Lửa vẫn cháy trong tim người lính

Gia Bảo| 25/07/2017 06:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiến tranh đã lùi xa hơn 42 năm, vậy mà mỗi lần lần giở lại những tấm huy chương, phong thư đã úa vàng được gìn giữ cẩn thận là ký ức về thời binh lửa lại ùa về với cụ Tạ Đức Cựa, một cựu chiến binh ở xã Thanh An, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Đối với người thương binh đã ngoài tám mươi tuổi ấy, thì những ngày tháng hào hùng năm xưa dường như vừa mới diễn ra...

Lửa vẫn cháy trong tim người lính

Cụ Tạ Đức Cựa

Viết “huyết thư” xin vào bộ đội

Theo lời giới thiệu của các cụ cao tuổi xã Thanh An, một sáng đầu hạ, chúng tôi tới thăm gia đình cụ Tạ Đức Cựa. Bên ấm chè xanh, cụ Cựa kể cho chúng tôi nghe cuộc đời của mình, cuộc đời của một thanh niên “tóc ám khói rạ rơm” được giác ngộ cách mạng để rồi “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Tuy cái chân, cái mắt không được nhanh nhẹn, linh hoạt như xưa, nhưng khi nhắc đến những ngày tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt...” cùng đồng đội, cụ Cựa như một con người khác, hoạt bát hơn và giọng nói đầy hào sảng.

Cũng như bao người dân Việt Nam sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh, li loạn, tuổi thơ của cụ Tạ Đức Cựa gắn liền với những tháng ngày cơ cực, lầm than trong cảnh đất nước phải chịu ách đô hộ của thực dân Pháp. Quê cụ, ở miền lúa Thái Thụy, Thái Bình. Tuy là cái vựa lúa lớn nhất của đồng bằng Bắc bộ, nhưng vì thiên tai địch họa, vì chế độ cai trị hà khắc của đế quốc Nhật và thực dân Pháp nên lúc bấy giờ quê cụ Cựa lại là “tâm điểm” trong nạn đói năm 1945.

Đến giờ, cụ Cựa vẫn còn nhớ như in hình ảnh những đoàn người như những hình nhân rời bỏ quê hương tìm lên phố xá, mong kiếm thứ gì đó để ăn. Và cuộc hành trình dài từ chốn thôn quê lên Hà Nội đã biến con người thành những hồn ma xác quỷ. Họ, hoặc là gục chết bên đường, hoặc là thoi thóp sống trong tủi nhục. Sau này, để tưởng nhớ đến những nạn nhân chết trong những ngày lầm than, bi thương ấy, Giáo sư Vũ Khiêu đã từng viết: “Một cơn gió bụi vừa tan/Hai triệu sinh linh đã mất/Khí oan tối cả mây trời/Thây lạnh phơi đầy cỏ đất”.

Ngay từ nhỏ, khi phải chứng kiến người thân ruột thịt của mình sống trong tận cùng thiếu thốn, lầm than, đói khổ, cụ Cựa đã nuôi chí căm thù giặc. Khi lớn lên, được các tầng lớp cha anh giác ngộ cách mạng, các anh em cụ đều tham gia hoạt động cách mạng. Cụ Cựa kể: "Hồi đó, khái niệm về cách mạng, về bộ đội còn mơ hồ lắm. Nhưng khi gặp các anh bộ đội thấy các anh ai cũng khỏe mạnh, hiền lành, đánh được bọn Tây là thanh niên trong làng ai cũng ngưỡng mộ. Tôi và các bạn liền viết “huyết thư”, rồi tạm biệt người thân, xung phong vào bộ đội”.

Lúc đó, cụ Cựa vừa tròn 22 tuổi. Sau vài tháng huấn luyện cấp tốc, cụ Cựa được “biên chế” vào Tiểu đoàn 255, Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316, tham gia chiến đấu dọc theo tuyến đường 6 từ Hòa Bình qua Sơn La lên Lai Châu. Theo cụ Cựa thì cuộc đời cụ có 2 vinh dự lớn, đó là lần duy nhất được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trực tiếp cầm súng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trốn bệnh xá để ra chiến trường giết giặc, lập công

Cụ Cựa chia sẻ: "Thời gian cầm súng chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ không nhiều, nhưng những ngày tháng đó là những ngày tháng đáng nhớ nhất đời tôi. Ngày đó, quân đội ta chỉ đánh vài trận quyết định, nhưng công tác chuẩn bị như đào hào, kéo pháo, nghi binh địch, bắn máy bay do thám, tiếp viện của địch gặp rất nhiều khó khăn, vất vả”. Đó là vào khoảng cuối tháng 10 năm 1953, Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, Đại đoàn 316 của cụ Cựa được lệnh hành quân và đóng chốt tại khu Đông (thuộc xã Tà Lèng, TP Điện Biên Phủ bây giờ) với nhiệm vụ: mở đường kéo pháo từ Nà Nhạn vào dốc Tà Lèng.

Khoảng thời gian đó, Điện Biên mưa không dứt, đất đá ngổn ngang, đường trèo lên hụp xuống. Khắp mọi ngả rừng, những lạch nước lạnh như kim châm lạnh lùng chảy như những mũi khoan. Đường từ Nà Nhạn vào dốc Tà Lèng lại toàn đất núi. Đấy là cái thứ đất đỏ quạch tơi nát toàn mùn rừng, một thứ tro xốp từ cây xanh mà hễ cắm xuống là cây lúa đứng dậy, lớn lên, sinh sôi và trĩu hạt. Nhưng cũng từ trong đất ấy ẩn chứa đầy cam khó. Cam khó từ trong những khối đá rắn đến mẻ quốc, đá to bằng con trâu bố, to bằng cả ngôi nhà 12 cột. Quyết tâm làm con đường kéo pháo bằng mọi giá, cụ Cựa và đồng đội làm suốt ngày đêm không nghỉ. Gian khổ không kể xiết, ăn uống thiếu thốn, quần áo anh em chiến sỹ trong nhiều ngày trời không được giặt nên đều đổi từ màu xanh sang màu vàng đất cả.

Thế nhưng ngặt nỗi nhiều khi đường vừa làm xong, chỉ cần một trận mưa lớn là cả ngàn mét khối đất núi, khi đó tan rữa trong nước như một thứ nước súp bùn đặc sệt, dội xuống như thác. Kèm theo mưa không kịp vuốt mặt, những tảng đá ầm ầm lao xuống như đàn thú chạy trối chết trong cơn động rừng. Đường kéo pháo biến mất. Những người lính Đại đoàn 316 lại phải làm lại con đường từ đầu, từ trong lũ đá, lũ bùn. Mãi rồi cũng hoàn thành,Trung đoàn 174 của cụ Cựa lại được giao nhiệm vụ mới: Đào hào từ khu Đông ra khu vực A1.

Được trực tiếp tham gia tấn công, tiêu diệt cứ điểm đồi A1 với cụ Cựa và anh em đồng đội đơn vị là niềm vinh dự, tự hào lớn lao. Khi đó, cứ điểm đồi A1 là điểm quan trọng nhất trong hệ thống phòng thủ bảo vệ trung tâm Mường Thanh của quân Pháp. Do đó, ai ai cũng phấn chấn và quyết tâm cao hoàn thành nhiệm vụ. Khi 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 174 đồng loạt tấn công vào đồi A1, do thời gian kéo dài nên quân ta bị thương vong rất nhiều. Hỏa lực địch bắn ra chia cắt đội hình, gây tổn thất lớn cho ta.

Đại đội của cụ Cựa ngoài những chiến sỹ hy sinh số bị thương vong nặng cũng khá lớn. Bản thân cụ bị 1 mảnh đạn găm vào xương sống và được chuyển ra Mường Phăng điều trị 1 tuần. Cứ một người bị thương lại mất 2 người khiêng đưa ra phía sau nhưng quân số, lực lượng luôn được bổ sung kịp thời, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, từng mét hào chiếm được. Bởi ai cũng biết, giải phóng đồi A1 nhanh ngày nào, giờ nào, phút nào quân mình đỡ đổ máu, thương vong hơn. Những người không bị thương nặng ở tay và chân, chỉ băng bó, sơ cứu lại hăng hái, gắng sức xin ra chiến đấu. Khó khăn nhưng ai ai cũng rực lên niềm tin chiến thắng. Nhiều người còn trốn bệnh xá, tìm về đơn vị để được tiếp tục cầm súng ra chiến trường giết giặc, lập công.

Sáng mãi tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”  

Vừa chỉ vết thương nơi mảnh đạn găm vào, cụ Cựa vừa kể tiếp. Ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, cụ cùng đồng đội nhận lệnh dẫn giải tù binh về Thanh Hóa. Hoàn thành nhiệm vụ, cụ về quê hương công tác một thời gian và sau đó, theo tiếng gọi của Đảng lại lên xây dựng nông trường Điện Biên. Trước khi đơn vị trở lại chiến trường Điện Biên, tướng Võ Nguyên Giáp tới Thanh Ba, Phú Thọ giao nhiệm nhiệm vụ cho đơn vị. Đại tướng ân cần bắt tay, hỏi han từng cán bộ, chiến sỹ: “Các chú đã lập gia đình chưa?”. Tất cả đồng thanh trả lời: “Chưa ạ” – “Vậy các chú cố gắng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao nhé!”. Bắt tay một chiến sỹ quê ở Cao Bằng, Đại tướng còn đùa: “Nhiệm vụ thành công, Đảng và Chính phủ sẽ cưới vợ cho các chú”. Lần gặp Đại tướng duy nhất đó, cụ Cựa nhớ mãi.

Lửa vẫn cháy trong tim người lính

Một góc Đồi A1

Giờ đây các chiến sỹ từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa ở huyện Điện Biên như cụ Cựa còn rất ít. Riêng xã Thanh An chỉ còn 2 cụ đều đã gần tuổi 90. Năm 2009, 55 năm sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Ban Liên lạc của Đại đoàn 316 gồm rất nhiều cựu chiến binh tổ chức chuyến đi viếng lăng Bác Hồ, thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và khu di tích lịch sử cách mạng Pác Bó. Điều luyến tiếc nhất của cụ và anh em đồng đội Sư 316 trong chuyến đi này là khi đó vì sức khỏe của Đại tướng đã giảm sút nên đoàn không thể vào thăm…

Sau khi về hưu phát huy tinh thần bộ đội cụ Hồ, cụ Cựa vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội. Từ trưởng ban Mặt trận đến Chi hội cựu chiến binh và là Bí thư chi bộ thôn trong nhiều năm. Nay tuổi cao, chân yếu nhưng mỗi năm đến dịp mùng 7/5, 30/4 hay ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7 cụ vẫn nhất nhất yêu cầu con cháu đưa mình lên thăm đồi A1 và vào Nghĩa trang thắp hương tưởng nhớ đồng đội, những người đã chung chiến tuyến, chiến hào với mình. Khi biết cụ Cựa là chiến sỹ Điện Biên, rất nhiều khách du lịch đã đề nghị cụ kể lại trận quân ta đánh chiếm đồi A1 ngay trên chính quả đồi năm xưa cụ và đồng đội từng sát cánh chiến đấu.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã lùi xa hơn 6 thập kỷ, đất nước thống nhất cũng đã 42 năm, những mỗi khi nhắc lại, dường như cảm giác những ngày tháng hào hùng lại sống dậy trong lòng cụ Cựa. Cụ bảo: “Chính những ký ức về thời binh lửa đó đã động viên những cựu chiến binh như chúng tôi sống mẫu mực hơn, sao cho xứng đáng với những đồng đội đã hy sinh, sao cho con cháu hiểu và học tập noi theo. Vả lại, mình còn sống khỏe ngày nào thì còn giúp con cháu làm việc ngày đó, cho dù đó là việc nhỏ, nhưng cứ có ích cho gia đình, xã hội là cảm thấy vui rồi!”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lửa vẫn cháy trong tim người lính