Lão nông sẵn sàng “đổ máu” để bảo vệ đồi cò ở xứ Thanh

Thanh Phương| 12/07/2017 13:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mấy chục năm qua, đồi Gò Mả của gia đình ông Phạm Văn Của là nơi trú ngụ của các loài chim trời khắp xứ Thanh, từ Tĩnh Gia, Hoằng Hóa đến Hậu Lộc hay vùng núi Quan Sơn, Mường Lát... Ông Của được người dân bản Mường gọi là "lão nông mê cò".

Theo quan sát của PV, đây là một đồi đất đỏ với những bụi tre, luồng, vầu… ken dày, chỉ đủ lối cho một người lách qua. Trên các ngọn cây hàng chục nghìn con cò, vạc, sếu, vẹt… đậu chi chít. Mỗi cây lim, tre, luồng trên đồi đều phải “gánh” hàng chục tổ, có cành không chịu nổi sức nặng đã bị gãy, trên thảm lá mục, phân cò trắng xóa.

Lão nông sẵn sàng “đổ máu” để bảo vệ đồi cò ở xứ Thanh

Đồi cò rộng chừng 4ha của lão nông Phạm Văn Của

Nhìn vẻ bề ngoài và quan sát ông hăng say lao động không ai đoán là ông Của sinh năm 1934. Sau khi lập gia đình riêng, ông Của xin nhận khu đồi Gò Mả rộng 4 ha toàn cỏ lau để khai phá sản xuất và để ở. Đỉnh đồi ông trồng tre, nứa, lim vang, tổ sản, trà khế, gỗ ngát… dưới chân đồi, ông cấy lúa cung cấp lương thực cho gia đình.

Khi ngọn đồi được phủ xanh cũng là lúc đàn cò lửa từ phương nam bay về làm tổ. Ban đầu chỉ có dăm chục con, dần dần chúng kéo về đàn đàn lũ lũ. Hết cò lửa lại đến cò bợ, rồi vạc, sếu, rồi bìm bịp, khiếu, họa mi… kéo về trú ẩn. 

Lão nông sẵn sàng “đổ máu” để bảo vệ đồi cò ở xứ Thanh

Đồi Gò Mả là nơi trú ấn của cò và nhiều loại chim 

Từ ngày cò kéo về làm tổ, ông Của có thêm niềm vui, sáng ra cò cùng lúc bay đi kiếm ăn như tiếng chuông báo gia đình thức giấc. Chiều về sau ngày lao động vất vả, ngồi bên vệ đường ngắm đàn cò rộng cánh bay lượn thấy lòng thanh thản, yên vui, tiếp thêm động lực cho ông.

Lão nông sẵn sàng “đổ máu” để bảo vệ đồi cò ở xứ Thanh

Ông Của tâm sự với PV về đồi cò

Thời gian đầu vì thấy ở đây nhiều cò, kẻ trộm thường kéo đến săn, bắt. Cứ đêm xuống hoặc trưa nắng là họ lại vượt đồi vào dùng súng săn, súng cao su bắn hạ cò, rồi rung cây cho cò non rơi xuống. Mỗi đêm, cứ nghe tiếng cò gọi nhau "oang oác" như có người phá tổ là ông biết ngay có kẻ xâm phạm.

Ông liền bật dậy, vớ con dao quắm, chiếc đèn pin và gọi mấy người con cùng lên đồi. Không ít lần ông va chạm với bọn trộm cò, thậm chí bị đánh bất tỉnh nhưng ông không nhụt chí, quyết bảo vệ đàn cò đến cùng. Thấy ông bảo vệ cò như con, nhiều thanh niên trai tráng trong làng ban đầu từ ý định bắt cò đánh chén thì lại quay sang cùng gia đình ông bảo vệ đồi cò.

Gần 30 năm gắn bó với lũ chim trời, ông Của hiểu rõ đặc tính của từng loài, nhất là cò. “Từ tháng 3 cho đến tháng 5 là thời gian cò đẻ, ấp trứng. Đến tháng 8 thì cò bố mẹ bắt đầu đưa con đi tập bay, tập kiếm mồi. Thời điểm đầu đông cũng là lúc lũ cò bớt đi xa mà chủ yếu trú ngụ tránh rét”, ông Của nói và cho biết thêm, cò thường sống rất đoàn kết, khi đi kiếm mồi thì theo đàn để hỗ trợ, bảo vệ nhau, song chúng cũng sống cặp đôi chung thủy như người. Mỗi tổ là một cặp vợ chồng. Mỗi lứa chúng đẻ 2-5 quả trứng.

Nhiều người trả ông tiền tỷ để mua khu đồi cò này nhưng ông nhất quyết từ chối. Điều trăn trở nhất của lão nông 83 tuổi Phạm văn Của là “tuổi già chả trông nom cò mãi được, muốn Nhà nước hỗ trợ, lập quy hoạch lại cho đàn cò sống yên ổn, mình có về với các cụ cũng thanh thản”, ông Của nói.

Những ngày này, nếu đi trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua bản Thọ Liên, xã Kiên Thọ du khách sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh tượng kỳ thú. Vào mỗi buổi chiều tà, khi hoàng hôn vừa buông, trên ngọn đồi Gò Mả, hàng chục nghìn cò trắng từ khắp bốn phương kéo về bay rợp một góc rừng, đen sẫm một mảng trời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lão nông sẵn sàng “đổ máu” để bảo vệ đồi cò ở xứ Thanh