Mưa lớn ở Bắc Bộ, vùng núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất

Duy Uyên| 14/08/2017 06:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, từ ngày 13/8 đến hết ngày 16/8, ở Bắc Bộ có mưa dông mạnh; riêng các tỉnh vùng núi phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 300 mm.

Theo đó, do ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh áp thấp kết hợp với vùng xoáy thấp phát triển trên khu vực Bắc Bộ nên từ đêm 12/8 đến sáng sớm nay (01 giờ ngày 14/8) ở vùng núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa rào và dông, một số nơi có mưa rất to như Mường Tè (Lai Châu) 47mm, Bắc Sơn (Lạng Sơn) 109mm, Tiên Yên (Quảng Ninh) 90mm; Bắc Quang (Hà Giang) 193mm.

Các chuyên gia dự báo, từ hôm nay (14/8) đến hết đêm 16/8, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp và vùng xoáy thấp phát triển đến độ cao 5000m nên Bắc Bộ sẽ có mưa rào và dông trên diện rộng. Các tỉnh vùng núi, trung du có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa từ 14-16/8 phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm. Thời gian mưa lớn xảy ra tập trung về đêm và sáng. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Tại khu vực Hà Nội, từ ngày 14 đến 16/8 có mưa rào và dông vào chiều tối và đêm có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra gió giật mạnh. 

Mưa lớn ở Bắc Bộ, vùng núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất

Các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ đề phòng lũ quét, sạt lở đất

Do mưa với lượng lớn nên từ ngày 14-17/8, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5-3,5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng đạt mức BĐ 1 đến BĐ 2.

Trung tâm cũng đưa ra cảnh báo sạt lở đất và lũ quét trên các sông suối nhỏ có nguy cơ cao xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các huyện thuộc các địa phương: Tỉnh Lai Châu: Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Nậm Nhùn, Tam Đường, Tân Uyên; Tỉnh Sơn La: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Bắc Yên, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp, Vân Hồ; Tỉnh Điện Biên: Mường Nhé, TX Mường Lay, Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Nậm Pô, Mường Chà;

Tỉnh Lào Cai: Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn, Mường Khương, Bảo Thắng, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Yên; Tỉnh Hà Giang: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn, Bắc Mê, Bắc Quang, Vị Xuyên; Tỉnh Tuyên Quang:  Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên; Tỉnh Yên Bái:  Yên Bình, Mù Cang Chải, Trấn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên;

Tỉnh Cao Bằng: Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng, Nguyên Bình; Tỉnh Bắc Kạn: Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Đồn. Tỉnh Lạng Sơn: Bắc Sơn, Bình Gia; Tỉnh Quảng Ninh: Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà.

Trong khi đó tại miền Trung, ngày hôm qua (13/8), nắng nóng diện rộng tiếp tục xảy ra ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 36-38 độ C, một số nơi có nhiệt độ cao hơn như: Hương Sơn (Hà Tĩnh) 38.2 độ C, Hương Khê (Hà Tĩnh) 38.9 độ C,...

Do ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh áp thấp kết hợp với hiệu ứng gió phơn nên ngày hôm nay (14/8) ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định tiếp tục có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12-16 giờ. Từ ngày mai (15/8), nắng nóng sẽ giảm dần ở các tỉnh miền Trung và có khả năng kết thúc vào ngày 16/8. 

Trước tình hình diễn biến của mưa lũ, ngày 13/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có Công điện số 36 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, trong đó nêu rõ: 

Để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và chủ động đối phó với các diễn biến của mưa lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khẩn trương phân công cụ thể các thành viên trực tiếp xuống chỉ đạo chính quyền cơ sở và người dân tổ chức kiểm tra, rà soát ngay những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và các khu vực thường xuyên bị lũ chia cắt để thông tin cảnh báo đến người dân, các đối tượng bị ảnh hưởng và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp; chủ động phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Theo dõi chặt chẽ diến biến mưa lũ; tăng cường thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, các đối tượng bị ảnh hưởng, nhất là vùng sâu, vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người qua lại tại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường xuyên bị ngập nước; bến đò ngang, đò dọc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhất là tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực thường xuyên bị lũ chia cắt để kịp thời ứng phó khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưa lớn ở Bắc Bộ, vùng núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất