Có một cánh đồng trên biển

congly.com.vn| 13/04/2012 11:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Được đánh giá là khu vực rừng ngập mặn độc đáo nhất miền Bắc, xã đảo Đồng Rui, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh đã từng trải qua một thời kỳ khủng hoảng trầm trọng. Suốt một thời gian dài, hòn đảo này cùng với hơn 1.500ha rừng ngập mặn nguyên sinh đã bị người ta “xẻ thịt” không thương tiếc để biến thành những đầm nuôi tôm nước mặn.

Với quyết tâm không để hòn đảo giàu tiềm năng này biến thành vùng “đất chết”, giờ đây chính quyền và nhân dân Đồng Rui đang chung sức để hồi sinh lại những cánh rừng ngập mặn đã tàn lụi, mang lại cho đảo một hy vọng mới.


“Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”


Trong ký ức của người dân Đồng Rui thì cách đây chừng 10 năm, xã đảo này là một vùng tan hoang bởi phong trào làm đầm nuôi hải sản xuất khẩu. Cả xã như lên cơn sốt làm giàu. Những cây trang, đước, sú vẹt vốn là một vành đai xanh bảo vệ cho đảo khỏi gió bão, triều cường và nước mặn xâm thực bỗng bị chặt phá để làm đầm.

Một góc rừng ngập mặn Đồng Rui


Không có rừng, những con đê quai và bờ bao của các đầm tôm trở nên bé nhỏ trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Mười năm trước, các đầm tôm xuất hiện hàng loạt từ việc “xẻ thịt rừng” thì mười năm sau, Đồng Rui cũng là nơi các hộ dân và doanh nghiệp phá sản hàng loạt, để lại đảo hàng ngàn héc ta đầm hoang tàn, lở lói. Đã có nhiều dự án sẵn sàng hỗ trợ cho xã và người dân để tái tạo lại rừng trên diện tích đầm bỏ hoang này nhưng vẫn chưa thể thực hiện được bởi hợp đồng mà các chủ đầm ký với huyện chưa đến thời hạn thu hồi.


Trong khi hàng ngàn héc ta rừng ngập mặn chưa thể tái sinh thì hầu như mùa mưa bão năm nào nước triều cũng tràn vào hàng chục ha đất nông nghiệp, gây nhiễm mặn. Trận triều cường kinh hoàng vào năm 2008 ập vào Đồng Rui đã khiến nhiều ki lô mét đê bị vỡ, hàng trăm héc ta đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hàng tỷ đồng và phải mất đến ba năm sau, diện tích đất này mới có thể khắc phục, gieo trồng bình thường trở lại.


Khát vọng hồi sinh từ rừng


Nhận thức rõ sai lầm, ngay từ năm 2003, xã Đồng Rui có chủ trương bảo vệ rừng ngập mặn, được thể hiện trong nghị quyết của Đảng uỷ, HĐND, trong chương trình công tác của UBND và 4 thôn trong xã. Trong đó đặc biệt khuyến khích bà con tích cực tuần tra bảo vệ rừng ngập mặn với một cơ chế khen thưởng rõ ràng, cụ thể.

Bên cạnh những nỗ lực tự thân ấy, Đồng Rui còn được Chương trình tài trợ các dự án nhỏ quản lý bền vững rừng nhiệt đới Việt Nam (EC/UNDP) tài trợ, với mục tiêu xây dựng hình thức quản lý dựa vào cộng đồng để bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện hệ sinh thái, môi trường, nhằm cung cấp nguồn lợi thuỷ hải sản tự nhiên, chống xói mòn, giữ đất phù sa, tạo nguồn thu nhập ổn định dưới tán cây rừng. Đến nay, Đồng Rui đã trồng mới được trên 500 ha rừng, trong đó có gần 10 ha do người dân nơi đây tự ươm giống và trồng ngoài dự án.

Nụ cười rạng rỡ của người phụ nữ Dao ở Đồng Rui


Anh Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Rui cho biết, sau giai đoạn khủng hoảng từ việc tùy tiện phá bỏ rừng, giờ đây vùng rừng ngập mặn Đồng Rui được khôi phục đã giúp cho hệ sinh thái quanh đảo dần hồi phục. Mỗi năm, người dân trên đảo có thể cung cấp hàng trăm tấn hải sản, nhuyễn thể, thủy đặc sản, chủ yếu là nguồn lợi từ rừng ngập mặn mang lại. Tỷ lệ nghèo đói còn lại ở Đồng Rui không đáng kể. Hơn 80% dân đảo hiện nay sống bằng nghề khai thác bãi triều cho nên bảo vệ rừng là vấn đề sống còn. Không những đảo đang tự hồi sinh, mà còn trở thành một vùng đất lành đem lại một cuộc sống mới cho những người nghèo di cư từ nơi khác đến.


Đất lành trên biển


Theo chỉ dẫn của một người dân trên đảo, chúng tôi đến thôn 4, một thôn ven biển mới được thành lập vài ba năm trở lại đây do làn sóng di cư ồ ạt của người dân các dân tộc sống tại các khu vực miền núi bị sạt lở, các vùng lõm thuộc các huyện nghèo của tỉnh Quảng Ninh như Bình Liêu, Tiên Yên theo chủ trương của tỉnh. Đa phần cư dân thôn 4 là người dân tộc Dao, gồm 40 hộ sống chủ yếu bằng nghề thu nhặt các loại thủy, hải sản nhuyễn thể dọc theo các bãi triều quanh đảo.


Ông Tằng Khai Lúi, một trong những hộ dân có mặt tại thôn 4 sớm nhất cho biết, từ các các vùng xa xôi như Đại Dực, Hà Lâu, Phong Dụ… nơi người dân phải đối mặt với sự đói nghèo trong các bản làng heo hút và nguy cơ sạt lở đất vào mùa mưa bão, bà con đã đồng lòng di dời và được tái định cư xuống Đồng Rui, một vùng biển thoáng rộng và có diện tích rừng ngập mặn rộng lớn.


Chuyển đến nơi ở mới cũng đồng nghĩa với việc bắt đầu một cuộc sống mới với những phương kế mưu sinh mới. Hầu hết người di dân xuống Đồng Rui đều bỏ nghề đi rừng và nhanh chóng học cách kiếm sống bằng nghề đi biển cũng như cố gắng thích nghi với khí hậu, thời tiết và cung cách làm ăn của người dân biển. Mỗi ngày vợ chồng ông Lúi có thể đào được vài cân bông thùa, kiếm được vài trăm nghìn đồng tùy theo thời giá. Ông bảo, người Dao ở Đồng Rui bây giờ chỉ trở lại thăm nơi ở cũ vào những ngày thờ cúng tổ tiên, tu sửa mồ mả ông bà mà thôi chứ không ai muốn quay trở lại cuộc sống trước đây nữa. Nhiều người họ hàng của ông bà cũng đang nóng lòng chờ đợi được đưa vào danh sách những hộ sẽ tiếp tục được di dân xuống đây trong thời gian tới.


Theo tài liệu quản lý của chính quyền xã Đồng Rui cho thấy, hiện nay, ở đảo Đồng Rui, trung bình mỗi người có 700m2 đất sản xuất. Các diện tích đất khai hoang phục hóa ở sát ven biển được quy hoạch cụ thể nhằm mục đích tạo được mặt bằng kinh tế ổn định. Dẫu chưa thật giàu có nhưng nguồn thu nhập từ những triền rừng ngập mặn đang tái sinh mạnh mẽ từng ngày cũng đã mang lại cho bà con một cuộc sống dễ chịu, đầy đủ hơn. Với diện tích rừng mỗi ngày một phát triển do ý thức chăm sóc và bảo vệ của bà con, chắc chắn mong ước biến hòn đảo này trở thành một vùng kinh tế - du lịch trù phú của chính quyền và nhân dân nơi đây sẽ không còn xa nữa.

Ngân An

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có một cánh đồng trên biển