Doanh nghiệp “kêu” vỡ nợ, nông sản ký gửi "không cánh mà bay"

Trần Sỹ| 10/04/2017 19:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau thu hoạch, người dân vội mang nông sản đến các cơ sở thu mua để ký gửi. Bất ngờ, một số chủ doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ sau khi ôm các mặt hàng trị giá lên đến hàng chục tỷ đồng của dân khiến cho họ lâm vào cảnh lao đao…

Dân khóc vì doanh nghiệp bất ngờ “vỡ nợ”

Năm 2016, cũng giống như các nơi khác ở Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai đã đón nhận sự khắc nghiệt của thời tiết khi nắng nóng lên đến đỉnh điểm. Đất đai khô cằn, hàng nghìn hécta tiêu, cà phê không có nước tưới, số bị chết, số không đạt sản lượng trung bình... Thời tiết khắc nghiệt vẫn không làm cho con người ta gục ngã. Thế nhưng một số người dân đã bị chính những người mà mình tin tưởng đẩy vào sự khó khăn, nghèo khổ khi một năm lao động vất vả với biết bao công sức, tiền của bỏ vào đó có nguy cơ mất trắng.

Thấy số hàng hóa mà người dân ký gửi có giá trị lên đến hàng tỷ, chục tỷ đồng, một số doanh nghiệp đã tuyên bố vỡ nợ một cách khó hiểu… Họ “tạm trốn” đi một thời gian; có người còn ngang nhiên xuất hiện trước hàng chục người dân để thừa nhận vỡ nợ rồi khất nợ.

Tại Chư Sê-Gia Lai, giữa cái nắng nóng của tiết trời tháng 4,  hàng chục người dân đã kéo nhau đến doanh nghiệp thu mua nông sản Sáu Đào (thôn Vườn Ươm, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) khi hay tin doanh nghiệp này tuyên bố vỡ nợ. Họ là những nông dân “chân lấm tay bùn” quanh năm cực khổ làm việc, mong muốn giá nông sản lên cao để bán kiếm thêm đồng tiền đủ để trang trải cuộc sống nên đã ký gửi cà phê, tiêu cho doanh nghiệp này. Họ không ngờ, chính cái nơi mà mình vẫn tin tưởng, vẫn ký gửi lâu nay lại có ngày khiến cho gia đình mình trở tay không kịp. Công sức, tiền của một năm trời bỗng chốc bay hết. Hơn 50 tỉ đồng bốc hơi chỉ với một câu “vỡ nợ”, chủ doanh nghiệp “lẩn” đâu không ai biết, hàng chục người dân kẻ giận dữ, người thẫn thờ, khóc lóc.

Doanh nghiệp “kêu” vỡ nợ, nông sản ký gửi

Doanh nghiệp tư nhân Sáu Đào sau khi “ôm” hàng ký gửi lên đến hơn 50 tỷ đồng bỗng nhiên tuyên bố vỡ nợ

Trước đó, trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã xuất hiện nhiều sự việc tương tự khiến cho hàng chục hộ dân điêu đứng. Năm 2016, huyện Đăk Đoa đã xảy ra hai vụ vỡ nợ cũng lên đến hàng chục tỉ đồng.

Gần đấy nhất là cuối năm 2016, hàng chục người dân xã Ia Băng-Đăk Đoa bỗng chốc trắng tay khi chủ kho nhận ký gửi là bà Lê Thị Tam tuyên bố vỡ nợ. Bà Tam là một tiểu thương chuyên thu mua cà phê từ các bà con trên địa bàn từ hơn 4 năm nay. Vì biết bà Tam thu mua cà phê nên nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ia Băng sau khi thu hạt cà phê về thường kí gửi tại kho nhà bà Tam.

Những người tham gia ký gửi, phần lớn đều có điều kiện gia đình khó khăn, có hộ phải vay tiền ngân hàng về để mua phân bón, đang chờ giá cả lên để bán lấy tiền trả nợ. Cuộc sống, không ai lường trước được chữ “ngờ”, nợ ngân hàng còn đó, tài sản bỗng chốc bốc hơi cùng với chủ nhân ký gửi.

Vỡ nợ thật hay chỉ là chiêu trò?

Sân bãi rộng, nhà to xe đẹp, các doanh nghiệp hay đại lý ký gửi đều tạo cho mình một cái “mác” bên ngoài giàu có, thành đạt. Bước đầu, việc ký gửi được thanh toán đầy đủ sau khi hai bên chốt giá xong, những gia đình khó khăn trong việc mua phân bón, giống cây trồng, đều được họ cho nợ, hay rút hầu bao ra cho mượn tiền. Chính điều đó, đã khiến người dân tin tưởng, lần lượt mang nông sản đến ký gửi.

Khi niềm tin đã lớn, giá trị tài sản tuồn vào kho mình đủ nhiều, các ông, bà chủ nhận ký gửi đã công bố vỡ nợ. Bài học về lòng tin đã bị đánh đổi quá lớn khi việc ký gửi chủ yếu dựa trên sự tin tưởng của hai bên. Những tờ giấy viết tay nguệch ngoạc, hay những tờ phiếu ký gửi giữa bên gửi và bên nhận gửi viết cho nhau là xong. Điều đó đã vô tình tạo kẽ hở để cho hàng chục vụ vỡ nợ cà phê, vỡ nợ tiêu… liên tiếp xảy ra.

Doanh nghiệp “kêu” vỡ nợ, nông sản ký gửi

Người dân thẫn thờ khi số nông sản mình gửi “không cánh mà bay”

Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các vụ tuyên bố vỡ nợ đều có số tiền lớn lên đến hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Không biết bằng cách nào mà cà phê, tiêu và các loại nông sản khác được ký gửi trong kho lại “mất hút” cùng với việc các cơ sở, doanh nghiệp tuyên bố phá sản một cách đột ngột.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là các cơ sở, doanh nghiệp đã làm gì với số nông sản mà người dân ký gửi khi giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng và việc tuyên bố vỡ nợ phải chăng chỉ là chiêu trò để chiếm đoạt số tài sản trên?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp “kêu” vỡ nợ, nông sản ký gửi "không cánh mà bay"