút thêm sự chú ý của người mua như “miễn phí vận chuyển” hoặc mua “1 tặng 1”…

Tại fanpage “Chuyên cung cấp các loại pháo nổ - các chất nổ”, chủ nhân trang này đã ngang nhiên quảng cáo rao bán rất công khai: “Hàng nhập mới về! Anh em nhanh tay chọn mẫu pháo để chơi tết nào… Pháo bánh 650k/bánh, anh em nào hứng thú mua hàng thì liên hệ theo số điện thoại 0946xxx934”.

Những ngày cuối năm, pháo nổ được giáo bán rất công khai trên mạng xã hội

Theo số điện thoại nói trên, trong vai khách hàng PV gọi điện đặt vấn đề muốn mua pháo về chơi Tết thì được một người đàn ông bắt máy cho biết: “Bên anh loại gì cũng có, pháo bánh, pháo bi, pháo diêm… đủ cả, em mua loại nào bảo anh, anh báo giá”. Theo người đàn ông này cho biết, pháo được nhập về từ biên giới giáp Lào vì vậy “ngoài pháo ra bên anh còn cung cấp các loại chất nổ, nếu em có nhu cầu cứ alo anh”.

Khi PV hỏi về giá bán pháo bánh, pháo bi chủ nhân số điện thoại trên cho biết: “Pháo bi loại to 6.000đồng/quả, pháo bánh 650.000đồng/bánh loại 5m. Bên anh bán vậy là rẻ nhất rồi, lấy loại nào anh gửi xe khách cho, yên tâm rất an toàn”. Đến đây có vẻ như nghi ngờ nên người này vội cúp máy và không quên dụ dỗ khách hàng “lúc nào nhận hàng mới nhận tiền”.

Tiếp tục tìm hiểu một trang facebook có tên “Các loại pháo”, khi vừa nhắn tin khảo giá, PV lập tức nhận được một tin nhắn báo giá rất chi tiết: “Pháo bi nhỏ mua trên 5 bì giá sỉ 300.000 đồng, lẻ là 350.000 đồng. Pháo bi to 400.000 đồng, mua trên 5 bì giá 350.000 đồng. Pháo tràng dài trên 10m giá 1.900.000đồng/tràng, loại dài 2,5m giá 500.000đồng/tràng”.

Cách thức dịch của chủ trang fanpage này cũng giống như các tài khoản facebook giao bán pháo khác là gửi qua xe khách, nhưng sau khi nhắn tin thỏa thuận về chủng loại pháo nổ và giá cả, người bán yêu cầu chúng tôi chuyển khoản 50% giá trị đơn hàng, sau khi nhận hàng sẽ thanh toán phần còn lại. 

Chỉ cần 1 tin nhắn hỏi giá, người mua sẽ lập tức nhận được báo giá tri tiết về mặt hàng cấm này

Sáng 22/12, có mặt tại phố Hàng Mã, một phố nhộn nhịp bán các đồ quà tặng và trang trí Giáng sinh. Chúng tôi hỏi mua pháo ở một quầy ngay vỉa hè, người bán hàng mắt rảo quanh cho biết: “Làm gì có pháo, ở đây chỉ bán đồ trang trí thôi”. Nhưng người này cũng ghé tai phóng viên nói nhỏ “đi lên ngã tư kia kìa, mấy bà già ngồi tại quầy bán đấy".

Theo sự chỉ dẫn của người phụ nữ này, phóng viên dừng xe ngay tại một gian hàng ở ngã tư Hàng Mã – Hàng Lược. Trong vai khách mua pháo về chơi Tết, bà cụ trên 60 tuổi cho biết chỉ bán pháo điện tử không bán pháo nổ. Lân la một hồi, bà cụ cũng cho biết: “Bác có pháo tép thôi, dài bằng một gang tay”. Tuy nhiên, như để dè chừng các lực lượng chức năng, bà cụ bỗng thay đổi ngay thái độ “tôi có bán pháo đâu, năm ngoái mua ít về để nhà chơi, nhưng chưa dùng hết còn 3 bánh để năm nay chơi thôi. Giờ Nhà nước cấm nên tôi không bán đâu, nếu muốn mua xuống Bình Đà mà mua, ở đấy vẫn bán đấy".

Sau khi hỏi một vài cửa hàng khác trên phố này, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì vẫn nhận được những câu trả lời “có pháo tép”.

Nguồn hàng từ nước bạn và những con số

Để tìm hiểm thêm thông tin về nguồn cung cấp pháo, chúng tôi đã liên hệ được với Nam (một người bạn cũ của PV, trước đây đã từng qua cửa khẩu buôn pháo). Gặp Nam tại một quán café tại Hà Nội, là người từng có kinh nhiệm sành sỏi trong việc “đánh” pháo từ Trung Quốc những năm trước đây, Nam cho kể lại cho chúng tôi nghe những cung đường của pháo.

Theo Nam, từ khi Nhà nước cấm sản xuất kinh doanh các loại pháo nổ thì hầu hết pháo được nhập từ Trung Quốc về. “Lấy hàng bên đó rất dễ, ngặt cái là lúc vận chuyển về nước, nhưng thường các chủ hàng bên nước bạn có các mối đưa về giúp mình. Mỗi chuyến tuỳ trọng lượng mà tính giá, trung bình mỗi chuyến dao động từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng”.

Một trang rao bán pháo trên mạng kèm theo những hình ảnh về các loại pháo

Như vậy số tiền bỏ ra không là gì đối với lãi mà các tay buôn nhận được sau mỗi chuyến thành công. Nam cho biết: “Một cuộn pháo bánh dài 5m giá mua bên kia biên giới rất rẻ, nhưng mang được về nước bán lãi cao lắm. Với mỗi cuộn mua nhập từ bên kia chỉ từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng /cuộn nhưng mang về Việt Nam lại bán với giá 650.000 đồng đến 700.000 đồng/cuộn".

Những người trực tiếp vận chuyển pháo về nước theo đơn đặt hàng, họ thường có những mánh khóe khó ai có thể biết được nếu không phải dân trong nghề. Nam kể thêm: “Những đối tượng này có nhiều con đường mòn mang vác hàng về, một khi hàng đã xuống đường quốc lộ thì hiếm khi bị bắt”.

Sau khi nhận hàng từ đường quốc lộ, những tay buôn xé lẻ hàng ra làm nhiều bọc nhỏ, buộc trên xe máy chở về nhiều nơi tập kết để tiêu thụ. Theo trí nhớ của Nam: “Khi buộc hàng trên xe máy, sẽ có những cách buộc riêng, khi gặp các cơ quan chức năng chỉ cần giật đầu dây là hàng tự rơi xuống đường để cản đường lực lượng chức năng và dễ dàng tẩu thoát".

Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát, trong năm 2016 tình hình liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, xảy ra tình trạng mua bán, vận chuyển tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với số lượng lớn. Cụ thể đã bắt giữ 580 vụ tàng trữ, vận chuyển sản xuất vũ khí trái phép, bắt gần 1.000 đối tượng...Về công tác quản lý sử dụng pháo nổ, năm 2016 đã phát hiện, bắt giữ gần 900 vụ mua bán, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép; thu giữ 22 nghìn kg pháo các loại.

Hải quan Quảng Ninh bắt 2 tấn pháo trên tàu gỗ ngày 1/8

Điểm nóng nhất về buôn bán pháo nổ chính là các tỉnh phía Bắc, giáp với biên giới Việt - Trung. Do ở Trung Quốc không cấm đốt pháo, pháo các loại được bày bán đầy rẫy ngoài chợ, trong siêu thị nên không ít dân buôn lập hẳn đường dây buôn bán, vận chuyển mặt hàng quốc cấm này về nước. 

Số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Lạng Sơn (PC 46) trong năm 2016, các đơn vị nghiệp vụ, công an huyện, thành phố đã phát hiện và bắt giữ 90 vụ, 100 đối tượng mua bán, vận chuyển, đốt pháp trái phép, thu giữ xử lý tiêu hủy theo quy định gần 2,5 tấn pháo các loại.

Trong báo cáo của Cục Hải quan Quảng Ninh, năm 2016 đã phát hiện và bắt giữ 9 vụ pháo nổ thu giữ 2092 kg pháo các loại. Đặc biệt theo lãnh đạo Cục này cho biết, ngày 1/8, trong khi đang tuần tra kiểm soát Hải quan tại khu vực biển phía nam Đầu Tán (thuộc xã Vĩnh Thực, Móng Cái, Quảng Ninh), đã phát hiện và bắt giữ một số đối tượng dùng tàu gỗ, không biển kiểm soát vận chuyển trên 2 tấn pháo nổ các loại do Trung Quốc sản xuất chứa trong 36 bao dứa và 32 thùng carton. Đây được coi là vụ bắt giữ pháo nổ nhiều nhất từ trước tới nay.

Một số quy định của Bộ Luật hình sự xử lý các hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán pháo nổ

1. Người nào có hành vi sản xuất pháo nổ, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ chất cháy" theo Điều 96 Bộ luật hình sự.

2. Người nào có hành vi mua bán các loại pháo nổ, hoặc có hành vi tàng trữ, vận chuyển với mục đích buôn bán ở trong nước các loại pháo nổ, các loại pháo do nước ngoài sản xuất, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "buôn bán hàng cấm" theo Điều 166 Bộ luật hình sự.

3. Người nào có hành vi mua bán vận chuyển qua biên giới các loại pháo nổ, các loại pháo do nước ngoài sản xuất, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới" theo Điều 97 Bộ luật hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nóng" pháo lậu giáp Tết