Một lần đến với Trường Sa

Minh Giang| 19/06/2016 06:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Được tác nghiệp tại Trường Sa quả là một trải nghiệm đầy thú vị. Trên suốt hành trình trên biển, không ít anh em phóng viên say lên say xuống, phờ phạc, nhưng khi đặt chân lên đảo thì cái say ấy bị đẩy lùi để nhường chỗ cho cảm xúc.

Tác nghiệp nơi đầu sóng, ngọn gió

Đúng 6 giờ sáng, tất cả các thành viên của Đoàn công tác cùng sĩ quan, chiến sĩ nghiêm trang trên boong tàu Trường Sa HQ 571 làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988.

Trong tiếng nhạc trầm hùng, cánh phóng viên tận dụng tối đa công năng của thiết bị làm báo để ghi lại những khoảnh khắc thiêng liêng, xúc động. Sau lời tưởng niệm, vòng hoa kết hình ngôi sao vàng năm cánh nổi bật giữa hàng trăm bông hoa hồng đỏ thắm tượng trưng cho Quốc kỳ và bàn thờ các Anh hùng liệt sĩ sẽ được thả xuống biển….

Để ghi lại được những khoảnh khắc đó, các phóng viên phải rất nhanh chóng rời tàu Trường Sa HQ 571 để di chuyển xuống xuồng cao tốc thì mới chụp được những hình ảnh rất đỗi thiêng liêng và cảm động đó. Sóng khá lớn, chiếc xuồng dềnh lên rồi thụp xuống đến chóng mặt. Chiếc xuồng lắc bên này, xoay bên kia cùng với những đám nước biển đập mạnh vào thành xuồng làm ướt quần áo.

Người chao đảo, nhưng các phóng viên vẫn cố giương cao máy ảnh rồi bấm liên hồi. Tay tôi mỏi nhừ do cầm chiếc máy ảnh nặng gần 5kg lại chụp trong tư thế bị sóng biển “đánh võng”…nhưng thấy vui và khá ưng ý vì có được những khoảnh khắc này tại vùng biển Gạc Ma.

Một lần đến với Trường Sa

Các phóng viên tác nghiệp trên boong tàu Trường sa HQ 571

Sau lễ tưởng niệm, tất cả các thành viên Đoàn công tác số 14 lần lượt xuống xuồng để vào đảo Cô Lin (đây là đảo đầu tiên của chuyến hành trình). Để anh em báo chí có được những thước phim, bức hình sớm nhất, bao quát nhất, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân bao giờ cũng ưu tiên các phóng viên đi chuyến xuồng đầu tiên và lên đảo trước để có thể chủ động “chứng kiến” được toàn bộ “quy trình” một chuyến thăm đảo, cũng như có thêm thời gian quý báu để chuyện trò giao lưu cùng lính đảo.

Các phóng viên tác nghiệp ở Trường Sa phải hết sức cẩn thận với đồ nghề, bởi lẽ tác nghiệp ở trên đất liền thì hiếm khi máy quay phim, máy ảnh bị rơi, bị vỡ hoặc gặp rủi ro khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, tác nghiệp ở nơi đầu sóng ngọn gió thì lại khác hoàn toàn vì quá trình di chuyển từ tàu xuống xuồng, đi lên các đảo sẽ thường xuyên gặp sóng to gió lớn hoặc mưa biển bất ngờ như trút nước.

Do vậy máy ảnh, máy quay phải bọc trong bao bảo quản chống ướt, hoặc che chắn nước biển làm sao cho khéo để tiện cho tác nghiệp. Khi thao tác cũng cần cẩn trọng, nhiều khi phải tính toán để khi con sóng nhồi lên, ngụp xuống thì người phải giữ được cân bằng nếu không rất dễ rơi đồ nghề xuống biển, thậm chí là người rớt khỏi xuồng.

Và để có những tấm ảnh chân thực nhất, các phóng viên báo đài phải “lăn lộn” với các chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Mỗi con chữ ghi chép, mỗi khuôn hình, mỗi bức ảnh ở Trường Sa luôn cực kỳ quý giá, nếu chỉ lỡ tay thôi - đánh rơi hoặc ngấm nước thì khó còn có cơ hội để làm lại.

Một lần đến với Trường Sa

Các phóng viên tác nghiệp trên xuồng cao tốc để chụp ảnh lễ tưởng niệm tại đảo Gạc Ma

Giữa cái nắng cháy da cháy thịt, giữa tận cùng cơn khát, khi chiếc xuồng vừa cập đảo Cô Lin, tôi vội vã lao vào đảo. Chẳng kịp cởi áo phao, tôi thu vào ống kính hình ảnh chân thực, sống động của cánh phóng viên hớn hở lên đảo, chụp những chuyến xuồng vội vã đưa người đất liền đến với người nơi hải đảo xa xôi, hình ảnh con tàu Trường Sa với những chuyến hải trình vượt qua nghìn trùng sóng gió.

Gần 3 tiếng ở đảo, tôi đã chụp trên 300 tấm ảnh từ toàn cảnh đảo Cô Lin, cột mốc chủ quyền, người chiến sĩ Hải quân hiên ngang cùng lá cờ Tổ quốc, những chiếc máy phát điện năng lượng gió, những tủ sách, những gương mặt sạm nắng chắc tay súng bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ...

Chụp ảnh, động viên, trò chuyện, tặng quà cho các chiến sĩ, tôi lại cùng họ hát vang bài: Hành khúc ngày và đêm; Gần lắm Trường Sa; Tổ quốc gọi tên mình; Nơi đảo xa... Tiếng hát của chúng tôi hòa cùng sóng biển ầm ào, hòa vào cái nắng, cái gió của đại dương.

Lưu luyến chia tay đảo chìm Cô Lin, chúng tôi lần lượt đến với xã đảo Sinh Tồn, đến với thị trấn Trường Sa... Đây là những đảo nổi có nhiều cây xanh (chủ yếu là cây bàng vuông, phong ba, bão táp); trên đảo có khá nhiều công trình được xây dựng khang trang như: Chùa, nhà văn hóa đa năng, trường học, công trình quân sự, các căn hộ liền kề của nhân dân sinh sống trên đảo...

Trên suốt hành trình, những phóng viên chúng tôi tiếp tục đặt chân lên đảo chìm Tiên Nữ, Tốc Tan B, Đá Tây B, Đá Lát, Đá Đông A... Đây là những đảo chìm dưới mặt nước biển, khi thủy triều xuống thì chỉ một vài chỗ nhô lên những mỏm san hô hoặc đá mồ côi.

Đến đâu, tôi cũng tất bật, tất tả ngược xuôi ghi chép, chụp ảnh, phỏng vấn, trò chuyện với người chiến sĩ. Tôi hiểu rằng, rất ít cơ hội để lại được đến nơi đây, được đặt chân đến những chốt gác tiền tiêu này, nên tận dụng mọi thời gian để ghi lại cuộc sống và con người nơi đây và lưu lại trong mình những khoảnh khắc đáng nhớ về Trường Sa.

Một lần đến với Trường Sa

Các phóng viên đổ bộ lên đảo Tốc Tan B

Ở đảo nào đặt chân đến, tôi đều trực tiếp chạm tay vào cột mốc chủ quyền, nắm thật chặt những bàn tay, hóa thân vào những chiến sĩ và lưu lại hàng trăm bức ảnh rất thực và sống động về Trường Sa, về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Giữa sóng to gió lớn, lịch trình di chuyển lại kín cả ngày, đêm về tôi bật chiếc đèn đầu giường để viết bài nhằm phản ánh kịp thời về chuyến đi.

Bài thì đã viết, ảnh thì đã chọn, nhưng đành bó tay không thể gửi tin bài về đất liền. Trước khi đi, tôi đã được thông báo ở Trường Sa không có sóng điện thoại Vinaphone và Mobifone, không có Internet, chỉ có mạng Viettel là dùng được nhưng với điều kiện phải lên các đảo. Tuy nhiên, vất vả lắm mới mang được chiếc máy tính xách tay lên đảo, nhưng khi kết nối sim 3G của Viettel thì đèn báo Internet chỉ có tín hiệu 2G nên chẳng tài nào gửi bài viết đi được.

Cần sự can đảm

Điểm cuối của hành trình công tác tại Trường Sa, Đoàn công tác số 14 đi thăm nhà giàn DK1/15 tại bãi ngầm Phúc Nguyên. Đây là cụm Dịch vụ Kinh tế- Khoa học- Kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam của đất nước, cách đất liền gần nhất (Vũng Tàu) 225 hải lý (tương đương 417 km).

Khi tàu đi vào khu vực nhà giàn DK1/15, thời tiết trên biển có gió khá mạnh, sóng biển đánh chao đảo cả tàu. Trên hệ thống loa truyền thanh, Thuyền trưởng tàu thông báo tất cả những người sợ độ cao, huyết áp cao, tiền đình, hay choáng, tiền sử bị tim mạch... thì không được lên nhà giàn.

Không ít người khỏe mạnh đứng trên boong tàu nhìn ra nhà giàn rồi lắc đầu. Có người xuống xuồng đi đến sát chân nhà giàn đã không dám bước lên trên chiếc thang sắt thẳng đứng nối liền nhà giàn với đáy biển thăm thẳm, nên đành quay trở lại tàu trong niềm tiếc nuối.

Một lần đến với Trường Sa

Thả hoa và hạc giấy tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ

Nhìn nhà giàn DK1/15 chênh vênh cao vút giữa giữa trời xanh, tôi và anh Nguyễn Đức Hoàng, Phó Tổng biên tập báo Lào Cai bảo nhau phải lên bằng được. Cột chặt chiếc áo phao vào người, máy ảnh cùng tài liệu bọc vào chiếc túi chống nước chuyên dụng trang bị cho phóng viên, tôi cùng anh Hoàng xuống xuồng ra nhà giàn.

Sóng đánh khá mạnh, chiếc xuồng dềnh lên cao có lúc đến 2m rồi như bị vứt xuống khiến chúng tôi chao đảo, bị ướt như chuột lụt. Càng tiến đến chân nhà giàn, sóng càng đánh mạnh do gặp vật cản. Mạn xuồng liên tục bị sóng đánh xô vào những chiếc cột nhà giàn rồi lại kéo ra xa.

Vất vả, nguy hiểm, mất thời gian khá lâu thì chiếc dây tời nối giữa xuồng và những chiến sĩ đứng trên nhà giàn mới được ghì kéo để cho chiếc xuồng không bị trôi dạt, nhưng chiếc xuồng thì liên tục nhảy lên, nhảy xuống theo từng con sóng lớn. Đứng sát cạnh chiếc thang nhà giàn nhưng mấy chiến sĩ lái xuồng vẫn không thể để tôi bước lên; bởi lẽ sóng to thế chiếc xuồng không khác gì con dao cứ liên tục chặt vào chân nhà giàn; bước lên thang mà không đúng kỹ thuật thì thì xuồng sẽ nghiến nát chân hoặc cả người sẽ rơi xuống biển cuồn cuộn sóng.

Một lần đến với Trường Sa

Toàn cảnh nhà giàn DK1/15 tại bãi ngầm Phúc Nguyên

Sau một chút nghiên cứu, chiến sĩ lái xuồng yêu cầu nhà giàn DK1/15 thả sợi dây từ chiếc cần cẩu thủy lực cao hơn 30 mét trên nhà giàn để nhấc bổng một đầu của chiếc xuồng lên cho đỡ sóng. Được sự trợ giúp của hai chiến sĩ Hải quân, tôi đã bám đu được lên chiếc thang và leo lên nhà giàn.

Rốt cuộc, trong 205 thành viên đoàn công tác, chỉ có được hơn chục người cùng mấy phóng viên may mắn có mặt tại khu nhà giàn hùng vĩ trị giá tới 700 tỷ đồng sừng sững giữa biển trời bao la. Có mặt trên nhà giàn cao hơn 40m so với mặt nước biển, tôi tranh thủ gặp gỡ, động viên và thăm cơ sở vật chất, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Điều mà tôi nhận thấy là mặc dù giữa biển trời khắc nghiệt, thiếu thốn nhưng tất cả mọi nơi đều rất sạch sẽ, ngăn nắp, nội vụ gọn gàng. Trên nhà giàn, các anh vẫn nuôi được vài con lợn, chục con gà, hơn chục cụm rau xanh đủ loại để cải thiện đời sống. Tại nhà giàn DK1/15, tôi cũng không biết mình đã chụp bao nhiêu ảnh, chỉ biết rằng chụp rất nhiều, chụp từng ngóc ngách nhà giàn, chụp từng khuôn mặt cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Những kỷ niệm không bao giờ quên

Từ nhà giàn DK1/15 bãi ngầm Phúc Nguyên, tàu Trường Sa HQ 571 nhằm hướng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu để đưa Đoàn công tác số 14 trở về đất liền. Gió Tây Nam thổi từ đất liền ra biển, tàu chạy ngược gió lên sóng làm con tàu dập dềnh khiến nhiều người nôn nao.

Chạy suốt 1 ngày 1 đêm, tàu Trường Sa HQ 571 neo tại vùng biển Vũng Tàu. Tối hôm đó, tất cả các thành viên Đoàn công tác cùng cán bộ, chiến sĩ tập trung trên boong tàu làm lễ tổng kết chuyến đi và liên hoan văn nghệ. Mấy trăm con người như hòa chung nhịp đập và hát vang những bài hát ca ngợi Đảng vinh quang, Bác Hồ vĩ đại, đất nước quê hương tươi đẹp và những người chiến sĩ nơi đảo xa đang ngày đêm chắc tay súng gìn giữ biển trời Việt Nam.

Một lần đến với Trường Sa

Toàn cảnh thị trấn Trường Sa nhìn từ tàu HQ 571

Suốt 10 ngày hành trình trên biển, tôi đã đặt chân lên 9 đảo và 1 nhà giàn. Tại những nơi này, tôi đã gặp gỡ hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và đã đến thăm gia đình của các hộ dân trên đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa lớn. Cùng với những câu chuyện thú vị, tôi cũng đã thu vào ống kính hàng nghìn bức ảnh phản ánh đa dạng về biển, đảo, về cuộc sống, sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa.

Qua chuyến đi, chắc chắn mỗi con người của Đoàn công tác đều có những thu hoạch và cảm nhận riêng của mình về biển đảo, về những con người kiên cường nơi tiền tiêu Tổ quốc. Và, những phóng viên, nhà báo đến Trường Sa, mỗi người đều đã tích lũy cho mình cả kho tư liệu cùng dấu ấn đầy xúc động về những người lính đảo vượt lên bao gian khó để canh giữ biển trời giữa ngàn trùng sóng gió.

Một lần đến với Trường Sa

Đại diện Báo Công lý tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Tốc Tan B

Trở về đất liền, trở về với những đầy đủ, hoa lệ của phố phường, tôi lại nhớ về Trường Sa và thèm cảm giác được bồng bềnh, chếnh choáng trên biển. Trong những ngày tác nghiệp giữa trùng khơi ở Trường Sa và nhà giàn DK1, tôi hiểu hơn và cảm nhận được tình yêu đối với biển đảo quê hương. Trường Sa xa thật mà cũng rất gần.

Chuyến đi đã đem đến cho tôi không chỉ đơn thuần là một chuyến công tác trên biển- đó thực sự là một cuộc trải nghiệm để rồi nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân, một nhà báo đối với đất nước. Mỗi một tấm ảnh, mỗi câu chuyện của những con người tôi đã gặp trong chuyến hải trình đều là dấu ấn đầy cảm xúc đối với tôi. Nhìn họ, tôi cảm nhận được ý thức bảo vệ chủ quyền của mỗi người dân Việt Nam với biển, đảo quê hương.

Với tôi- một nhà báo, tôi nhận thấy phải có trách nhiệm tuyên truyền nhiều hơn về biển đảo quê hương, tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một lần đến với Trường Sa