Làm báo thời công nghệ số: Sức ép cạnh tranh với mạng xã hội

Thái Bình| 20/06/2019 11:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong thời đại phát triển công nghệ số, chỉ với một chiếc điện thoại nhỏ gọn có chức năng quay phim, chụp ảnh, một người dân bất kỳ sử dụng mạng xã hội để có thể trở thành... người đưa tin. Điều này đặt ra không ít khó khăn và thách thức với nền báo chí.

Thách thức lớn từ mạng xã hội

Những năm gần đây, sự phát triển của mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube, Zalo... đã trở lên thông dụng với sự tham gia của hàng chục triệu người, với mọi thành phần tạo ra một cộng đồng đông đảo. Theo thống kê của Viện Chiến lược thông tin và Truyền thông Việt Nam, có khoảng 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 57% dân số. Trong đó, số lượng người sử dụng mạng xã hội qua di động xấp xỉ 50 triệu người, chủ yếu tập trung sử dụng các mạng xã hội lớn như: Facebook, Youtube, Zalo…

Trong một cộng đồng có số lượng người dùng lớn, mạng xã hội dễ dàng kết nối hàng triệu người khiến thông tin lan truyền với tốc độ chóng mặt, nhiều khi những trang báo điện tử khó có thể làm được. Trong khi đó, cũng với thông tin, sự việc như vậy, các loại hình báo chí truyền thống sẽ phải mất từ vài giờ đến vài ngày mới nhận được. Trong thời buổi công nghệ cực kỳ phát triển này, độ trễ như vậy là quá lớn, khó cạnh tranh.

Thực tế hiện nay cho thấy, việc báo chí phải đối diện với sự cạnh tranh từ mạng xã hội, đặc biệt là về hiệu ứng lan truyền thông tin. Công chúng sở hữu những phương tiện nghe, nhìn hiện đại, nhiều tính năng, đòi hỏi báo chí phải tìm cách thích ứng với thời cuộc để không bị bỏ lại phía sau. Nếu không tìm ra giải pháp đối mặt với thách thức, báo chí (kể cả báo điện tử) sẽ chỉ là sự lựa chọn thứ yếu so với những mạng xã hội có số lượng người sử dụng khổng lồ và có sức lan tỏa mạnh mẽ nhờ hoạt động liên tục, cập nhật thông tin 24/24 giờ.

Làm báo thời công nghệ số: Sức ép cạnh tranh với mạng xã hội

Các phóng viên sử dụng thiết bị điện thoại thông minh để tác nghiệp tại một buổi họp báo

Mạng xã hội ngày càng quan trọng đến mức người ta cho rằng Facebook là một công ty truyền thông đang nắm giữ vai trò chủ chốt trong thông tin toàn cầu, còn Mark Zuckerberg là Tổng Biên tập trang 1 của tất cả các tờ báo trên thế giới.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng: Hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ thì một cơ quan báo chí chính thống cũng có thể thua kém một người dùng mạng xã hội về khả năng lan tỏa thông điệp, dù cùng sở hữu một lượng thông tin như nhau. Đó là nhận định mang tính đúc kết sau khi thế giới chứng kiến sự phát triển với tốc độ chóng mặt của mạng xã hội vốn có tính năng không khác gì một ấn phẩm báo chí đích thực.

Thách thức thứ hai đó là báo chí không nâng cao được năng suất lao động, bởi quá trình đăng tải phải qua nhiều khâu, nhiều quy trình. Đơn cử năng suất lao động của các ngành khác đã nâng lên 100 lần thì báo chí, nhất là báo in vẫn dừng lại ở đó. Đây là lý do mà nhiều tờ báo in ở các nước phát triển buộc phải giải tán, đóng cửa.

Không “bất lực” trước mạng xã hội

Do dễ dàng đưa thông tin mà không có sự kiểm duyệt nên nhiều thông tin được đưa lên mạng xã hội không được kiểm chứng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội. Thời gian qua, nhiều cá nhân đã bị xử lý theo quy định của pháp luật về các hành vi phát tán thông tin xuyên tạc, sai sự thật.

Đơn cử, chiều 12/3/2019, Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh mời chủ tài khoản Facebook Đoàn Cường làm rõ việc đưa thông tin sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở chợ Hạ Long. Ngay sau đó, chủ tài khoản này thừa nhận hành vi thông tin sai sự thật về vụ việc nói trên, đồng thời đăng tải thư xin lỗi những người theo dõi trên trang này về những thông tin liên quan đến dịch tả lợn Châu Phi khiến người đọc hoang mang.

Bên cạnh đó, nhiều phóng viên do sức ép về mặt thông tin đã chủ động lấy tin, bài, ảnh trên mạng xã hội và cơ quan quản lý vẫn duyệt đăng tải. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín cơ quan, khiến niềm tin vào báo chí bị phai nhạt.

Để giải bài toán về sức ép và cạnh tranh với mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Báo chí phải tận dụng lợi thế của mạng xã hội để thông tin truyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Báo chí không được bỏ trống trận địa này, phải sử dụng công nghệ để cạnh tranh với mạng xã hội, thay vì đưa nội dung báo mình lên mạng xã hội của người khác thì mỗi báo phải là một mạng xã hội thu nhỏ của mình.

Muốn làm được điều này, mỗi nhà báo không chỉ cần trau rèn kỹ năng khai thác sử dụng thành tựu khoa học - công nghệ, mà còn cần tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao vốn sống, hiểu biết, vốn nghề, xác định tâm thế dấn thân. Đó là giá trị cốt lõi mà không máy móc hay công nghệ nào thay thế được.

Nhà báo phải thấy trách nhiệm với xã hội để không dễ dãi với các bài viết của mình. Và cũng phải thấy tự hào, cao quý khi thấy mình có một sứ mạng cao cả là tác động đến nhận thức của hàng trăm triệu người. Hãy giữ lấy danh dự người làm báo, giữ lấy niềm tin của xã hội vào báo chí.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,  một mặt báo chí phải thông tin nhanh nhạy nhưng cần phải khác với mạng xã hội, đó là phải bổ sung giá trị gia tăng, đưa tin một cách trung thực, mang tính xây dựng, phản biện và toàn diện.

Để cạnh tranh với mạng xã hội thì đòi hỏi mỗi tờ báo càng phải nâng cao chất lượng, khắc phục xu hướng thương mại hóa, không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo hướng hiện đại. "Đặc biệt là phải xây dựng được uy tín, thương hiệu của mình, thông tin của tờ báo được bạn đọc tin cậy chính là sức mạnh của tờ báo. Báo chí muốn tồn tại và phát huy hiệu quả phải xây dựng được niềm tin với công chúng”, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng cho biết.

Mặt khác, trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về ứng xử trên mạng xã hội phải lấy đội ngũ làm công tác báo chí và truyền thông là đối tượng trọng tâm, có ý nghĩa then chốt. Báo chí truyền thông ứng xử đúng, có văn hóa thì sẽ là “cánh chim báo bão” để những thông tin xấu độc trên mạng xã hội không thể lan tỏa.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm báo thời công nghệ số: Sức ép cạnh tranh với mạng xã hội