Nơi hồi sinh những mảnh đời lầm lỡ

Tuệ Lâm| 26/10/2016 13:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hơn 40 năm qua, nhiều người lính đã hi sinh cả đời mình trên vùng đất Hàm Tân, Bình Thuận để cải tạo, cảm hóa người phạm tội. Không ít phạm nhân tìm lại khát vọng sống, trở thành người có ích và Trại giam Thủ Đức là nơi hồi sinh những mảnh đời lầm lỡ.

Những ngày đầu gian khó

Những ngọn đồi nắng cháy, những rừng buông cổ thụ lá độc, những khe suối róc rách đêm ngày, màu áo người chiến sĩ Công an hòa màu áo sọc của các phạm nhân đang cải tạo đất hoang như hòa cùng màu nắng, những cơn sốt rét triền miên, những bữa ăn đạm bạc, những đêm mưa bão dưới căn lán tạm… Khó ai có thể nói về những ngày đầu xây dựng Trại giam Thủ Đức chính xác hơn Đại tá Trịnh Văn Nhu - nguyên Giám thị Trại giam Thủ Đức và Trung tướng Hồ Thanh Đình - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thi hành án và Hỗ trợ Tư pháp, Bộ Công an. Họ là hai trong số những chiến sĩ đầu tiên được điều động về nhận nhiệm vụ tại Trại cải tạo Thủ Đức ngày mới được thành lập (4/4/1976).

Một năm sau ngày thành lập, do yêu cầu của công tác giam giữ, cải tạo các tù bình là ngụy quân, ngụy quyền, lịch sử vùng đất Hàm Tân đã chứng kiến một cuộc “đại di chuyển” của Trại cải tạo Thủ Đức từ TP. Hồ Chí Minh về xây dựng trụ sở mới trên diện tích 5000ha đất được cắt ra từ Trại cải tạo Hàm Tân.

Vượt qua 150km đường, gần 100 cán bộ chiến sĩ, 1000 tù nhân và 1000 tấn hàng hóa của trại đã được di chuyển đến địa điểm mới an toàn. Nắng cháy da chỉ hun đúc cho tinh thần thêm vững, rừng cây lá độc chỉ rèn luyện cho chí khí thêm bền… Dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của đồng chí Giám thị Đoàn Mạnh, những chiến sĩ Cảnh sát trại giam tuổi đời còn rất trẻ đã hiệp lực, đồng tâm cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Trong vòng 1 năm, trại đã xây dựng được 25 công trình lớn nhỏ, phát hoang được 20ha và trồng được hơn 25ha rau, đậu, sắn, khoai…

Nơi hồi sinh những mảnh đời lầm lỡ

Trại giam Thủ Đức những ngày mới được thành lập

Đại tá Trịnh Văn Nhu chia sẻ: “Ngày ấy, nhiệm vụ của chúng tôi là quản lý số đối tượng ngụy quân, ngụy quyền, bọn gián điệp, biệt kích có lịch sử chống phá cách mạng và một số phạm nhân án hình sự nghiêm trọng. Vùng rừng lá Hàm Tân hồi đó còn là nơi bọn tàn quân, bọn Fulro hung hãn ẩn náu để móc nối với phạm nhân trong trại hòng tổ chức quấy phá, ám sát cán bộ. Vậy mà, dẫu tường rào vẫn chỉ là dây thép gai, dẫu trại giam, khu sản xuất vẫn chỉ là tre nứa, lán tạm song Thủ Đức những năm tháng ấy là một pháo đài thép vững từ trong ra ngoài bởi đã biết phát huy sức mạnh của tập thể trong lao động sản xuất và cảm hóa con người”.

Năm 1988, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 31/BNV-QĐ sáp nhập Trại cải tạo Hàm Tân và Trại cải tạo Thủ Đức thành Trại Quản lý cải tạo phạm nhân Thủ Đức. Tiếp đó, các năm 1994, 1995, Bộ Nội vụ đã cho phép mở rộng quy mô giam giữ thêm hai phân trại, nâng số phạm nhân thi hành án tại Thủ Đức lên đến gần 5000 người. UBND tỉnh Bình Thuận cũng đồng ý chuyển giao thêm 5000ha đất, nâng tổng diện tích đất và rừng do trại quản lý lên đến 15.499ha cùng hệ thống ao hồ, kênh mương thủy lợi hoạt động hiệu quả. Cùng với đó là hàng chục ngành nghề được đưa vào giảng dạy và lao động tại Thủ Đức như may, đan lát, gò hàn, xây dựng… giúp cho hàng ngàn phạm nhân có cơ hội theo học nghề mình yêu thích và có kế sinh nhai sau khi hoàn thành xong án phạt tù. Sau 20 năm nỗ lực, cống hiến của các thế hệ cán bộ chiến sĩ, Trại giam Thủ Đức đã được ghi nhận xứng đáng với danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Anh hùng LLVTND) cho tập thể đơn vị và cá nhân Đại tá - Giám thị Trịnh Văn Nhu.

Nối tiếp những chiến công

Đất nước bước sang giai đoạn mới, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi ngành Công an nói chung và lực lượng Cảnh sát trại giam nói riêng phải tích cực đổi mới tư duy và phương pháp, lề lối làm việc. Trong giai đoạn 10 năm từ 1996 đến 2006, môi trường cải tạo, giam giữ của trại giam Thủ Đức được đầu tư nâng cấp đáng kể nhằm đảm bảo giam giữ, quản lý tốt trên 7000 phạm nhân, trong đó có nhiều đối tượng phạm tội nguy hiểm, đối tượng nghiệm ma múy, nhiễm HIV và đối tượng người nước ngoài.

Với phương châm “không có hàng rào bảo vệ nào vững chắc hơn hàng rào được xây dựng bằng tình người”, đơn vị đã chủ động xây dựng quy trình quản lý và cải tạo phạm nhân tương đối hoàn chỉnh, tuân thủ theo Pháp lệnh Thi hành án phạt tù. Đồng thời liên tục đổi mới nội dung, biện pháp giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh… Công tác phân loại lý lịch phạm nhân đã không chỉ giúp các quản giáo hiểu biết sâu sắc về nhân thân phạm nhân, mà đồng thời có thể phát huy tốt năng lực của mỗi phạm nhân qua từng lĩnh vực chuyên môn.

Nhờ làm tốt những công tác đó, trại đã khai thác hiệu quả hơn năng lực, chất xám và tính năng động của phạm nhân, đồng thời tạo cho họ tâm lý thoải mái và tự giác trong lao động. Các khu giam giữ, khu sản xuất được quy hoạch lại hợp lý và hoạt động hiệu quả hơn, cơ cấu cây trồng cũng có nhiều thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. 

Năm 2005, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đồng chí Hồ Thanh Đình - Giám thị Trại giam Thủ Đức vì những đóng góp đáng trân trọng của ông trong sự nghiệp giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi. Giờ đây, trên cương vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp, ông vẫn luôn cho rằng những năm tháng công tác tại trại giam Thủ Đức sẽ luôn là bài học kinh nghiệm, là nguồn động viên ông tiếp tục nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, của lực lượng cùng đồng chí, đồng đội.

Xứng danh anh hùng

Màu xanh sự sống giờ đây đang ngời lên nơi núi rừng Hàm Tân. Phát huy tốt thành quả đã tạo dựng được sau 30 năm xây dựng và phát triển, từ năm 2006 đến năm 2016, dưới sự điều hành của Đại tá Trần Hữu Thông, Trại giam Thủ Đức cũng đã lập được nhiều chiến công trên hành trình mới. Hiện nay, đơn vị đang quản lý và khai thác tốt hàng trăm héc ta đất sản xuất, gần 20.000ha rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tám phân trại cùng 3 khu giam giữ, khu lao động sản xuất được xây dựng khang trang, đảm bảo sinh hoạt hợp lý, an toàn và vệ sinh đã trở thành ngôi nhà chung cho gần 8000 phạm nhân. Hệ thống xử lý nước lọc và 14,5km đường ống dẫn nước trị giá 4 tỷ đồng đã tỏa khắp các phân trại, đến từng hộ gia đình cán bộ, chiến sĩ...

Nơi hồi sinh những mảnh đời lầm lỡ

Dạy nghề cho phạm nhân

Nền sản xuất của trại có mô hình đa dạng, nhiều ngành nghề phát triển vững chắc và nhiều triển vọng. Mỗi năm, các phân xưởng sản xuất, hàng chục cánh rừng và đồng ruộng xanh bạt ngàn đã mang lại cho Trại giam Thủ Đức một nguồn thu đáng kể và có nhiều đóng góp nhất định vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương. Cũng trong khoảng thời gian đó, đã có hàng vạn lượt phạm nhân được trở về đoàn tụ với gia đình. Trong số họ nhiều người đã thực sự rũ bỏ quá khứ để thành công, làm nhiều việc có ích cho cộng đồng xã hội chính nhờ những mô hình cảm hóa, giáo dục đầy sáng tạo và nhân văn ở trại giam này.

Gần 10 năm qua, những chuyến xe đưa đón gia đình phạm nhân từ bến xe Miền Đông, TP. Hồ Chí Minh đến trại thăm người thân đã trở thành cầu nối nghĩa tình giữa phạm nhân với gia đình, giữa gia đình phạm nhân với trại. Cũng chừng đó thời gian, quỹ Tấm lòng vàng của trại đã hỗ trợ cho gần 7000 lượt phạm nhân ốm đau và phạm nhân không có người thăm nuôi, mang lại những bài học giá trị về tinh thần tương thân tương ái. Với hơn 6000 đầu sách, thư viện trại giam cũng đã trở thành nguồn vui, là kênh học tập gián tiếp đối với các phạm nhân. Đặc biệt, Hội nghị gia đình phạm nhân hoặc Hội nghị điển hình tái hòa nhập cộng đồng được trại giam Thủ Đức đều đặn tổ chức hàng năm, là một hoạt động sáng tạo và hiệu quả để gieo niềm hy vọng cho các phạm nhân trong trại về một tương lai tươi sáng đang chờ họ bên ngoài song sắt.

Năm 2009, một lần nữa Trại giam Thủ Đức vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND lần thứ hai. Năm 2015, Đại tá - Giám thị Trần Hữu Thông cũng được trao tặng danh hiệu đầy tự hào này, góp phần làm sáng thêm những trang sử mới của những người lính làm nhiệm vụ Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp. Nhìn vào quá khứ thấy đường xuân tương lai, hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Trại giam Thủ Đức đã luôn đoàn kết thi đua để xây dựng đơn vị liên tục nhiều năm liền giữ vững danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh” và “Đơn vị quyết thắng” trong lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp. Họ hiểu rằng, con đường mà mình đang đi chính là con đường của tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, khoan dung mà cha anh đi trước đã đổ trí tuệ, mồ hôi, nước mắt để khai phá, dựng xây. Đó cũng là con đường của những người anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi hồi sinh những mảnh đời lầm lỡ