Hà Nội rửa đường để giảm ô nhiễm không khí

Chí Tâm| 18/12/2019 22:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 18/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp các sở, ngành, quận huyện để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, môi trường là vấn đề lớn, không phải ngày một ngày hai là có thể làm được ngay. Theo ông Chung, đây là vấn đề cần có giải pháp bền vững, đòi hỏi ngân sách lớn và mình TP Hà Nội thì không thể giải quyết được.

Về vấn đề ô nhiễm không khí, ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn TP có 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài (trung bình từ 5-10 ngày), chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu.

“Đợt ô nhiễm không khí cao điểm nhất là trong tháng 12 (từ ngày 8 đến ngày 14/12), chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu”, ông Định nói.

Ông Định đưa ra 12 nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua. Cụ thể, theo ông Định do điều kiện khí hậu cực đoan (lượng mưa ít, ít gió) cũng là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn vừa qua còn do khí thải phương tiện giao thông, đốt than tổ ong, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ…

Hà Nội rửa đường để giảm ô nhiễm không khí

Xe rửa đường Hà Nội sử dụng trước đây

Sở TN&MT Hà Nội cũng đề xuất nhiều giải pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm không khí, trong đó đề xuất Bộ TN&MT kiểm soát các tác động ô nhiễm không khí xuyên biên giới; rà soát các loại hình sản xuất công nghiệp phát sinh khí thải; Bộ GTVT sớm ban hành quy chuẩn khí thải với ô tô, xe máy; đặc biệt các tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra xử lý các khu, cụm công nghiệp, làng nghề gây ô nhiễm môi trường…

Nêu ý kiến tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Nắng Mai - Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho rằng, rất khó kiểm soát hoạt động khai thác cát, hoạt động của xe chở cát, đặc biệt là việc yêu cầu rửa xe khi ra khỏi vùng khai thác, thi công. Trên địa bàn quận, hiện cũng có nhiều công trình lớn như đường sắt trên cao, đường vành đai 3 phát sinh nhiều bụi. Vì vậy, bà Mai kiến nghị được tưới nước rửa đường trên 15 tuyến đường chính. Hiện, Sở Xây dựng đã thống nhất ý kiến để kiến nghị lên TP.

Cùng nói về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, quận này được TP cho thí điểm rửa đường (1 lần/tuần) với các tuyến đường Giải Phóng, Nghiêm Xuân Yêm đã giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm không khí.

Trước những kiến nghị trên, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức rửa đường ngay trong tuần này, đồng thời đề nghị Urenco (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội) cải tiến đầu phun nước ở các xe rửa đường đảm bảo khoa học, hiệu quả.

Hoạt động rửa đường phố ở Hà Nội đã dừng từ tháng 2/2017. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, mỗi năm trung bình TP mất khoảng 70 tỷ đồng cho việc tưới nước rửa đường.

Để tiết kiệm số tiền này, Hà Nội đã nhập hơn 100 xe hút bụi, quét rác từ Đức. Theo đó, mỗi chiếc xe này có giá 1 tỷ đồng, hút được khoảng 1,5m3 bụi, rác mỗi ngày. Mỗi xe có công suất bằng 12 công nhân.

Việc rửa đường được Hà Nội “cắt” khỏi các danh mục đấu thầu dịch vụ công ích từ năm 2017. Một năm trước đó, dịch vụ công này cũng đã được yêu cầu tạm dừng, thay thế bằng máy quét hút.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội rửa đường để giảm ô nhiễm không khí