Nan giải xử lý ô nhiễm làng nghề

congly.com.vn| 13/04/2012 11:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kinh tế làng nghề đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, giảm đói nghèo, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc - là hướng đi đúng và đây cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên phát triển làng nghề phải gắn liền với bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, mà làm được điều này, rõ ràng là không hề đơn giản.

Lợi thì có lợi

Theo con số thống kê hiện cả nước có khoảng 4.600 làng nghề, trong đó có hơn 1.300 làng nghề truyền thống được công nhận và hơn 3.200 làng có nghề, tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn. Hầu hết các làng nghề đều thể hiện được bản sắc, đặc trưng của từng vùng miền nông thôn Việt Nam. Trong đó, vùng đồng bằng Bắc bộ chiếm tới 2/3 số làng nghề của cả nước, với những nghề nổi tiếng như: lụa Vạn Phúc, gỗ Đồng Kỵ, gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ. Miền Trung có các làng nghề điêu khắc Mỹ Xuyên, tranh làng Sình, nón Phú Cam, gốm Thanh Hà. Miền Nam có các làng nổi danh như đá Bửu Long, gốm Tân Vạn, các làng nghề làm cây cảnh, bonsai ở đồng bằng Nam bộ…

Việc phát triển kinh tế làng nghề đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, giảm đói nghèo, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Tại một số làng có nghề, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt 60-80%; nông nghiệp chiếm khoảng 20-40%.

Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã xuất khẩu đến 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, năm 2011 ước đạt khoảng 1 tỷ USD. Ngoài ra, riêng ngành gỗ và đồ gỗ mỹ nghệ đạt kim ngạch xuất khẩu lên đến 2 tỷ USD.

Hiện nay, nhiều làng nghề đã thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước thường xuyên đến tham quan mua sắm làm quà lưu niệm, mang lại nguồn ngoại tệ, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tuy có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế- xã hội, song nhiều làng nghề lại gây ra ô nhiễm môi trường. Theo Viện Khoa học công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì tình trạng này diễn ra ở phần lớn các làng nghề, trong đó số mẫu nước thải được khảo sát đều có thông số vượt mức cho phép. Môi trường không khí bị ô nhiễm, nhất là ô nhiễm bụi và ô nhiễm do sử dụng nhiên liệu là than, củi...

Gần đây các kết quả quan trắc cho thấy, mức độ ô nhiễm của làng nghề không giảm mà còn có xu hướng gia tăng, nhất là ô nhiễm bụi tại các làng nghề gốm, sứ, vật liệu xây dựng, khai thác đá, đồ gỗ mỹ nghệ và các làng nghề tái chế. Nước thải, khói bụi, tiếng ồn từ các làng nghề còn gây ô nhiễm nhiều dòng sông và không gian sống của thành phố. Hệ quả ở nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh, nhất là nhóm người trong độ tuổi lao động đang có xu hướng tăng cao. Theo Sở Y tế thành phố Hà Nội, tỷ lệ mắc các bệnh nan y, nhất là các bệnh về hô hấp, đường ruột tăng nhanh ở các làng nghề, có nơi chiếm xấp xỉ 30% dân cư.

1.400 tỷ đồng liệu có dứt điểm?

Phát triển làng nghề gắn liền với bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề luôn là nguyện vọng của người dân sống trong làng nghề. Xác định điều đó, theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2012 này sẽ xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường làng nghề theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Tổng cục Môi trường cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường đã được chuẩn bị nội dung. 8 loại hình làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng sẽ được xây dựng các dự án thí điểm xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường. Đó là các làng nghề: sản xuất và tái chế giấy; giết mổ gia súc; tái chế kim loại; tái chế nhựa; dệt nhuộm; chế biến lương thực thực phẩm; chế biến nông sản thực phẩm kết hợp chăn nuôi; chế biến đồ mỹ nghệ từ da, xương trâu, bò.

Dự kiến mức kinh phí cho các dự án này lên tới 1.400 tỷ đồng, cụ thể chương trình sẽ tập trung vào 8 loại hình làng nghề hoạt động có mức gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và phát triển kinh tế xã hội; đồng thời tập trung xây dựng các dự án thí điểm xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường cho 14 làng nghề tại các tỉnh, thành phố, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Dương.

Đối với 100 khu vực môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra, sẽ tập trung xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các tỉnh, thành phố Lạng Sơn, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Ba lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai, sẽ xây dựng các dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, tập trung cho các khu đô thị loại II trở lên bao gồm các tỉnh, thành phố Nam Định, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Đà Lạt, Vũng Tàu.

Hoài Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nan giải xử lý ô nhiễm làng nghề