Kiên quyết loại trừ “tín dụng đen”

Trung Nguyễn| 17/12/2018 06:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xử lý đến nơi đến chốn “tín dụng đen”, nhất là vào dịp Tết...Đây là vấn đề bức xúc xã hội cần tập trung thảo luận, có biện pháp quyết liệt để loại trừ.

Trước đó, tại phiên họp chiều 13/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời chất vấn về tình trạng hoạt động tín dụng đen diễn ra ở một số địa phương, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tội phạm tín dụng đen vừa là loại tội hình sự, vừa là loại hình công ty, nhóm có hoạt động liên quan đến kinh tế, nên khó phân biệt ranh giới giữa hoạt động kinh tế và tội phạm hình sự để xử lý. 

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, tội phạm tín dụng đen sở dĩ còn đất sống là do tiền nhàn rỗi trong dân còn, nhu cầu tiền cho kinh doanh cũng lớn. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng (TCTD) chưa giải quyết được cả 2 nhu cầu này, khiến đây trở thành kẽ hở cho các tổ chức tín dụng đen hoạt động. Phần lớn các tổ chức tín dụng đen có đối tượng cầm đầu là đối tượng cộm cán, có tiền án tiền sự, lập băng nhóm để siết nợ thuê, sử dụng vũ khí đe doạ, đánh đập khủng bố tinh thần, dẫn đến gây thương vong.

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tín dụng đen có đất phát triển là phạm vi phủ sóng của ngân hàng còn hạn chế. Vào tháng 8/2018, trong Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng “phủ sóng” rộng hơn để người vay được tiếp cận vốn vay thuận lợi, tiến tới thủ tiêu “tín dụng đen”.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết bên cạnh việc xác định tổ chức cho vay tín dụng đen là loại tội phạm để đấu tranh, Bộ Công an cũng đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan ngân hàng để tháo gỡ, huy động được tiền nhàn rỗi trong dân, tổ chức hệ thống tín dụng để người dân, DN tiếp cận được khi cần vốn. Khi đó, nhu cầu tín dụng đen sẽ không còn đất hoạt động. 

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, trong phạm vi quản lý nhà nước của mình, NHNN đã có nhiều giải pháp. Đó là, tạo điều kiện cho các ngân hàng như hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), các quỹ tín dụng mở các chi nhánh, cung ứng các dịch vụ thanh toán, tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng qua hình thức ngân hàng lưu động, áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu thanh toán và vay vốn của người dân.

Thực hiện tốt hơn nữa các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH, các chương trình tín dụng đặc thù của Chính phủ để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tốt hơn. Chỉ đạo các TCTD giải quyết, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, thanh toán để giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn...

Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nhấn mạnh, hoạt động tín dụng không chính thức đòi hỏi trách nhiệm quản lý của các cơ quan, tổ chức, địa phương. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có chỉ đạo và tới đây các bộ, ngành sẽ tiếp tục phối hợp.

Tại buổi họp báo Chính phủ vừa qua, ông Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, tín dụng đen diễn biến rất phức tạp, chủ yếu lợi dụng, núp bóng dưới các tiệm cầm đồ, công ty tài chính, dịch vụ đáo nợ ngân hàng, văn phòng công chứng. Phương thức thủ đoạn của hoạt động này rất tinh vi phức tạp gây khó khăn cho công tác điều tra. Trong khi đó, chế tài xử lý các hành vi này chưa tương xứng với mức độ vi phạm.

Theo đại diện Bộ Công an, Bộ đã quyết định mở đợt cao điểm liên quan đến tấn công trấn áp tội phạm từ 16/12 sau một thời gian chuẩn bị nhân, vật lực. Đợt cuối năm này, xử lý hoạt động tín dụng đen là một trọng điểm.

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tội phạm tín dụng đen.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết loại trừ “tín dụng đen”