Lễ hội 2016: Siết nhưng chưa chặt

Ngân Thương| 24/02/2016 08:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cũng khoảng thời gian này một năm về trước, bao nhiêu những đóng góp, phê bình, những băn khoăn về thực trạng lễ hội. Đến năm nay, dường như vẫn còn nguyên những thực trạng ấy.

1. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tiền nhân nói cấm có sai, ngoài một tuần ăn Tết thì 3 tuần còn lại là chơi hội. Chỉ tính trong tháng Giêng, trên cả nước có xấp xỉ 3000 lễ hội trong tổng số gần 8000 lễ hội của 1 năm. Có những lễ hội ra đời cách đây cả nghìn năm cho đến nay vẫn được cộng đồng duy trì và phát triển. Điều đó cho thấy Việt Nam là đất nước có bề dày truyền thống văn hóa, tinh thần.

Lễ hội là nơi hội tụ những giá trị nhân văn, giúp con người nhớ về nguồn cội, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc, hướng tới một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Chính vì thế, nên khi thực trạng lễ hội ngày càng xuống cấp trầm trọng với những hiện tượng trái với thuần phong mỹ tục, trái với văn hóa thì vấn đề quản lý đang được đặt lên hàng đầu.

Lễ hội 2016: Siết nhưng chưa chặt

Chen lấn, trèo lên cả bàn thờ ở Lễ khai ấn đền Trần-Nam Định

Năm 2016, thành phố Hà Nội-địa phương có số lượng lễ hội rất lớn với khoảng gần 500 lễ hội lớn nhỏ đã tiên phong trong việc siết chặt quản lý. Ngay từ đầu năm, lực lượng chức năng đã lên phương án xử lý các hiện tượng cờ bạc công khai tại các lễ hội, giải tỏa các cơ sở kinh doanh gây mất mỹ quan và làm ách tắc giao thông. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, tình trạng ép giá, tranh giành khách…cũng được giải quyết, chấn chỉnh kịp thời.

Công an Hà Nội đã ra quân dẹp dứt điểm nạn cò mồi ở Chùa Hương, một trong những hiện tượng gây bức xúc cho du khách trong những năm trước. Tại Hội Gióng (Sóc Sơn), để tránh tái diễn hiện tượng cướp lộc rồi xô xát, đánh nhau, 200 cảnh sát đã được huy động, cải trang để đảm bảo an ninh.

Trước mùa lễ hội 2015, tại Bắc Ninh, lễ hội đình làng Ném Thượng đã tạo ra làn sóng dư luận phản đối dữ dội vì hình ảnh chém lợn giữa sân đình. “Sân đình đỏ máu” là hình ảnh đập vào mắt những người xem hội, trong đó có cả trẻ em, khiến nhiều người cho rằng tục lệ này cần phải chấm dứt vì quá phản cảm.

Năm nay, tục chém lợn vẫn được diễn ra nhưng những ông “ỉn” được “trảm” kín cho thấy tư duy của người dân đã có sự biến chuyển đáng kể. Bởi, để thay đổi một nghi lễ tâm linh, nhất là ở vùng nông thôn không phải là điều dễ dàng.

Cũng trong năm 2016, hàng loạt lễ hội chọi trâu tại các địa phương, không phải lễ hội truyền thống đã được Bộ VH-TT&DL ra văn bản yêu cầu dừng tổ chức. Đây được xem là những điểm nhấn “hiếm hoi” trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Nói vậy bởi ngay những ngày đầu xuân này, hàng loạt những hình ảnh phản cảm, nhếch nhác tại các lễ hội vẫn xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông.

2. Chen lấn, đánh nhau, cướp giật, đổ máu và rồi xin đểu, trộm cắp, móc túi, chặt chém…một bức tranh hỗn tạp, nhếch nhác đến khó tả vẫn xảy ra giữa ‘thanh thiên bạch nhật”, trong một không gian đầy tính văn hóa như lễ hội. Ai cũng phải ngao ngán, lắc đầu. Thế nhưng năm này qua năm khác, nó vẫn cứ tái diễn trước sự lúng túng của các cấp quản lý.

“Bạo lực”…là hai từ được nhắc đến khá nhiều trong những năm gần đây khi nói đến lễ hội. Những thanh niên mình trần, tóc xanh tóc đỏ, xăm trổ chi chít rồng phượng, hung hãn đạp lên đầu nhau, đấm đá đến đổ máu tại Hội phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ). Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại lễ hội “Đả cầu cướp phết” vào ngày 14/2 (tức mùng 7 tháng Giêng) tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Lễ hội 2016: Siết nhưng chưa chặt

Hình ảnh đầy bạo lực, phản cảm ở Hội cướp phết Hiền Quan-Phú Thọ 

Những khuôn mặt trong “đám cướp” ai cũng hung hãn, những tấm lưng dày đặc những vết xăm. Trong đám thanh niên ấy, mấy ai hiểu được ý nghĩa và nguồn gốc của tục cướp phết? Có ai vận dụng bàn tay và khối óc của mình vào trò chơi hay đơn thuần chỉ là sức mạnh cơ bắp. Thần linh cũng phát hoảng với đám cháu con như thế!

Cướp phết, cướp lộc, cướp hoa tre…hàng loạt những động từ “cướp” được nhắc đi nhắc lại trong các hoạt động của lễ hội truyền thống tại một số địa phương. “Cướp” thì có văn hóa hay không?. Giành giật, đạp đầu cưỡi cổ lên nhau để hòng “cướp” về cho mình sự may mắn. Chẳng lẽ đến thời đại này rồi mà chúng ta vẫn mơ hồ, chìm đắm trong cái tư duy hỗn mang ấy?

Đêm ngày 21/2, tại phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) Lễ hội khai ấn đền Trần chính thức diễn ra. Bao giờ lễ khai ấn đền Trần hết loạn?. Đó là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra cho các cấp quản lý. Dù được tổ chức rất kỹ lưỡng, phương án đảm bảo an ninh, trật tự được coi trọng, song tình trạng xô đẩy, chen lấn, cướp lộc ấn vẫn xảy ra. Hình ảnh mưa tiền ném vào kiệu, cảnh tượng xô đẩy, trèo rào kinh hoàng để cướp được ấn cho thấy ý thức của người đi hội đã xuống mức báo động.

Đó là chưa kể đến những hành vi lố lăng, nói tục, chửi bậy, mê tín dị đoan, cướp giật, trấn lột…không thiếu ở bất kỳ lễ hội hay chốn tâm linh nào. Chẳng lẽ, chúng ta cứ làm ngơ để cho những thói xấu ấy thâm nhập vào đời sống tinh thần, làm mất đi những giá trị tốt đẹp bao đời nay?

3. Đưa lễ hội trở về đúng quỹ đạo của nó là một việc làm cấp thiết. Chúng ta có pháp luật, chúng ta có những người đau đáu với với nền văn hóa của dân tộc, chúng ta có sức mạnh cộng đồng thì sao không làm được.

Hoạt động lễ hội đã bị thả nổi, bị biến tướng, thương mại hóa dẫn đến mất đi bản sắc, nảy sinh các lễ hội bạo lực, phản cảm. Chúng ta cũng bị “bội thực lễ hội” với gần chục nghìn lễ hội trong năm dẫn đến nhạt, nhàm và nhảm.

Hãy bắt đầu từ việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống, ý thức của người dân để họ hiểu được thế nào mới là giá trị văn hóa đích thực. Không phải chúng ta cứ ôm khư khư những cái cũ cho rằng đó là truyền thống, phải duy trì. Đã đến lúc phải chọn lọc và kiên quyết loại bỏ những tồn tại đang khiến văn hóa thụt lùi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội 2016: Siết nhưng chưa chặt