Người cả đời đấu tranh vì sự nghiệp phụ nữ

V.Vũ - T.Hiếu| 12/02/2016 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bà là Nguyễn Thị Thập - người phụ nữ Việt Nam duy nhất được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Tên bà đã được đặt cho các đường phố ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Mỹ Tho và một số thành phố khác.

Không cam phận nữ nhi thường tình…

Người miền Nam quen gọi bà là “Má Mười Thập” - Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh ngày 10/10/1908 tại xã Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) trong một gia đình nông dân yêu nước. Năm 17 tuổi, bà phải gạt nước mắt “lên xe hoa” về nhà chồng theo hôn nhân định ước kiểu phong kiến “đặt đâu ngồi đấy”. Số phận người phụ nữ làm dâu không khác gì “mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu”. Nhưng, những định kiến khắt khe ngày đó bủa vây trùng trùng lên số phận người phụ nữ trong xã hội, không thể nào giam cầm được cuộc đời bà Mười Thập.

Không cam phận tôi đòi, bà dứt áo chia tay gia đình chồng để quay trở lại quê nhà. Cuộc hôn nhân “áp đặt” đầu đời đầy bất công, tủi nhục bởi hủ tục và quan niệm phong kiến lạc hậu đã gieo vào lòng của bà những hạt mầm đầu tiên làm cơ sở cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đấu tranh đòi bình đẳng của bà sau này. Sợi dây xiềng xích ngày xưa trói buộc bà cũng chính là sợi dây cuối cùng mà bà đã giải phóng cho phụ nữ của Việt Nam.

Trở lại quê nhà, năm 20 tuổi, bà tham gia tổ chức Nông hội đỏ ở Long Hưng với nhiều hoạt động được đông đảo nông dân nghèo ủng hộ. Năm 1931, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (lấy bí danh Mười Thập). Sau đó, bà thoát ly vận động xây dựng cơ sở Đảng ở các tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre. Năm 1933, bà được tổ chức Đảng phân công lên nội thành Sài Gòn hoạt động gây dựng phong trào. Tháng 4/1935, bà được bầu làm Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Kỳ, bị thực dân Pháp bắt giam tại bốt Catinat và Khám Lớn - Sài Gòn, sau đó không chứng cứ, buộc chúng phải trả tự do cho bà.

Người cả đời đấu tranh vì sự nghiệp phụ nữ

Bà Mười Thập cùng Bác Hồ đi gặp gỡ phụ nữ Tây Bắc (ảnh tư liệu)

Từ quê hương Long Hưng, dấu chân của bà in khắp các tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sa Đéc... làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục nhân dân và phụ nữ xóa bỏ những hủ tục mê tín dị đoan, những lề thói lạc hậu, chống lại chế độ “ngu dân”. Bà cùng với đồng chí Tám Cảnh (anh ruột của bà) và đồng chí Lê Văn Giác (chồng bà) thường xuyên tập hợp bí mật thanh niên tuyên truyền lý tưởng của Đảng, giai cấp và tội ác của thực dân xâm lược cùng bọn cường hào ác bá địa phương đặc biệt là nông dân nghèo với hàng trăm thứ sưu cao, thuế nặng… Tháng 4/1937, bà đã lãnh đạo nhân dân xã Long Hưng đấu tranh chống thuế thân, bị địch bắt tù 6 tháng, nhân dân kéo nhau biểu tình đòi thả bà ra. Ra tù, bà lại tiếp tục hoạt động và chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra vào tháng 11/1940.

Chính quyền thực dân Pháp thẳng tay đàn áp đẫm máu trước làn sóng đấu tranh và nổi dậy khắp nơi nơi. Mùa hè năm 1940, lính Pháp được bọn chó săn chỉ điểm bất ngờ kéo vào làng Long Hưng bắt đi biệt xứ một loạt đảng viên cách mạng nằm vùng, trong đó có anh trai bà và đồng chí Lê Văn Giác chồng bà, khi ấy bà đang mang thai. Năm 1941, địch đã xử tử chồng bà cùng nhiều cán bộ khác, nên bà phải tạm lánh sang Bến Tre để sinh con, tránh tai mắt bọn mật thám.

Tháng 4/1945, tại xã Thạnh Phú (Châu Thành - Tiền Giang), bà cùng với ông Trần Văn Di (Dân Tôn Tử) tổ chức hội nghị thành lập Xứ ủy Giải phóng. Bà liên lạc với ông Trần Văn Giàu để thống nhất hai Xứ ủy tăng cường sức mạnh chiến đấu, thống nhất. Đầu tháng 8/1945, bà được Xứ ủy cử đi dự Đại hội Quốc dân họp ở  khu căn cứ ATK Tân Trào (Tuyên Quang). Nhưng do đường xá xa xôi và đi lại khó khăn, ra đến Hà Nội thì Đại hội đã kết thúc và nổ ra cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Tổng Bí thư Trường Chinh giao cho bà trọng trách tiến hành việc thống nhất Đảng ở Nam Bộ. Cuối tháng 8/1945, bà về đến Mỹ Tho và bắt tay ngay vào việc thực hiện Chỉ thị của cấp trên. Bà trúng cử Đại biểu Quốc hội tỉnh Mỹ Tho cùng với ông Ngô Tấn Nhơn. Lần thứ hai bà ra Hà Nội để dự cuộc họp Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Và sự nghiệp giải phóng phụ nữ

Tháng 11/1946, thực dân Pháp quay trở lại Việt Nam, toàn quốc kháng chiến, Trung ương dời về chiến khu Việt Bắc. Lúc này, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, bà được phân công trở về miền Nam với nhiệm vụ đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó xây dựng và củng cố Đảng bộ Nam Bộ ngày càng vững mạnh. Năm 1947, bà được cử làm Đoàn trưởng Đoàn Phụ nữ  Cứu quốc Nam Bộ, rồi Hội trưởng Hội LHPN Nam Bộ. Năm 1953, Trung ương điều ra công tác tại chiến khu Việt Bắc. Hiệp định Genève được ký kết, bà được cử vào miền Nam để phổ biến việc thi hành hiệp định đình chiến. Sau khi tập kết ra miền Bắc, bà được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam từ năm 1956 cho đến năm 1974. Năm 1955, bà được bầu làm Hội trưởng rồi Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Bí thư Đảng Đoàn phụ nữ Việt Nam, kiêm Trưởng ban Phụ vận Trung ương.

Ở cương vị Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà đã dành nhiều thời gian để đến với các cấp Hội cơ sở để tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của chị em phụ nữ để kiến nghị với Đảng và Nhà nước xây dựng mới một bộ luật về hôn nhân và gia đình cho phù hợp với đạo đức xã hội chủ nghĩa, đấu tranh với những ý nghĩ bảo thủ, lạc hậu và phong kiến gia trưởng để giải phóng phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới. Bà cũng đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết với công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ nữ trong bộ máy đoàn thể chính quyền các cấp, các ngành. Bà cùng Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt phong trào “Phụ nữ ba đảm đang” lan tỏa ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới như một điểm son chói lọi. Với những thành tích to lớn và xuất sắc đã đạt được, bà được Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ tặng danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ, cứu nước”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, hàng triệu phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Vị thế và vai trò người phụ nữ ngày càng nâng cao. Người có công đặt tiền đề, những viên gạch đầu tiên để có được vai trò, vị trí của người phụ nữ như ngày hôm nay không thể quên công lao và tâm huyết dành trọn cả đời cho sự nghiệp phụ nữ của bà Nguyễn Thị Thập.

Năm 1985, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta và danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà mất vào ngày 19/3/1996 tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 88 tuổi. Theo di nguyện, bà mong muốn được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Tiền Giang, bên cạnh mộ chồng.

Trong tác phẩm “Từ đất Tiền Giang” với gần 500 trang hồi ký của bà Nguyễn Thị Thập do nhà văn Đoàn Giỏi - người đồng hương của bà và cũng là tác giả nổi tiếng “Đất rừng phương Nam” ghi lại, là những trang viết vô cùng quý báu, sống động, tái hiện cuộc đời hoạt động của một người phụ nữ đã trải qua những năm tháng đau thương, oanh liệt của đất nước và đời người. Chồng và anh trai bà đã hy sinh trong khởi nghĩa Nam Kỳ. Con trai đầu hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Con trai sau trải qua 14 năm chia cắt, được trùng phùng (năm 1954) lại xa mẹ thêm 8 năm nữa, sang CHDC Đức học kỹ thuật điện ảnh, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu và hy sinh. Trái tim người mẹ bao lần rướm máu nhưng bà đã can đảm chịu đựng can trường vượt qua tất cả. Cuộc đời bà là một huyền thoại sống về người phụ nữ Việt Nam, người con ưu tú nhất của Nam Bộ thành đồng Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cả đời đấu tranh vì sự nghiệp phụ nữ