Kiên quyết đấu tranh với tội phạm mua bán người

Quang Phong| 02/11/2018 09:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lai Châu có ba huyện biên giới là Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ tiếp giáp với Trung Quốc, có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều đường tiểu ngạch, thuận lợi để nhân dân qua lại làm ăn, thăm thân nhưng cũng là yếu tố để tội phạm mua bán người hoạt động.

Cạm bẫy giăng khắp bản làng

Trong những năm gần đây, tình trạng buôn bán người ở Lai Châu có diễn biến ngày càng phức tạp. Điều đáng nói là thời gian gần đây, tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đặc biệt, đối tượng mà các thủ phạm hướng tới là phụ nữ và trẻ em. Hầu hết các trường hợp bị lừa bán ở Lai Châu là người dân tộc thiểu số. Có nạn nhân chỉ ở độ tuổi mới lớn, có người chưa từng rời khỏi bản, đến khi bị bán qua biên giới và bị đưa sâu vào nội địa, có chạy trốn cũng chẳng biết đường về. Ngay cả một số phụ nữ trưởng thành, nhưng do hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, do ly hôn hoặc không có công ăn việc làm, thích ăn chơi, đua đòi, lười lao động cũng dễ dàng bị bọn tội phạm lừa phỉnh.

Các đối tượng phạm tội mua bán người thường đi sâu tìm kiếm phát hiện thăm dò những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, sống trong các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi hẻo lánh… thiếu việc làm hoặc có thu nhập rất thấp. Trong quá trình này bọn chúng có thể trực tiếp hoặc thông  qua những mối quan hệ họ hàng, bạn bè, hàng xóm quen biết để tìm hiểu hoàn cảnh và các đặc điểm khác của nạn nhân như: sở thích, thói quen, trình độ hiểu biết, điều kiện kinh tế… nhờ giới thiệu quảng cáo cho chúng. Hoặc chúng “tung quân” vào các tụ điểm mại dâm, khách sạn, nhà nghỉ, các quán massage, quán karaoke… để tìm và thuyết phục các tiếp viên, nhân viên, gái bán dâm ở những cơ sở này ra nước ngoài hoạt động theo kỳ hạn bằng con đường du lịch, vượt biên trái phép rồi bán họ.

 Sau khi đã tìm được “hàng” và nghiên cứu về cá nhân từng đối tượng cụ thể, bọn chúng sẽ tìm cách này hay cách khác để nhằm đạt được mục đích là đưa được họ ra nước ngoài bán lấy tiền. Đối với những phụ nữ đang làm gái mại dâm, các đối tượng phạm tội có thể nói thẳng với những lời lẽ hấp dẫn như ra nước ngoài hành nghề được tự do, không bị các cơ quan pháp luật bắt bớ như ở trong nước mà tiền thì lại được nhiều, sang qua biên giới Trung Quốc rất dễ dàng kiếm được nhiều tiền và lúc nào cũng được...

Kiên quyết đấu tranh với tội phạm mua bán người

Mã A Lâu và Thào Thị Say bị Bộ đội biên phòng Lai Châu bắt giữ

Ngoài các thủ đoạn trên bọn tội phạm mua bán người còn lợi dụng các sở hở và chính sách pháp luật của nhà nước ta để hoạt động phạm tội như: Lợi dụng chính sách cho nhận con nuôi, bọn tội phạm mua bán người tìm kiếm những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc đến các cơ sở y tế, bệnh viện phụ sản nơi có những trẻ em bị bỏ rơi sau khi sinh, dụ dỗ thu gom trẻ lang thang hoặc những đứa trẻ khác,… rồi làm giả hồ sơ dưới hình thức cho người nước ngoài nhận con nuôi nhưng thực chất là đem bán ra nước ngoài.

Khi đã dụ dỗ lừa gạt được “con mồi”, trước lúc đưa nạn nhân qua biên giới, chúng dặn dò cẩn thận và thống nhất về lý do qua biên giới để thăm thân, mua sắm hàng hóa, làm thuê… hòng che mắt của cơ quan chức năng. Và, khi nạn nhân rơi vào “bẫy” thì được chúng đặt tên giả, địa chỉ giả, bắt nạn nhân giao dịch bằng tên, địa chỉ giả đó. Đồng thời, quản lý chặt chẽ về tiền bạc, điện thoại… gây khó khăn rất lớn cho công tác điều tra, xác minh, truy bắt tội phạm cũng như tìm kiếm, giải cứu nạn nhân. Phần lớn các đối tượng trong quá trình phạm tội đều sử dụng sim điện thoại khuyến mại, cứ sau mỗi vụ là chúng vứt bỏ sim cũ để tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.

Hậu quả khôn lường

Trong số các nạn nhân mua bán người có người trốn thoát, có người được cơ quan chức năng giải cứu, nhưng con số đó không nhiều. Theo báo cáo của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thì tính từ ngày 16/11/2015 đến ngày 15/5/2018, Lai Châu đã tiếp nhận 54 nạn nhân trở về. Có một điểm chung là hầu hết các nạn nhân bị mua bán đều bị tổn thương nặng nề cả thể chất lẫn tinh thần. Sức khỏe giảm sút do bị ép buộc lao động quá sức, bị đánh đập, tra tấn, bị giam giữ, bị bóc lột tình dục, bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác. Có nhiều trường hợp được thoát khỏi bọn buôn người nhiều nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau tinh thần vẫn hoảng loạn, sợ hãi, như trường hợp Má Thị Di sinh năm 1992, trú tại xã Nậm Loỏng, TP Lai Châu.

Kiên quyết đấu tranh với tội phạm mua bán người

Một số đối tượng Mua bán người bị TAND tỉnh Lai Châu đưa ra xét xử

Nhờ sự vào cuộc của lực lượng Công an tỉnh Lai Châu, Má Thị Di sinh năm 1992, trú tại xã Nậm Loỏng, TP Lai Châu đã trở về trong vòng tay của gia đình sau 5 năm bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc. Thế nhưng đến giờ Di vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những ngày đầu khi bị lừa bán. Di kể: “Lúc em sang được 2,3 tháng thì họ cũng ép mình đi, nếu không nghe lời thì họ đánh, hoặc có thể giết. Thế nên lúc đó em nghĩ là cách tốt nhất là đi theo họ, để không bị giết, rồi sau này tìm cách trốn về”.

May mắn hơn Di, em Vừ Thị G, 15 tuổi, dân tộc Mông, xã Pá Lông, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã được lực lượng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Lai Châu giải cứu kịp thời tại khu vực biên giới xã Mù Sang, huyện Phong Thổ khi sắp bị bán sang Trung Quốc. Vẫn với thủ đoạn chủ động làm quen, rồi vờ tán tỉnh yêu đương, đối tượng Giàng A Chịa đã móc nối cùng đồng bọn để lừa bán em G sang Trung Quốc để lấy tiền tiêu sài. Ngoài đối tượng Giàng A Chịa, trong vụ án còn có Giàng A Vư và Sùng A Mang cùng trú ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là đồng phạm.

Cũng giống như Vừ Thị G, Mùa Thị D (sinh năm 1991) và Mùa Thị S (sinh năm 1999), đều trú tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên suýt chút nữa cũng trở thành nạn nhân của bọn buôn người nếu không được Đồn Biên phòng Huổi Luông giải cứu. Thủ phạm trong vụ án này là Mã A Lâu (SN 1988, dân tộc Mông, trú tại xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) và Thào Thị Say (SN 1992, dân tộc Mông, trú lại xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên). Qua đấu tranh khai thác, Mã A Lâu và Thào Thị Say đã thừa nhận việc bàn bạc, thống nhất lừa rủ D và S đi chơi rồi đưa qua biên giới bán. Nếu trót lọt, Lâu và Say được hứa trả công từ 1.000 đến 2.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên khi 2 đối tượng dẫn 2 nạn nhân tới địa bàn xã Huổi Luông đang tìm cách vượt biên qua biên giới thì bị lực lượng Biên phòng bắt giữ.

Nâng cao tinh thần cảnh giác

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, thời gian tới tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Lai Châu sẽ tiếp tục gia tăng cả về phạm vi, tính chất, số vụ, số đối tượng vi phạm và số nạn nhân bị lừa bán. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, cần có sự vào cuộc nhiều hơn nữa của chính quyền địa phương, các cấp các ngành. Đặc biệt, là tinh thần cảnh giác của mỗi người dân để không bị kẻ xấu lợi dụng hoặc rơi vào vòng cám dỗ.

Kiên quyết đấu tranh với tội phạm mua bán người

 Lực lượng chức năng Lai Châu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động

Để ngăn chặn hoạt động của các đối tượng mua bán người, các lực lượng chức năng của tỉnh Lai Châu đã và đang tập trung tuyên truyền trong cộng đồng, nhất là các xã ở khu vực biên giới, có đường tiểu ngạch giáp ranh với nước láng giềng, nơi có nhiều phụ nữ, trẻ em bị mua bán hoặc vượt biên trái phép, bị lừa lấy chồng nước ngoài. Vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác và tham gia phát hiện, tố giác kịp thời tội phạm mua bán người, không để tội phạm lợi dụng hoạt động; không tham gia giúp sức, tiếp tay cho tội phạm mua bán người; không mạo hiểm vượt biên lấy chồng nước bạn, tìm kiếm việc làm bên kia biên giới và đưa người trái phép qua biên giới. Trong các buổi tuyên truyền, cán bộ cần đưa ra các dẫn chứng cụ thể như các nạn nhân được giải cứu quay trở về trực tiếp kể lại quá trình bị lừa bán, mối nguy hiểm bị đe dọa, cuộc sống cực khổ nơi bên kia biên giới…

Đặc biệt, khi nhận được các nguồn tin từ quần chúng nhân dân, các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, khám phá các chuyên án, vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội. Kết hợp tuần tra, kiểm soát biên giới và quản lý xuất, nhập cảnh với đẩy mạnh truyền thông phòng ngừa; triển khai thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn huyện, trọng tâm là tuyến biên giới Việt - Trung.

Đồng thời, chính quyền các cơ sở cũng tăng cường quản lý Nhà nước, phòng ngừa xã hội, không để phát sinh tội phạm mua bán người; kịp thời phát hiện ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng đưa người di cư trái phép qua biên giới để lừa bán; tiến hành xác minh giải cứu và bảo vệ nạn nhân bị mua bán. Đặc biệt, Công an huyện tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp trao đổi thông tin; duy trì giao ban gặp gỡ, hội đàm, thiết lập đường dây nóng với lực lượng đối đẳng phía Trung Quốc nhằm chủ động trao đổi thông tin. Phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã đối tượng phạm tội, giải cứu, tiếp nhận hồi hương nạn nhân bị mua bán trở về địa phương.

Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền thanh -Truyền hình, các Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện mở các đợt cao điểm tuyên truyền về phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn huyện. Tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này với cách trình bày dễ hiểu, phù hợp với mọi đối tượng, lứa tuổi, vùng đồng bào dân tộc.

 Với sự vào cuộc rốt ráo và đồng bộ như thế, cùng với tinh thần kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán người xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, bắt, xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội, hy vọng rằng trong thời gian tới Lai Châu sẽ đẩy lùi loại tội phạm này, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết đấu tranh với tội phạm mua bán người