Hoa hồng và a-xít

Tạ Duy Anh (Công lý và xã hội)| 12/11/2013 12:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ lâu hoa hồng vẫn được coi là tượng trưng cho tình yêu, có lẽ vì nó rực rỡ, quyến rũ, quý phái, mềm mại, lại tỏa thứ hương thanh khiết.

Còn a-xít là thứ dung dịch gây bỏng, ăn mòn, hủy hoại, làm tiêu tan mọi thứ. A-xít không có trong từ điển biểu tượng văn hóa nhân loại, nhưng nếu có chắc chắn nó là kẻ thù của tình yêu và tượng trưng cho sự chết của thứ tình cảm quý phái này.

Kẻ dùng a-xít để minh chứng tình yêu của mình, đích thị là quỷ sứ.

Không biết trong thời gian cầm ca a-xít trong tay ngồi rình chờ người mình yêu đơn phương đi qua để hắt thẳng vào mặt, khuôn mặt từng khiến anh ta mất ăn mất ngủ suốt bao nhiêu đêm-như chính lời anh ta thú nhận- kẻ thủ ác tên là Nguyễn Văn Dũng nghĩ gì trong đầu? Giá kể biết rõ từng ý nghĩ của anh ta lúc ấy, hẳn ngành tội phạm học lại có thêm việc thú vị để làm còn xã hội thì biết trước mà cảnh giác với những loại người như vậy. Có thể sẽ còn rất nhiều suy đoán, nhưng một điều chắc chắn là những ý nghĩ ấy sẽ rất lạnh lùng, thẳng băng như kẻ chỉ dẫn một lèo đến hành động đê hèn, khác xa với một tâm hồn đang yêu thực sự, thường mặc cảm, hồi hộp, lo sợ, luôn bối rối, không rõ ràng về trạng thái cảm xúc. Nhưng đấy chỉ là do tôi đoán thế, dựa trên một vài hiểu biết, bởi rất có thể não của kẻ phạm tội kia chẳng có nhiều thứ như ta đang hình dung, ngoài một cục đất sét.

Nguyễn Văn Dũng không phải là trường hợp duy nhất hắt a-xít vào người mình yêu nhưng không được đáp lại. Chuyện đó đã từng xảy ra. Bản thân tôi đã gặp vài đối tượng trong những vụ tương tự, cả phía bị hại và phía gây tội ác. Tôi gặp họ khi mọi sự đã an bài, vì thế tự thấy có cơ hội để tò mò khám phá điều gì xảy ra với họ sau thảm kịch. Và tôi có thể đưa ra vài nhận xét như thế này: Nạn nhân, thường là bị biến dạng khuôn mặt, trở nên xấu xí, mặc cảm, tuyệt vọng, khép mình, đau khổ có thể cả thù hận nữa, nhưng không ai trong số những người tôi gặp cho thấy họ hối hận vì hành động từ chối tình yêu của mình với đối tượng và vì thế mà bị hại. Còn với những kẻ gây án, sau khi nhận sự trừng phạt, bị nguyền rủa, xa lánh, cũng có phần khép mình, mặc cảm nhưng phần lớn trong số đó (ít nhất cũng là những người tôi biết) không cảm thấy (hoặc không thể hiện ra bên ngoài) sự hối lỗi về hành vi của mình. Đây là điểm dị biệt đáng chú ý với các loại tội ác khác. Thậm chí họ còn ngầm thoả mãn khi mục đích của mình coi như đã đạt được. Một vẻ đẹp không thuộc về họ đã bị phá nát, bị hủy hoại vĩnh viễn. Từ nay dù nó có thuộc về ai nữa cũng không còn gì để tiếc. Với hành động ấy, coi như họ đã giải toả được nỗi ghen tuông có thể kéo dài đến hết đời.

Lẽ tất nhiên những trường hợp cụ thể tôi vừa nêu chưa đủ để khái quát thành một kết luận mang tính khoa học. Nhưng chỉ như vậy cũng đáng để tôi suy ngẫm về hiện tượng nguy hiểm này. Và tôi thiết nghĩ, xã hội cần phải có sự chú tâm thích đáng với hành động nhân danh tình yêu, rất khó phán xét, rất khó loại bỏ nếu chỉ đứng dưới góc độ tội phạm học. Nhiều người gọi đơn giản đấy là căn bệnh cuồng yêu. Tôi không hoàn toàn nghĩ như vậy. Cuồng yêu, như một thứ tình cảm u mê, có thể gây sự lố bịch, khó chịu, đáng thương trước mắt người mình yêu và người xung quanh. Nhưng nó cũng có nét đáng để trân trọng. “Yêu là chết trong lòng một chút”-như lời Xuân Diệu than thở là lời của kẻ cuồng yêu. Yêu đến mức khi bị từ chối, người ta ở vậy cho đến khi chết già, đó là cuồng yêu. Yêu đến mức chỉ nhìn thấy đối tượng xuất hiện trên tivi cũng khóc rưng rức, đập đầu vào thành giường như nhiều trường hợp tôi chứng kiến, là cuồng yêu. Yêu và không được đáp lại bèn nằm lên đường ray cho tầu cán đứt đôi là cuồng yêu. Chính tôi đã từng thấy một cô gái hét lên giữa đám đông rồi khóc hu hu khi ai đó nói xấu thần tượng của cô ta, đó là cuồng yêu. Một điều chắc chắn là, với những kẻ như tôi vừa nêu, họ có thể đáng thương, thậm chí đáng giận, đáng cười nhưng không đáng sợ. Thứ nguy hiểm nhất phải lường ở họ là nguy cơ họ tự hủy hoại bản thân.

Còn trường hợp như chuyện đau lòng vừa xảy ra, kẻ cũng được gọi là “cuồng yêu” đã cầm cả ca a-xít mà hắn ta kỳ công mua về, rình người mình yêu hàng tiếng đồng hồ, bình tĩnh xác định chính xác mục tiêu rồi hắt thẳng vào mặt, thực hiện hành vi tội ác đến cùng ngay cả khi đã bị ngăn chặn; (hoặc những trường hợp tương tự, tẩm xăng đốt bạn tình, hạ thủ bằng thuốc kịch độc, buộc chân tay ném xuống nước cho chết ngạt ngay trước mắt…) thì biết rất rõ việc mình làm, không thể bảo là mất khả năng kiểm soát lý trí. Kẻ mất kiểm soát lý trí thường rơi vào tình trạng điên loạn. Còn trong những trường hợp vừa nêu, tội ác mà họ thực hiện đều đã qua quá trình tính toán kỹ, với hình dung đầy đủ về thảm hoạ mà hành động gây ra.

Vậy nguồn gốc của tội phạm ở đây là gì? Liệu có thể coi đó như một thứ tội ác nhân danh tình yêu?

Viết đến đây thì chính tôi cũng thấy bí khi muốn định danh bản chất của một hành động man rợ. May thay tôi có trong tay cuốn Từ điển biểu tượng Văn hoá thế giới, tập hợp gần như đầy đủ quan niệm của nhân loại, dưới dạng biểu tượng, về những vấn đề gắn với văn hóa. Tôi bèn tra mục Tình yêu để xem nó có những biểu hiện gì, được biểu tượng như thế nào ở các dân tộc khác nhau. Hoá ra, từ nhiều ngàn năm trước, so với bây giờ, có không biết bao nhiêu thứ thay đổi, nhưng tình yêu thì không. Thứ tình cảm này mãi mãi cổ điển. Hầu như tất cả đều có chung quan niệm tình yêu là sự dâng hiến, hy sinh, quên bản thân; tình yêu là cho đi, là hoà nhập vào với người khác, là nung chảy bản thân mình để làm vật liệu xây nên hạnh phúc trong một tâm hồn khác biệt. Tổng cộng có khoảng một trăm định nghĩa tiêu biểu. Tôi hồi hộp đọc tiếp và cuối cùng cũng thấy những lời giải thích cho kiểu hành động như tạt a-xít của Nguyễn Văn Dũng:

“Tình yêu là một nguồn lực bản thể của sự đi lên, chừng nào nó quả là một sự hòa hợp chứ không chỉ là sự chiếm hữu. Khi bị suy đồi thì thay vì sự cho là trung tâm hòa hợp được tìm kiếm, nó trở thành một nguyên lý của sự phân rã và sự chết. Sự suy đồi của tình yêu biểu hiện ở mọi sự triệt hạ giá trị của người khác hòng bắt nó làm nô lệ cho mình một cách ích kỷ. Sai lầm cơ bản trong tình yêu là khi một bộ phận tự xem là tất cả”.

Gốc rễ của vấn đề chính là ở hai chữ suy đồi.

Không biết có bao nhiêu bạn trẻ đang yêu, sắp yêu đọc được những dòng này, để suy ngẫm trước khi có bất cứ hành động nào liên quan đến tình yêu? Nhưng đó không phải là đòi hỏi bắt buộc. Họ không đọc những lời ấy cũng không sao, bởi tình yêu, với tất cả những biểu hiện tình cảm cao thượng nhất mà con người đạt được qua quá trình trưởng thành, cũng là một sản phẩm văn hóa mang tính thừa kế. Vấn đề chính là các thế hệ đi trước quan tâm đến quá trình thừa kế của con em mình như thế nào. Nếu như tất cả cùng có mối lo lắng rằng, vô vàn bài học đẹp đẽ về tình yêu, về đạo lý yêu đương, thể hiện trong kho tàng văn hóa, trong thơ ca, âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ đời sống, trong chính sự phong phú và đầy thiện tính của tự nhiên hay trong những tấm gương của các bậc phụ huynh… vẫn luôn không đủ đảm bảo cho một đứa trẻ đang lớn có thể tự lập về mặt tình cảm, tự đưa ra những quyết định sáng suốt khi thất bại trong tình trường, thì không thể bỏ mặc chúng với bất cứ lý do gì, nhất là trong những tình huống quẫn bách nhất, khi chúng ở giữa hoa hồng và a-xít.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoa hồng và a-xít