Chuyện của những nữ thợ hồ trong cuộc mưu sinh

Vi Nhất Bình| 08/03/2017 06:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mình đang mặc chiếc áo lao động, người dính đầy xi măng, cát mà tay cầm bông hoa thì xấu hổ lắm. Chỉ cần hai vợ chồng cùng tu chí làm ăn, nuôi dạy con cái nên người thì không có hoa, quà nào có thể “đổi” được”, nữ phụ hồ Đinh Thị Hiền chia sẻ.

Hai chị em dâu cùng trộn hồ, đẩy gạch

Khi chúng tôi đến, kim đồng hồ đã dừng lại ở mốc 11h30 trưa – thời điểm mọi người quây quần bên mâm cơm gia đình thì trên công trường xây dựng tại Từ Liêm, Hà Nội những “bóng hồng” vẫn miệt mài đẩy gạch, trộn hồ cho kịp giờ. Vì mưu sinh, họ “gắn” cuộc đời mình với bao xi măng, sắt thép, gạch nung hay chiếc xe rùa cũ kĩ – những công việc dành cho đàn ông ngay cả khi ngày 8/3 đang tới gần. 

Trên công trường, chúng tôi bắt gặp hình ảnh hai nữ thợ hồ là chị em dâu. Họ cùng nhau khuân gạch, đẩy xe rùa hồ vữa cho tốp thợ xây làm việc. Đó là chị Ngô Thị Thư (40 tuổi) và chị Đồ Thị Thúy (40 tuổi) quê ở Vĩnh Ninh, Vĩnh Phúc. Được biết, chị Thư và em dâu từng là bạn học, sống cùng làng rồi thành chị em dâu và nay lại là “đồng nghiệp” khi cùng nhau trộn hồ, đẩy gạch, xách nước giữa nơi đất khách.

Chuyện của những nữ thợ hồ trong cuộc mưu sinh

Hai chị em dâu Ngô Thị Thư và Đồ Thị Thúy nơi công trường xây dựng - Ảnh: Vi Nhất Bình 

Cũng vì mưu sinh, chị Ngô Thị Thư theo chồng xuống Hà Nội bươn chải làm ăn bằng nghề thợ hồ đã hơn chục năm nay. Còn chị Đồ Thị Thúy mới đi làm thợ hồ theo công trình được gần một tháng. Có lẽ, do vất vả từ bé nên khi được hỏi về công việc chị Thư cười xòa rằng: “Mình làm quen rồi nên cả ngày khuân vác tối về cũng không thấy mệt. Mình đi phụ hồ từ khi con mới được 3 tuổi đến giờ hơn chục năm nên quen. Vả lại, ngày trước làm nông vất vả nên giờ cũng thấy bình thường”.

Dáng người nhỏ thó nhưng chị Thư lại rất nhanh nhẹn, chỉ trong chốc lát những xẻng cát, xi măng cùng xô nước được chị cho vào máy trộn bê tông một cách thuần thục không kém cạnh phái mạnh. Cách đó dăm bảy mét, đống gạch cao gấp 2-3 đầu người trưởng thành đang vơi dần bởi những chuyến xe rùa của chị Thuý. Trong bộ đồ bảo hộ lao động lem lấm màu đất, chị Thư thoăn thoắt đẩy những xe gạch đầy ắp vào chỗ tốp thợ đang giăng dây, đặt gạch.

Làm nghề lao động tự do nay đây mai đó nên cuộc sống của chị và mọi người luôn gắn với những cái lán dựng tạm ngoài trời. “Nghề xây dựng mùa nào cũng vất vả. Ngày nắng cho đến ngày mưa đều vất vả như nhau. Tuy vất vả nhưng có chị có em vẫn hơn, thỉnh thoảng lại nhờ cậy được nhau. Có điều, bọn mình phải xa con từ khi cháu chỉ mới được 3-4 tuổi nên ai cũng khổ tâm” – chị Thư tâm sự.

Rơi nước mắt vì phải xa con

So với những ngày đầu "tập" đẩy xe gạch, trộn hồ đến nay chị Đồ Thị Thúy đã thạo việc sau một tháng chăm chỉ làm việc. Trên chiếc xe rùa đang chạy có phần "điêu luyện" của chị ước chừng có khoảng 30 viên gạch nung, mỗi viên nặng tầm 2kg/chuyến cũng như một xe hồ vữa đầy mà chị không còn bị ngã dúi dụi hay “bỡ ngỡ” như những ngày đầu tiên “đổi nghề”.

Anh Nguyễn Phùng Mùa (45 tuổi, Vĩnh Phúc), một thợ xây lành nghề ở công trình cho biết: “Những ngày đầu các cô trộn bê tông 10 phần sai 9. Có khi nhiều xi, ít cát và ngược lại nên thợ xây phải xuống hướng dẫn tỉ mỉ. Sau ít lần trộn hồ bị nhão đến nay các cô đã thạo việc hơn. Kể cả việc đẩy gạch cũng vậy, phụ nữ tay yếu nên ban đầu không được đẩy nhiều. Tuy nhiên, về sau khi quen tay, giữ được thăng bằng các cô đã đẩy được gạch nhưng nếu không cẩn thận có thể trượt chân ngã”.

Chuyện của những nữ thợ hồ trong cuộc mưu sinh

Chị Đồ Thị Thúy không còn bị ngã dúi dụi như ngày đầu tiên “đổi nghề” - Ảnh: Vi Nhất Bình 

Trên công trường xây dựng, nếu người phụ nữ làm nấu ăn cho thợ thì sẽ đỡ vất vả hơn so với làm phụ hồ - việc của người đàn ông. Nếu đem so với làm ruộng thì làm nghề này phụ nữ có tiền hơn nhưng bị ràng buộc về thời gian. Khi đi làm đồng, nếu họ mệt có thể về nhà nghỉ ngơi, nhưng theo anh Mùa ở công trường phụ nữ cũng như đàn ông, phải đi làm đúng giờ, nghỉ đúng giờ. Những ai làm ẩu hay ngồi nghỉ nhiều thì bị cai thầu ghét, trừ lương trong khi phụ nữ vốn chân yếu tay mềm, sức khỏe hạn chế hơn.

Đặc biệt, những người phụ nữ làm nghề phụ hồ đều sống trong lán được làm bằng những tấm bạt. Ngay cả chiếc giường ngủ cũng được tạo nên từ những tấm ván cốt pha thanh dài thanh ngắn mà không ít lần vô tình đụng phải những chiếc đinh được mệnh danh là “sát thủ” giấu mặt. Vào những ngày mưa gió, nắng cháy không ít người phát ốm nhất là phụ nữ khi mưa tạt, trúng phải gió độc. Thậm chí, nếu người phụ nữ vô tình chân đạp phải đinh gỉ - một vật phổ biến tại công trường lại càng khổ vì có nguy cơ bị nhiễm trùng uốn ván.

Tuy nhiên, những điều này chưa thực sự khiến phận “má hồng” khổ tâm nhất. Điều khiến họ rơi nước mắt nhiều đêm là nỗi nhớ con thơ cũng như sự trách móc, giày vò trong thâm tâm vì không làm trọn vai trò của một người mẹ. Đó cũng là lý do mà chị Thúy không cầm được nước mắt khi nhắc đến người con trai mới 4 tuổi đang gửi ông bà ở nhà.

“Mình không thể đem con đi cùng được. Tuy nhiên, mỗi chiều khi thấy những đứa trẻ mang ba lô hò nhau đi học về qua trước công trình là nước mắt lại chảy. Và mỗi lần gọi điện cho con, điều duy nhất mà cháu hỏi là mấy giờ mẹ về và không cần ô tô hay siêu nhân nữa mà chỉ cần mẹ thôi. Nhiều lúc mình về thăm nó phải nhân lúc nó đi học hay sang ông bà để trốn lên Hà Nội mà nó không biết” – chị Đồ Thị Thúy nghẹn ngào nói.

“Thực tâm mình không hề muốn đi làm ở công trường chút nào. Không phải vì ngại khó, ngại khổ mà vì muốn được chăm cho con từng bữa ăn, giấc ngủ. Tuổi thơ của nó không có bố mẹ ở bên là cả một sự thiệt thòi” – chị Thúy chia sẻ.

"Chỉ cần bên nhau, cùng nuôi dạy con cái là không có quà gì đổi được"

Bên chiếc máy tời vật liệu xây dựng, cô Đinh Thị Hiền (50 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) vui vẻ chia sẻ, nguồn động lực chính của hai vợ chồng cô chính là việc con cái thành đạt. Không phụ công sức, sự vất vả của hai vợ chồng cô, hai con gái đều đỗ đại học trên 24 điểm và hiện đang học tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường.

“Từ lúc chúng nó mới 2-3 tuổi, cô đã theo chồng đi làm phụ hồ, tính đến nay cũng đã gần 20 năm. Khi mình đi làm chúng nó ở nhà với ông bà, chị chăm em mà lớn lên. Chúng nó lúc nào cũng là học sinh giỏi, lên đại học thì được học bổng liên tiếp nên sự vất vả trong cô chú dường như không còn. Lúc nào cô chú cũng nghĩ đến con mà cố gắng chứ không đặt nặng con trai con gái như trước đây” – cô Hiền chia sẻ.

Chuyện của những nữ thợ hồ trong cuộc mưu sinh

Cô Đinh Thị Hiền cho biết, sự thành công của các con là niềm động lực của bố mẹ - Ảnh: Vi Nhất Bình 

Được biết, gia đình cô Đinh Thị Hiền có bốn người con gái. Theo lời cô Hiền, trước đây hai vợ chồng cô cũng nặng tư tưởng con trai - con gái nên hay lục đục nhất là sau những buổi khuân vác nặng. Tuy nhiên, đến thời điểm này chính những cô con gái lại mang đến niềm tự hào cho vợ chồng cô. Đó cũng là lý do mà trên khuôn mặt cô và chồng mình luôn rạng rỡ nụ cười mặc dù đang tất bật với công việc. Đối với cô, đây là một sự “đền đáp” xứng đáng nhất mà cô có được.

Đặc biệt, công trình xây dựng mà hai vợ chồng cô Đinh Thị Hiền đang làm lại ở gần trường đại học cũng như chỗ trọ của hai cô con gái. Cô Hiền cho biết thêm: “Mỗi chiều, chúng nó đi học về rồi qua chỗ bố mẹ ăn cơm. Ngày trước, chúng nó mỗi tuần chỉ đi thăm bố mẹ được một lần vì cô chú làm tận bên Hỏa Lò, Quán Sứ… Nay ở gần nên chúng nó đỡ nhớ hơn, bớt căng thẳng, lo lắng. Nhìn các con ngày càng trưởng thành có lẽ là món quà lớn nhất đối với hai vợ chồng”.

“Là vợ chồng với nhau nhưng mỗi khi nói đến hoa, quà thì ai cũng ngại. Không chỉ chồng mà bản thân mình cũng ngại. Mình đang mặc chiếc áo lao động, người dính đầy xi măng, cát mà tay cầm bông hoa thì xấu hổ lắm. Tuy nhiên, chỉ cần hai vợ chồng cùng nhau tu chí làm ăn, nuôi dạy con cái nên người thì không có hoa, quà nào có thể “đổi” được” – nữ thợ hồ Đinh Thị Hiền chia sẻ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện của những nữ thợ hồ trong cuộc mưu sinh