Gần 2.000 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài

Đỗ Việt| 26/11/2016 13:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong giai đoạn 2011-2015, trên toàn quốc có 14.539 trẻ em đã được giải quyết cho làm con nuôi, trong đó 12.768 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong nước, 1.771 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài.

Đó là con số được báo cáo trong Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế và Hội nghị tổng kết 5 năm thực thi Luật Nuôi con nuôi vừa diễn ra tại Hà Nội, do Bộ Tư pháp và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức.

Được biết, năm 2012, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế (Công ước La Hay). Công ước được áp dụng trực tiếp nhằm điều chỉnh việc cho, nhận con nuôi quốc tế tại Việt Nam không qua giai đoạn chuyển tiếp.

Ngay sau khi Công ước La Hay có hiệu lực thi hành, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án triển khai thực hiện Công ước La Hay giai đoạn 2012-2015 nhằm nâng cao nhận thức về Công ước La Hay và tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nuôi con nuôi.

Gần 2.000 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài

Gần 2000 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài

Theo thống kê của Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp), trong giai đoạn 2011-2015, trên toàn quốc có 14.539 trẻ em đã được giải quyết cho làm con nuôi, trong đó 12.768 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong nước, 1.771 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài.

Trẻ em Việt Nam được giải quyết làm con nuôi nước ngoài chủ yếu ở các nước có quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam trong khuôn khổ Công ước La Haye và hiệp định hợp tác song phương. Các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ từ khâu lập danh sách, xác nhận trẻ em có đủ điều kiện làm con nuôi đến việc giới thiệu và thông báo kết quả giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Cũng theo Cục Con nuôi, việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài đối với trẻ em thuộc diện có nhu cầu chăm sóc đặc biệt được thực hiện bài bản, dần tiếp cận trình tự thủ tục theo Công ước La Hay. Tuy nhiên, việc triển khai công tác giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài ở một số địa phương còn chậm, hạn chế về số lượng, chưa đồng đều và chưa có sự quan tâm đầy đủ của các cấp có thẩm quyền.

Cùng với đó, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhận định: Việc thực thi chế định nuôi con nuôi ở Việt Nam vẫn không thể tránh được những tồn tại, bất cập, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu hợp tác quốc tế và giải quyết các vấn đề nuôi con nuôi của Việt Nam là rất lớn. Điều này đặt ra Việt Nam cần thiết phải có đánh giá toàn diện thực trạng công tác giải quyết nuôi con nuôi thời gian qua, những kết quả đạt được, hạn chế yếu kém, tìm ra nguyên nhân để đưa ra giải pháp khả thi để nâng cao, chất lượng hiệu quả công tác giải quyết nuôi con nuôi.

Để giải quyết những hạn chế như trên, Hội nghị đã bàn luận và đưa ra phương hướng tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành ở Trung ương và địa phương; bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức và kinh nghiệm tâm lý xã hội cho cán bộ công chức làm công tác nuôi con nuôi quốc tế; tăng cường trao đổi để có điều chỉnh phù hợp hoặc đưa ra những định hướng đúng trong quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và các nước. Đồng thời kiểm tra, giám sát tình hình cho, nhận con nuôi quốc tế và tình hình tài chính có liên quan đến việc cho nhận con nuôi quốc tế.

Liên quan đến công tác phối hợp giải quyết con nuôi, ngày 11/3/2016 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tư pháp cũng đã ký kết phối hợp giải quyết con nuôi đối với trẻ em đang được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Mục đích của việc phối hợp này nhằm tạo điều kiện để trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội được cho làm con nuôi theo quy định của pháp luật.

Theo đó, hai Bộ sẽ có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương, cơ sở trợ giúp xã hội trong việc rà soát và đánh giá năng lực của các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố; thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho cơ sở trợ giúp xã hội, không phân biệt cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trong việc giải quyết nuôi con nuôi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 2.000 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài