Khi mua thuốc kháng sinh dễ như mua… rau

Thảo Nguyên| 14/08/2018 08:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều cơ sở khám chữa bệnh đang đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều nhóm kháng sinh gây khó khăn trong quá trình điều trị. Vậy nhưng việc mua thuốc kháng sinh để điều trị ở nước ta lại rất dễ dàng.

Có tiền là mua được thuốc

Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo về tác hại với sức khỏe và gánh nặng kinh tế do kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đang ngày càng trầm trọng. Ở các nước, phải có đơn của bác sĩ và rất vất vả mới mua được thuốc. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nơi mua bán kháng sinh dễ dàng nhất mà không cần đơn của bác sĩ, chỉ cần ra hiệu thuốc nói về triệu chứng bệnh là có thể mua được.

Dạo một vòng quanh các khu vực có nhiều nhà thuốc, hiệu thuốc như Giải Phóng, Phương Mai, Triệu Quốc Đạt, Láng Hạ… ở Hà Nội đều dễ nhận thấy là tình trạng mua bán thuốc tấp nập. Người dân vào ra mua thuốc kháng sinh dễ như đi chợ mua rau.

Chị Nguyễn Thu Hà (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mỗi khi con bị ho hay sốt, chị thường ra hiệu thuốc gần nhà. Chỉ cần nói triệu chứng, nhân viên bán thuốc sẽ đưa cho một loạt thuốc, trong đó có 1 hoặc 2 loại kháng sinh và hướng dẫn sử dụng.

“Phải dùng kháng sinh thì người ốm mới nhanh khỏi được. Nếu không, chỉ cần sốt hoặc ho mà không có kháng sinh thì cả tuần cũng chả khỏi. Vừa mệt người lại tốn thời gian”, chị Hà nói.

Khi mua thuốc kháng sinh dễ như mua… rau

 Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc

Cũng như chị Hà, cứ mỗi lần con sốt, viêm họng, chị Trần Thị Thắm (ở Cầu Giấy, Hà Nội) đều chạy ra hiệu thuốc đầu ngõ tự mua kháng sinh cho con. “Cứ sốt, viêm họng phải kháng sinh mới khỏi, có đi khám thì cũng thế thôi, đằng nào bác sĩ chả kê kháng sinh, mà trẻ con thì cứ Augmentine, Zithromax cho… lành”. Đây là quan điểm của chị Thắm, thế nhưng, có lần dùng kháng sinh nhiều ngày liền không khỏi, đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung uơng khám thì con chị đã bị viêm phổi nặng, phải thở oxy.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, ông đi nhiều nước trên thế giới và không đâu lại mua bán kháng sinh dễ dàng như Việt Nam. “Người dân chỉ cần ra hiệu thuốc, thích kháng sinh nào cũng mua được, liều dùng bao lâu cũng vô tư. Uống thì cũng tùy tiện như khi mua. Đang uống 1-2 hôm bệnh đỡ là có thể tự bỏ. 2-3 hôm không đỡ lại đi mua kháng sinh khác. Đây là một nguyên nhân rất lớn góp phần tăng tỷ lệ kháng thuốc”, PGS Dũng cho hay.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho rằng, từ trong ý thức sử dụng thuốc của nhiều người dân Việt Nam, vẫn có ý thức mua thuốc theo kiểu truyền tai, một người dùng khỏi bệnh, nhiều người sẽ mua theo. “Chính sự mua thuốc thiếu trách nhiệm với ngay bản thân mình, với người bệnh đã trở thành “căn bệnh khó chữa”, hậu quả vô cùng nguy hiểm là nạn lạm dụng kháng sinh hiện nay”, PGS Điển nhấn mạnh.

Căn bệnh khó chữa

GS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc bày tỏ lo ngại về tình trạng kháng kháng sinh tại nước ta. Theo ông, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều nhóm kháng sinh. Trong đó tình hình kháng thuốc tại các tỉnh phía Nam nghiêm trọng hơn.

Tại các khoa hồi sức tích cực, vấn đề này còn nan giải hơn, do nơi đây tập trung những bệnh nhân nặng nhất, qua nhiều khoa điều trị. Tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ở Việt Nam đang ở mức báo động, không chỉ ghi nhận một mà vài loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh...

Qua nghiên cứu cho thấy, tình trạng kháng thuốc, đặc biệt là kháng sinh ở Việt Nam đang ở mức báo động và ngày càng gia tăng. Trong đó tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Hiện cả nước có 12.734 nhà thuốc tư nhân, 1.200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh. Trước tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trầm trọng, Bộ Y tế triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn (gọi tắt là Đề án kiểm soát bán thuốc kê đơn). Trong đó quy định, hành vi bán lẻ thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc là hành vi bị nghiêm cấm.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để khắc phục tình trạng bán thuốc không theo đơn đang phổ biến hiện nay, Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP).

Thuốc kháng sinh ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 40, là bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại, giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, do quá trình chọn lọc tự nhiên của vi khuẩn cũng như việc sử dụng kháng sinh không đúng của con người như dùng không đủ liều, quá liều kháng sinh, không phù hợp với căn nguyên gây bệnh,…và lạm dụng kháng sinh trong y tế, trong nông nghiệp đã làm làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, kháng thuốc hiện không còn là vấn đề của mỗi quốc gia mà là của toàn cầu. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng kháng sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi mua thuốc kháng sinh dễ như mua… rau