Những chia sẻ đầy tâm huyết với người làm báo

Mai Thoa - Tống Toàn| 21/06/2017 14:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

92 năm qua, báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ; phát huy vai trò tiên phong của mình trong cung cấp thông tin và phản biện xã hội ngày càng sắc bén; nhanh nhạy trên các lĩnh vực trong nước và quốc tế.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, báo chí ngày nay đang có nhiều thách thức cần phải vượt qua. Những ý kiến dưới đây chưa phải là tất cả nhưng cũng phần nào là sự kỳ vọng, cũng là sự đòi hỏi của bạn đọc đối với những người làm báo ngày nay.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Phải nâng cao chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp người làm báo    

Những chia sẻ đầy tâm huyết với người làm báo

Báo chí luôn có vai trò to lớn trong đời sống xã hội, đã trở thành một bộ  phận của quyền lực xã hội- mà chúng ta hay nói là quyền lực thứ tư, nếu đó là tiếng nói của người dân. Với vai trò của mình, báo chí đã phản ánh kịp thời đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, những thông tin về các mặt đời sống xã hội đến với bạn đọc. Điều đó chính là hướng báo chí vào lòng dân, báo chí nói tiếng nói của dân, phản ánh ý chí và nguyện vọng của dân đến với Đảng, đến với chính quyền để kịp thời tháo gỡ, xử lý những tiêu cực, tham nhũng. Phản ánh những tấm gương người tốt, việc tốt, đưa tiếng nói của dân hiến kế cho Đảng, cho chính quyền, phản biện xã hội góp phần xây dựng chính sách pháp luật, quản lý nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ hiện nay đã tác động trực tiếp đến nền báo chí nước ta, và cũng chính điều đó đã nảy sinh mặt trái của xã hội. Vì thế mà có một thực tế báo chí truyền thống của chúng ta đang đứng trước những thách thức rất lớn, cũng giống như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội: Đó là sự cạnh tranh, thu hút người đọc…Bên cạnh đó, là do tính nhạy cảm vốn có của báo chí, tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, sự chuyên nghiệp mà trong đó có cả yếu tố đạo đức nghề nghiệp.

Đứng trước những thử thách ấy, với sự phát triển về lượng và chất cuả báo chí và tác động xã hội ngày càng lớn như vậy nên vấn đề tiêu cực của xã hội rất dễ nảy sinh. Vì vậy người làm báo cần phải nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của mình góp phần làm lành mạnh xã hội qua việc cung cấp thông tin, sự phản biện xã hội. Chúng tôi cũng biết rằng, báo chí hiện nay phải theo xu thế của thị trường, đó là một áp lực nhưng cũng là thực tế vì bạn đọc cũng là khách hàng. Và với áp lực kinh tế, nhiều báo chí rất dễ sa vào việc đánh giá chất lượng bài báo qua số lượng người đọc, đến lượng truy cập để thu hút quảng cáo…

Để phát triển, báo chí hiện cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội. Phần nào đó hiện nay mạng xã hội đang lấn át báo chí. Đó là xu thế không thể nào ngăn cản được. Ngay cả Tổng thống Mỹ cũng đã dùng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm của mình khi ông thấy đó là một lợi thế. Còn nếu chúng ta nhìn báo chí ở góc độ là một đơn vị kinh tế, một DN thì chúng ta phải thay đổi và nâng cao chất lượng,  không có cách nào khác là phải đưa tin nhanh nhất, chính xác và hấp dẫn người đọc một cách lành mạnh. Điều đó là rất khó khăn, đòi hỏi báo chí phải thay đổi, nếu không chúng ta sẽ bị loại ra khỏi vòng quay đó.

ĐBQH Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam: Báo chí có vai trò tích cực trong phòng chống tham nhũng, làm lành mạnh hóa xã hội

Những chia sẻ đầy tâm huyết với người làm báo

Theo quan điểm, định hướng của Đảng, báo chí thực hiện sứ mệnh cách mạng đúng nghĩa trong suốt chặng đường đấu tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Báo chí luôn tiên phong tham gia vào các hoạt động ích nước, lợi dân, chống quan liêu, tham nhũng, chống tiêu cực, làm lành mạnh hóa xã hội, bảo vệ môi trường, đề cao điều thiện, chống lại điều ác. Báo chí phản ánh kịp thời đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, những thông tin về các mặt đời sống xã hội đến với bạn đọc.

Trong những năm qua, báo chí đã làm tốt sứ mệnh của mình. Ngoài việc cung cấp thông tin nhiều chiều đưa tiếng nói của Đảng đến với dân, phản ánh tâm tư nguyện vọng của dân đến với Đảng, báo chí còn góp phần đưa tin, phanh phui ra nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, những vấn nạn lợi ích nhóm đang hoành hành,  làm suy giảm lòng tin của dân đối với Đảng, làm suy giảm sự phát triển và hội nhập của đất nước, góp phần làm lành mạnh hóa xã hội. Thông qua thông tin báo chí phản ánh, nhiều vụ tham nhũng lớn đã được các cơ quan chức năng vào cuộc đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm trước pháp luật, thu hồi tài sản về cho nhà nước. Nhiều vụ án có dấu hiệu oan sai, qua thông tin báo chí phản ánh, các cơ quan tư pháp đã thận trọng xem xét kết quả, công lý, công bằng đã đến với người dân. Gần đây nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em như ở Hoàng Mai, Vũng Tàu, xâm hại sức khỏe, tính mạng người dân khi báo chí lên tiếng đã được xem xét khởi tố hoặc đình chỉ kịp thời, được dư luận đồng tình, hoan nghênh thông qua phản ánh của cơ quan báo chí. Những vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phanh phui thời gian qua phần lớn là nhờ báo chí có những phóng viên sắc sảo, dũng cảm…

Là một trong những cơ quan báo chí chuyên ngành về lĩnh vực tư pháp, Báo Công lý có những ấn phẩm khá đặc sắc với nhiều nội dung phong phú được lựa chọn đăng tải. Có thể không nhiều những tác phẩm, bài viết về các vấn đề xã hội nóng bỏng, nhưng trong đó, đáng chú ý có nhiều những vụ việc góp thêm tiếng nói giúp các cơ quan pháp luật có thêm góc nhìn pháp lý, giúp cho vụ việc đang giải quyết đúng đắn hơn. Hay những chuyên đề pháp lý mang tính lý luận sâu sắc được đăng tải thường xuyên bởi những chuyên gia, phóng viên, cộng tác viên có bề dày kinh nghiệm hoạt dộng thực tiễn. Những bài viết trao đổi, những thông tin, đã kịp thời được báo tuyên truyền, phổ biến đến với các tầng lớp bạn đọc rất hữu ích. Đồng thời những bàn luận các về vấn đề mang tính lý luận, khoa học và thực tiễn luôn được đề cao, đây là kênh tông tin, lý luận quan trọng để các cán bộ trong ngành tư pháp quan tâm tham khảo.

Nhận thấy, thông tin của tờ báo Công lý ngoài việc thể hiện được quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chung của các cơ quan báo chí, Báo còn thực hiện tốt tôn chỉ mục đích đáp ứng nhu cầu bạn đọc của riêng mình. Là một đại biểu Quốc hội, cũng là một luật sư, một người quản lý, tôi mong muốn báo chí nói chung và Báo Công lý nói riêng ngày càng đổi mới và phát triển. Báo cần phát huy truyền thống tốt đẹp, phục vụ bạn đọc tốt hơn và đóng góp nhiều hơn nữa trong công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, góp phần bảo đảm công bằng của xã hội, luôn xứng đáng với tên gọi Báo Công lý.          

ĐBQH Đào Tú Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ TANDTC: Báo chí có đóng góp rất lớn cho sự nghiệp Tòa án

Những chia sẻ đầy tâm huyết với người làm báo

Có thể thấy, hiện Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí, với chức năng, nhiệm vụ của mình đã góp phần rất tích cực và quan trọng giúp đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ, thấu hiểu hơn những lo lắng, trăn trở, nguyện vọng của người dân. Báo chí giúp đại biểu có thêm những đánh giá khách quan, toàn diện về mọi mặt đời sống xã hội, để từ đó có những đóng góp vào việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng các chính sách pháp luật đảm bảo tính khả thi.

Báo chí cũng là cầu nối quan trọng giữa đại biểu với cử tri, chuyển tải thông tin từ Quốc hội đến với cử tri cả nước. Thành công của đại biểu Quốc hội có sự song hành của các cơ quan thông tấn báo chí. Với những đặc điểm của báo chí là một kênh thông tin dễ tiếp cận, nhanh, nhạy và kịp thời; khả năng bao phủ hết sức rộng lớn; sức lan tỏa của báo chí cũng rất mạnh. Rõ ràng báo chí đã trở thành một kênh thông tin không thể thiếu của ĐBQH, và là cầu nối quan trọng giữa Quốc hội với người dân.

Còn với vị trí là một công chức trong hệ thống Tòa án, qua thực tiễn công tác, tôi nhận thấy báo chí chuyên ngành tư pháp nói chung và Báo Công lý nói riêng có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp Tòa án và công cuộc cải cách tư pháp hiện nay. Những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; những yêu cầu về công cuộc cải cách tư pháp đối với các cấp Tòa án đã được báo chí nói chung và đặc biệt là Báo Công lý chuyển tải kịp thời đến bạn đọc gần xa. Đồng thời, Báo Công lý cũng là diễn đàn để bạn đọc, để cán bộ trong và ngoài Tòa án trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm xét xử…

Nếu không có Báo Công lý thì không ai có thể biết được những Thẩm phán giỏi việc nước, đảm việc nhà như chị Năm Nghị (Chánh án TAND TP. Phan Rang, Ninh Thuận). Những Thẩm  phán phải đi bộ chục km để vào bản hòa giải cho người dân, đi xa hàng trăm cây số đường rừng để xét xử lưu động như Thẩm phán Nguyễn Thị Hồng ở Điện Biên (hiện đã về hưu). Hay một Thẩm phán ở miền Trung hàng tháng trích tiền lương để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn…Và còn nhiều lắm, những cán bộ, lãnh đạo có đóng góp to lớn cho nền tư pháp nước nhà đã được nhắc đến như: cố Chánh án Phạm Văn Bạch, Trịnh Hồng Dương; các đồng chí nguyên là lãnh đạo TANDTC như PGS.TS Trần Văn Độ, TS. Đặng Quang Phương, đồng chí Trương Hòa Bình…

Có thể nói, sự đóng góp của báo chí đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp Tòa án, Quốc hội nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung. Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin được gửi lời tri ân tới những người làm báo. Chúc các bạn ngày càng phát triển và luôn đồng hành cùng với đại biểu, cử tri.

TS. Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Tư pháp hình sự Viện Nhà nước và Pháp luật- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam: Báo chí chính thống vẫn có những ưu thế riêng

Những chia sẻ đầy tâm huyết với người làm báo

Trong bối cảnh hiện nay, người đọc không trông chờ chỉ duy nhất một nguồn thông tin nào. Báo chí truyền thống đang đứng trước sự cạnh trạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội. Muốn có bạn đọc thì báo chí truyền thống phải tận dụng được những lợi thế của mình bằng cách cung cấp cho xã hội những thông tin sạch. Thông tin “bơm” ra từ mạng xã hội là những thông tin thô, lẫn không ít “tạp chất”, tức là thông tin chưa được xử lý. Bởi, mỗi nguồn thông tin đều có những hạn chế riêng, đó là: mạng xã hội có lợi thế là nhanh và nhạy, nhưng báo chí truyền thống thì lấy sự chính xác làm ưu thế. Báo chí chính thống phải làm nhiệm vụ xử lý, thanh lọc thông tin trước khi cung cấp cho xã hội. Ai làm nhiệm vụ đó nếu không phải là các nhà báo có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực mình viết, có kỹ năng và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp.

Đặc biệt, Báo Công lý với tư cách là cơ quan ngôn luận của cơ quan xét xử cao nhất của Nhà nước là TANDTC đang có nhiều lợi thế. Đó chính là mảng liên quan đến Tòa án, pháp luật mà nhiều người đang quan tâm. Tôi lấy ví dụ, những báo khác thì họ có thể viết bài thắc mắc tại sao cướp một cái bánh mì mà cũng phạm tội, nhưng Báo Công lý thì không thể nói thế và phải nói cho biết tại sao lại như vậy. Hay cách đây không lâu, xảy ra vụ án 3 thanh niên ở Hà Đông, Hà Nội phạm tội hiếp dâm. Dư luận và cả nhiều tờ báo khác cho rằng có dấu hiệu oan sai vì căn cứ vào những thông tin không có cơ sở pháp lý. Nhưng Báo Công lý, với những bài viết phân tích rõ, sâu về cơ sở pháp lý của vụ án và khẳng định không có oan sai…với những thông tin, chứng cứ xác thực. Vụ án được xét xử phúc thẩm và tuyên đúng người, đúng tội. Ai nói thì người ta không tin nhưng cơ quan của TANDTC nói thì họ tin. Tôi cho rằng trong thời gian qua, Báo Công lý đang làm được việc này và mong muốn sẽ tiếp tục làm. Mảng pháp luật, Tòa án là mảng khó nhưng rất hấp dẫn, Báo Công lý tiếp tục khai thác khía cạnh pháp lý, công lý của các vấn đề bởi đây là lợi thế của mình.

Với tư cách là người đọc và vinh dự cộng tác với Báo Công lý từ số đầu tiên, nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam xin gửi lời chúc sức khỏe và thành công tới các phóng viên, nhà báo của tờ báo mà tôi yêu mến. Mong rằng Báo Công lý trong thời gian tới vẫn tiếp tục “điềm đạm”, “chắc chắn”, phát triển để xứng đáng là người chuyển tải công lý từ Tòa án đến người đọc và cùng họ đồng hành trên con đường tiếp cận công lý rất gian nan nhưng đầy vinh dự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chia sẻ đầy tâm huyết với người làm báo