Khi tiểu bậy bị phạt nặng: Xả thải độc hại ra môi trường, coi chừng!

Nhật Minh| 29/11/2016 21:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi quy định xử phạt tới 3 triệu đồng cho hành vi "tiểu bậy" chính thức có hiệu lực, thì những tấm biển "Cam Dai Bay" có lẽ khó còn "đất diễn", và những hành vi xả thải độc hại ra môi trường có lẽ cũng nên... coi chừng?!

1. Hồi đầu năm 2016, cư dân mạng được phen xôn xao đến độ “cười ra nước mắt” khi những hình ảnh của một “quý ông tè bậy” tràn lan trên mạng xã hội Facebook và được phản ánh trên các phương tiện truyền thông. Theo mô tả, “quý ông” này đã “thản nhiên dừng xe ô tô, tiểu bậy giữa đường” khiến dư luận sục sôi, còn các cơ quan hữu trách phải… nhọc công tìm kiếm xử lý.

Khi tiểu bậy bị phạt nặng: Xả thải độc hại ra môi trường, coi chừng!

Hình ảnh "quý ông tè bậy" từng gây xôn xao cộng đồng mạng và truyền thông một dạo. Ảnh: Facebook

Thế nhưng, sau khi bụm miệng cười hoặc cười ha hả, bất giác nhìn lại, chuyện tế nhị này lại rất đáng suy nghĩ về cái gọi là ý thức của con người trong việc thực hiện các hành vi cá nhân ở nơi công cộng. Bởi lẽ “quý ông tè bậy” cũng chỉ là một trong số “5 triệu người phóng uế bừa bãi” ở nước ta mà thôi. Đó là thông tin mà PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế chia sẻ tại buổi mít tinh hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh Thế giới diễn ra hôm 19/11.

Phóng uế bừa bãi là một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy và viêm phổi, hai căn bệnh gây tử vong cho 22% số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong ở Việt Nam. Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, trẻ em sống trong các thôn bản chưa có đầy đủ nhà vệ sinh có chiều cao trung bình thấp hơn 3,5cm so với trẻ em dưới 5 tuổi sống ở những nơi có điều kiện vệ sinh đảm bảo.

(Nguồn: UNICEF Việt Nam)

Song cũng hãy khoan vội bình phẩm, phán xét về con số “5 triệu” kể trên. Theo lãnh đạo Cục Quản lý môi trường Y tế, tính đến hết năm 2015 mới chỉ có 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; và cụ thể như ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc sử dụng cầu tiêu ao cá mất vệ sinh vẫn còn phổ biến. Ngoài ra, vẫn còn nhiều trường học, bệnh viện, cơ quan, điểm tham quan du lịch, nhà ga, bến tàu, bến xe, nơi công cộng còn thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn… gây ảnh hưởng lớn đến điều kiện học tập, làm việc, chất lượng dịch vụ và sự phát triển kinh tế.

Bản thân người viết cũng như nhiều người từng chia sẻ, đã phải trải qua “những giây phút kinh hoàng” trong hành trình du lịch đến một vùng đất mới mà không tìm được nhà vệ sinh, hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn. Theo bà Hương, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu nhà vệ sinh hiện nay không phải do điều kiện kinh tế mà là do nhận thức của người dân về sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp; hoặc do tập quán, thói quen không sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn phổ biến, nhất là ở đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, có những nơi lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, nơi công cộng chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng và bảo quản nhà vệ sinh khiến cho các công trình vệ sinh bị xuống cấp, hư hỏng, trở thành… mất vệ sinh (!).

Khi tiểu bậy bị phạt nặng: Xả thải độc hại ra môi trường, coi chừng!

Đại diện Bộ Y tế, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, UNICEF và Quỹ Unilever Việt Nam cùng thực hiện nghi thức cam kết nâng cao điều kiện vệ sinh cho người dân

2. Quay trở lại câu chuyện của “quý ông tè bậy” gây xôn xao cộng đồng mạng và nhân dân Thủ đô ở trên. Tất nhiên danh tính “quý ông” đã được xác định và bị xử phạt theo quy định. Song trong cuộc đối thoại với nhà báo Phạm Huyền trong chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet, nhà văn Trang Hạ đã tỏ ra thông cảm với “khổ chủ”. Chị cho rằng, cùng với việc phạt “quý ông”, nên chăng hãy phạt thêm cả những “người liên quan”? (Bởi lẽ, tại sao “quý ông” phải dừng xe giữa đường rồi vô tư “xả”, trong khi bị hàng trăm con mắt nhìn lại, miệng “Ô”, “A”, ú ớ không thành tiếng vì… bất ngờ?).

Nữ nhà văn cũng chia sẻ câu chuyện mà chính bản thân chị từng trải qua trong một chuyến đi phượt. Khi ấy, chị đã phải “nhịn vệ sinh và đi tìm nhà vệ sinh” mất khoảng chừng 45km; và sau đó thì buộc phải trả tiền cho một nhà hàng bên đường nhưng “không phải để dùng dịch vụ của họ, mà là để đi vệ sinh nhờ”. Rút kinh nghiệm, chị bắt đầu chú ý hơn đến các nhà vệ sinh công cộng ở ven đường. Và “phải hơn 60km sau, mới thấy có nhà vệ sinh công cộng”, nhà văn Trang Hạ kể lại.

Chúng tôi hay nói đùa với nhau rằng, mỗi lần đi ăn tiệc ở đâu, điều đầu tiên là sẽ để mắt tìm kiếm nhà vệ sinh. Bởi rõ ràng, “đi vệ sinh” - khái niệm dùng để chỉ hành động bao gồm đại tiện, tiểu tiện và trung tiện - là một nhu cầu cực kỳ thiết yếu đối với cuộc sống con người, là vấn đề bản năng và được tiến hành hàng ngày. Tuy nhiên, hoạt động tiểu tiện cũng có thể được điều khiển bởi ý thức của con người. Điều này được minh chứng rõ ràng nhất ở việc mỗi người chúng ta có thể thông qua rèn luyện thiết lập nên những đồng hồ sinh học khác nhau, phù hợp với nhu cầu và điều kiện học tập, làm việc… của từng cá nhân. Tất nhiên ở đây cần loại trừ trường hợp những người bị các chứng rối loạn đi tiểu như tiểu gấp, tiểu liên tục hay tiểu không kiểm soát…

Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh Thế giới (19/11), PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Chính phủ Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế đến năm 2025 sẽ chấm dứt việc phóng uế bừa bãi, và năm 2030 sẽ có 100% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Ai cũng biết “tè bậy” gây ô nhiễm môi trường. Không những thế, người có hành vi “tè bậy” còn bị gắn mác… “vô văn hóa”. Mà chẳng ai muốn bị coi là kẻ “vô văn hóa”, nhất là giữa đất Thủ đô văn minh. Tuy nhiên, nếu chẳng may rơi vào tình trạng “khó nói”, cách tốt nhất theo nữ nhà văn Trang Hạ, để hạn chế thực sự tất cả những hành vi phản cảm nơi công cộng, mỗi người chúng ta buộc phải lựa chọn cách ứng xử phù hợp và văn minh nhất, thậm chí là tìm sự hỗ trợ của cộng đồng. “Chúng ta luôn ca ngợi nước Pháp phong trào "cửa mở đó", vậy thì, ở Hà Nội, các bạn cũng sẽ được ca ngợi nếu như luôn có phong trào "cửa nhà vệ sinh mở đó". Nếu như có phong trào đó, xã hội này nhân văn hơn rất nhiều. Đây có thể là một câu đùa nhưng có lẽ nó phản ánh một sự thật trong xã hội này, phải có cộng đồng xúm tay vào chứ không phải chỉ có lên án là đủ”, chị kết luận.

3. Cách đây vài năm, câu chuyện về “Cam Dai Bay” - “vịnh độc nhất Việt Nam” qua lời kể của Alan Phan từng khiến chúng tôi xấu hổ, miệng cười chua xót khi được nghe mấy ông bạn Tây hỏi lại. Mỗi lần nhìn thấy dòng chữ “Cam Dai Bay” được viết vội vàng, nham nhở ở rất nhiều nơi, trên các cột điện, hay thậm chí ở cả những bức tường sáng tinh tươm, người viết bất giác tự hỏi: Tại sao phải giăng hàng chữ này giữa thanh thiên bạch nhật? Có cần không? Có đáng không? Và câu trả lời là: “Có!” (dù biết rằng chẳng hay ho gì). Bởi vì nhiều người dù nhìn thấy dòng chữ to tổ chảng ấy đập vào mắt từ xa vẫn cứ vô tư… “vui cùng thiên nhiên”.

Khi tiểu bậy bị phạt nặng: Xả thải độc hại ra môi trường, coi chừng!

Đây là hình ảnh mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều nơi

Thế nhưng, theo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, từ ngày 1/2/2017, hành vi đi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Như vậy, mức phạt này đã tăng từ 5-10 lần so với quy định cũ; còn so với vài ngàn đồng cho một lần đi vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng, con số 3 triệu đồng cho một lần tiểu bậy quả là… khủng!

Vậy thì, một câu hỏi đặt ra là, một khi quy định nói trên chính thức có hiệu lực, có lẽ những tấm biển “Cam Dai Bay” sẽ không còn có đất diễn? Và xa xôi hơn, nếu quy định pháp luật có thể được dùng để xử lý các cá nhân có hành vi phản cảm như “phóng uế bừa bãi”, thì quy định ấy chắc chắn cũng sẽ có hiệu lực đối với các hành vi - mà ở đó cá nhân, đơn vị, hay tổ chức trong nước hoặc nước ngoài - tiến hành “xả thải chất độc” gây hại cho môi trường đất, môi trường nước… thuộc chủ quyền đất nước Việt Nam?!

Nghị định 155/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định tăng mức phạt tiền với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng (quy định cũ 50.000-100.000 đồng) với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (quy định cũ 200.000-300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng (quy định cũ 300.000-400.000 đồng) với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị.

Khoản 2 điều này quy định, phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 (quy định cũ 1.000.000-2.000.000 đồng) với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi tiểu bậy bị phạt nặng: Xả thải độc hại ra môi trường, coi chừng!