“Loạn” giá dịch vụ nhà chung cư

congly.com.vn| 13/04/2012 11:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công lý đã có bài phản ánh về những bất cập trong quản lý sử dụng nhà chung cư. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục tập trung phản ánh về tình trạng hỗn loạn giá dịch vụ nhà chung cư hiện nay.


“Người giàu cũng khóc”


Kể từ ngày nhà chung cư đi vào hoạt động cũng là lúc tranh chấp về phí dịch vụ, diện tích chung, riêng... giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu xảy ra thường xuyên, thậm chí có nơi đã dẫn tới đổ máu. Luật Nhà ở, Nghị định số 71, Thông tư số 37, Thông tư số 16, Quyết định số 08 cũng không làm giảm bớt căng thẳng giữa chủ đầu tư và cư dân sở hữu chung cư. Trước tình hình đó, trên địa bàn Hà Nội, cuối tháng 9-2011, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án giá dịch vụ nhà chung cư và ban hành quyết định về giá trần phí dịch vụ nhà chung cư tại Hà Nội. Sau hơn 2 tháng thực hiện, quyết định của thành phố đã có tác dụng như thế nào với loại hình dịch vụ đầy mâu thuẫn này?


Theo Quyết định số 4520/QĐ-UBND của UBND Tp. Hà Nội ngày 29-9-2011 (Quyết định số 4520) về giá trần phí dịch vụ nhà chung cư tại Hà Nội: Có 3 mức giá trần là 2.400 đồng/m2, 3.100 đồng/m2 và 4.000 đồng/m2 cho từng loại nhà chung cư khác nhau. Mức giá trên được áp dụng tạm thời trong 1 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực (ngày 29-9-2011). Cụ thể, đối với nhà chung cư không có thang máy, giá trần là 2.400 đồng/m2/tháng cho các dịch vụ: quét dọn, vệ sinh diện tích công cộng của tòa nhà đảm bảo sạch gọn (1 ngày/1 lần); quản lý, vận hành các phương tiện kỹ thuật của tòa nhà theo quy định của nhà sản xuất và chuyên ngành; thay, rửa bể nước đảm bảo vệ sinh (6 tháng/lần); bảo vệ an ninh, trật tự trong và ngoài tòa nhà.

Đối với nhà chung cư có thang máy, mức phí trần được đưa ra là 3.100 đồng/m2/tháng, ngoài việc được hưởng các dịch vụ như nhà không có thang máy người dân còn được tổ chức diễn tập an toàn phòng chống cháy nổ mỗi năm một lần. Tương tự, với mức phí 4.000 đồng/m2/tháng của nhà chung cư có thang máy, người dân sẽ được hưởng thêm các quyền lợi như tổ chức phun thuốc diệt côn trùng mỗi năm 1 lần; chăm sóc cây xanh thảm cỏ thuộc khuôn viên nhà chung cư; lễ tân trực theo giờ hành chính.


Đáng chú ý là, việc xác định giá dịch vụ của mỗi tòa nhà cụ thể phải căn cứ theo đặc thù từ nguồn thu kinh doanh thuộc phần sở hữu chung của tòa nhà, thỏa thuận của các bên liên quan và điều kiện hạ tầng, môi trường để xác định cho phù hợp. Trường hợp giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ đã có quy định về các điều kiện liên quan đến giá dịch vụ nhà chung cư thì thực hiện theo thỏa thuận đó.

Cư dân Keangnam phản đối chủ đầu tư vì mức phí dịch vụ quá cao


Tuy nhiên sau hơn hai tháng kể từ ngày áp dụng quyết định của UBND thành phố, tranh chấp giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu căn hộ chung cư không hề giảm nhiệt, đặc biệt là tại các chung cư cao cấp. Đơn cử như tòa nhà Keangnam, sau nhiều lần người dân đấu tranh nhưng chủ đầu tư cũng chỉ hạ mức phí quản lý từ 0,99USD/m2/tháng xuống còn 18.600 đồng/m2. Đỉnh điểm của mâu thuẫn này là xảy ra xung đột giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu căn hộ tại tòa nhà được cho là cao cấp nhất Việt Nam này. Chủ đầu tư cắt thang máy, điện nước... Cư dân đã phải đốt bếp than tổ ong để nấu ăn. Cuộc đối đầu tập trung đông người làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn, đến nỗi lực lượng Công an, chính quyền địa phương phải can thiệp cương quyết, lúc này chủ đầu tư mới nhượng bộ. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều người, xung đột mới chỉ tạm thời lắng xuống chứ chưa được giải quyết triệt để.


Không “nóng” như Keangnam nhưng các chung cư cao cấp khác như The Manor, Ciputra, Sky City... cũng đang âm ỉ bởi những ấm ức của người dân ở đây về mức phí dịch vụ. Tại The Manor, không chấp nhận mức giá “trên trời” của chủ đầu tư, năm 2008, cư dân The Manor thành lập Ban đại diện lâm thời và đã tự tính giá dịch vụ chỉ là 4.500 đồng/m2 (trong khi chủ đầu tư đưa ra giá 6.600 đồng/m2). Tiếp đến năm 2009-2010, chủ đầu tư lại đưa ra giá 7.500 đồng/m2 nhưng người dân tự tính giá chỉ có 6.500 đồng/m2. Năm 2011, Tổ dân phố đề nghị tạm thu giá dịch vụ 8.000 đồng/m2.


Mức phí “khủng” vẫn được giữ nguyên tại các chung cư cao cấp như: Ciputra 6.300 đồng/m2/tháng, Sky City 8.000 đồng/m2 /tháng, Golden West Lake 0,88USD/m2/tháng (tương đương 18.600/đồng/m2/tháng)…


Người nghèo thì sao?


Theo khảo sát của phóng viên Báo Công lý, một số chung cư bình dân khác cũng bị tăng giá thêm sau khi áp dụng Quyết định số 4520. Đơn cử như Chung cư Licogi13 (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), tháng 8-2011, chủ đầu tư tăng phí dịch từ 120.000 đồng/căn hộ lên 150.000/căn hộ nhưng cư dân ở đây không đồng ý. Bắt đầu từ tháng 11, chủ đầu tư đơn phương áp dụng mức phí 3.100 đồng/m2 song cư dân ở đây không chấp nhận vì Licogi13 cố tình hiểu sai quyết định của thành phố. Cụ thể là, không đưa các khoản thu khác như: Trông giữ xe, cho thuê ki ốt, cho thuê chỗ để cột ăng ten, biển quảng cáo vào giá thành vận hành tòa nhà. Hay tại chung cư Pháp Vân - Tứ Hiệp, từ tháng 10-2011, các hộ dân đều phải thu tăng từ 20.000 đến 30.000/căn hộ/tháng tùy theo độ cao từng tòa nhà. Chung cư ở Đại Kim cũng bị tăng thêm 20.000 đồng/căn hộ/tháng.


Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nguyên nhân của việc phí chung cư mỗi nơi một giá gây xung đột giữa các bên là do bản thân chủ đầu tư chưa công khai minh bạch mức phí và họ cũng không giải thích rõ cho người dân hiểu. Đồng thời một phần cũng do người dân chưa quan tâm tới quyền lợi và trách nhiệm của mình, có thể khi mua bán nhà họ không đọc kỹ hợp đồng.


Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Khung giá trần được đưa ra không áp dụng cho tất cả các chung cư. Theo đó, các chung cư có thể thu phí dịch vụ theo thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu người dân và đơn vị quản lý không có thỏa thuận hoặc mức thu không phù hợp với chất lượng dịch vụ hoặc khi có bất đồng thì thành phố sẽ áp dụng quy định giá trần kèm theo các tiện ích để xử lý.


Tùng Lâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Loạn” giá dịch vụ nhà chung cư